Suốt 19 năm thi đấu chuyên nghiệp, Palermo đã ghi tới 249 bàn thắng sau 592 lần ra sân. Đó là một hiệu suất đáng nể đối với một tiền đạo. Ở cấp độ ĐTQG, trong kỷ nguyên rực rỡ của Gabriel Batistuta hay Hernan Crespo, Palermo là một cái tên không thể xem thường.
Anh đạt hiệu suất 0,6 bàn/trận, tốt hơn cả Lionel Messi (0,5) hay Diego Maradona (0,37). Tuy nhiên, Palermo chỉ ra sân 15 lần cho ĐTQG Argentina trong suốt sự nghiệp.
Sự nghiệp của Palermo trong màu áo tuyển Argentina diễn ra ngắn ngủi vì 3 lần đá hỏng penalty. Ảnh: Getty. |
Danh tiếng của anh gần như đã bị che lấp bởi thành tích từng đi vào kỷ lục thế giới Guinness. Anh là cầu thủ duy nhất đá hỏng 3 quả penalty trong 90 phút thi đấu.
Trận đấu đáng quên
Tại Copa America 1999, Argentina rơi vào bảng C với Ecuador, Colombia và Uruguay. Trên băng ghế huấn luyện Argentina là chiến lược gia nổi tiếng Marcelo Bielsa, người luôn nhận được sự tôn trọng của bóng đá thế giới.
Bielsa quyết định đặt niềm tin vào Palermo trên hàng công, và không triệu tập Batistuta lẫn Crespo. Với dàn hảo thủ gồm Roberto Ayala, Juan Pablo Sorin, Diego Simeone, Jaiver Zanetti, Ariel Ortega, Pablo Aimar và đặc biệt Juan Román Riquelme, Argentina được xem là ứng viên vô địch của giải đấu.
Trận mở màn gặp Ecuador, họ dễ dàng đè bẹp đối thủ 3-1 với cú đúp của Palermo. 3 ngày sau, Palermo cùng các đồng đội gặp Colombia, đối thủ cũng đã có 3 điểm trước đó.
Argentina được đánh giá cao hơn và ngay phút thứ 5, họ đã được hưởng một quả 11 m khi cầu thủ Colombia để bóng chạm tay trong vòng cấm. Trong bóng đá, các tiền đạo chủ lực thường là những người được trao trọng trách đá penalty. Đặc biệt nếu họ là một người vô cùng tự tin, phần còn lại của đội bóng sẽ không thể tranh cãi về việc ai sẽ sút.
Palermo tiến đến cầm lấy quả bóng, sự tự tin vì cú đúp ở trận trước cũng như vị thế hàng đầu khiến anh dễ dàng nhận trọng trách đá penalty. Những bước chạy và dáng sút thể hiện sự tự tin cũng như quyết đoán của Palermo, anh vung chân cực mạnh đưa bóng dội xà ngang bay ra ngoài.
Thủ môn đã bị đánh lừa, nhưng lực sút là quá mạnh. Tiền đạo của Boca Juniors cúi đầu thất vọng, nhưng anh vẫn còn 85 phút để sửa sai, tỷ số đang là 0-0. Bi kịch bắt đầu từ đây.
5 phút sau, Colombia ghi bàn mở tỷ số từ chính chấm 11 m. Đứng phía xa, Palermo nhăn mặt. Argentina gây sức ép hòng tìm bàn gỡ. Họ cần một bàn thắng, Palermo cần chuộc lỗi.
Hai phút sau giờ nghỉ, Ayala phạm lỗi với đối thủ trong vòng cấm, và trọng tài người Paraguay đã không ngần ngại chỉ tay vào chấm 11 m lần thứ 3 trong trận. Hamilton Ricard đá hỏng và bỏ lỡ cơ hội nâng tỷ số lên 2-0 cho Colombia.
Các CĐV bắt đầu cảm nhận thấy có điều gì đó không ổn trên chấm penalty ở trận này. Trọng tài khá thoải mái khi thổi phạt đền, trong khi các cầu thủ thì cứ thi nhau sút hỏng.
Phút 76, quả penalty thứ 4 của trận đấu được ông Aquino trao cho Argentina, sau khi một cầu thủ Colombia lại để bóng chạm tay trong vòng cấm. Các cầu thủ Colombia tức giận với quyết định của trọng tài vì tỷ số đang là 1-0 và đã thời gian thi đấu sắp hết.
Bên ngoài sân, HLV Bielsa vẫy tay và chỉ vào Palermo, cho thấy rằng tiền đạo này có thể đá. Palermo có thể tự tin hoặc muốn chuộc lỗi vì thế đã nhận trách nhiệm.
Một vấn đề xuất hiện ở đây với cả người sút lẫn thủ môn, họ sẽ xử trí thế nào với lần đối mặt thứ 2 trên chấm 11 m? Thủ môn Miguel Calero của Colombia quyết định đổ sang phải (thay vì trái như pha bóng đầu trận), anh một lần nữa bị đánh lừa.
Thế nhưng, Palermo lại mô phỏng chính xác cú đá từ đầu trận. Lần này bóng đi còn mạnh hơn và bay vọt xà. Nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein có một câu nói nổi tiếng thế này: “Thật ngốc nghếch khi cứ làm đi làm lại một điều gì đó và mong chờ những kết quả khác nhau”.
Calero cứ bay cho có lệ và anh đã nhận lại kết quả giống nhau, trong khi Palermo một lần nữa lại thực hiện cú vung chân bằng mu chính diện hết lực.
Chỉ vài phút sau khi tiền đạo Argentina đưa bóng bay lên khán đài, Colombia đã ghi bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0. Kịch bản của hiệp 1 lại tái diễn. Phút 87, Colombia nâng tỷ số lên 3-0 và đặt dấu chấm hết cho tham vọng có điểm của Argentina trận này.
Đồng hồ điểm phút 90 và nhát dao cuối cùng dành cho Palermo đã đến. Quả penalty thứ 5 của trận đấu xuất hiện và Palermo lại bước lên chấm luân lưu. Lần này thì thủ môn Calero đã cản phá chính xác cú sút của đối thủ khi đổ người về phía trái.
Chỉ có điều cách sút của Palermo vẫn như cũ, đó là một cú vung chân đưa bóng đi bằng mu chính diện y hệt như 2 lần trước. Nét mặt buồn bã và cam chịu của Palermo sau đó nói lên tất cả.
Palermo đi vào lịch sử bóng đá thế giới 3 lần đá hỏng 11 m liên tiếp. Ảnh: Getty. |
Nếu anh thực hiện thành công quả đá ấy, cuộc đối đầu với Colombia có thể sẽ trôi vào dĩ vãng như bao trận đấu xui xẻo khác của đời cầu thủ. Tuy nhiên, với quả đá hỏng thứ 3, Palermo đã đi vào lịch sử bóng đá.
BLV nổi tiếng người Argentina Marcelo Araujo gào thét qua màn hình: “Lạy Chúa, sao chuyện này có thể xảy ra?”. Palermo sau đó đã thể hiện sự cứng cỏi của mình bằng việc trả lời phỏng vấn báo chí, và khẳng định anh sẽ cùng đội nhà đi tiếp ở Copa America.
Anh ghi bàn trong chiến thắng 2-0 trước Uruguay ở lượt cuối vòng bảng, nhưng vì trận thua Colombia mà họ phải gặp Brazil tại tứ kết. Argentina thua đội bóng xứ samba 1-2 và về nước.
Truyền thông bắt đầu mở cuộc tổng công kích vào Palermo. Ole, nhật báo thể thao hàng đầu Argentina, đưa ra một thống kê khẳng định rằng tỷ lệ ghi bàn trên chấm 11 m trong bóng đá là 75%. Và khi bạn đá tới 2 quả penalty trong một trận đấu, xác suất đá hỏng chỉ là 23,7%.
Ngay cả Irish Times, một tờ báo của đất nước cách xa Argentina cả chục nghìn cây số, cũng không giấu nổi sự kinh ngạc: “Palermo đã đi từ người hùng đến một trò cười đáng quên nhất trong lịch sử”.
Palermo còn hơn cả tội đồ, anh là một thứ gì đó mà người Argentina muốn quên đi trong lịch sử. HLV trưởng Colombia, Javier Alvarez khi đó nói: “Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra, ngày hôm nay tôi đã được chứng kiến điều kỳ quái nhất đời mình”.
Palermo ghi bàn cho tuyển Argentina ở World Cup 2010. Ảnh: Getty. |
Trở lại
Đối với nhiều người, sự nghiệp trong màu áo ĐTQG của Palermo dường như đã dừng lại mãi mãi ở đêm định mệnh tại Luque (Paraguay) đó. Chính Palermo cũng từng tin vào điều đó.
Kỳ Copa America 1999 là lần cuối cùng Palermo khoác áo tuyển Argentina trong tròn một thập niên. Cho mãi đến năm 2009, ở tuổi 36, anh mới trở lại đội tuyển. HLV trưởng Argentina khi đó, Diego Maradona quá ấn tượng với sự bền bỉ của một ông già như Palermo.
Chân sút sinh năm 1973 đã ghi tới 13 bàn chỉ sau 25 lần ra sân cho Boca Juniors ở mùa giải 2008/09. Những màn dạo đầu tích cực ở tuyển khiến Maradona điền tên Palermo vào danh sách dự World Cup 2010.
Vài tháng trước ngày sinh nhật lần thứ 37 của mình, Palermo nhận sứ mệnh hỗ trợ đàn em Lionel Messi, người đang là đương kim Quả bóng Vàng thế giới, trong giải đấu trên đất Nam Phi.
Sự tàn nhẫn của thời gian và bi kịch tại Luque năm nào đã hằn lên khuôn mặt của Palermo, nhưng giờ đây, số phận đã trao lại cho anh một nụ hôn ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa.
Trận đấu cuối cùng của Argentina tại vòng bảng World Cup 2010, Messi tung cú sút, thủ môn người Hy Lạp đẩy ra, Palermo lao vào đá bồi ở phút 89 ấn định chiến thắng 2-0.
Ngoài đường biên, Maradona như phát điên. Phép màu đã xảy ra với Palermo. Anh đã vượt mặt “Cậu bé vàng”, để trở thành cầu thủ Argentina lớn tuổi nhất trong lịch sử ghi bàn ở World Cup. Các đồng đội tiến đến ôm lão tướng tóc đã điểm bạc. Gương mặt anh hằn lên những nếp nhăn vì tuổi già và cả sự sung sướng.
Hương vị hạnh phúc cuối cùng cũng thoảng qua Palermo như một cơn gió. Người ta thường nói bóng đá là câu chuyện của những khoảnh khắc. Điều đó đúng với Palermo, ngôi sao đã vụt tắt và rực sáng nhờ những khoảnh khắc.