Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỳ công chuyện săn gà tiến vua ăn Tết

Trong hàng trăm thứ đặc sản tiến cung vua có mấy loại gà được cho là quý hiếm. Ngày nay những chú gà này vẫn được bảo tồn, nuôi giữ, duy trì và trở thành đặc sản...

Vào dịp Tết, không ít người đã kỳ công đi săn những chú gà này về làm cỗ vui xuân.

Gà Hồ hiển hách

Gà Hồ ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) có dáng vẻ của một võ sỹ giác đấu. Tuy không có mái tóc bồng bềnh như chàng công tử gà lôi trắng, hay sở hữu bộ lông tuyệt đẹp như cậu gà lôi vằn, nhưng con gà trống Hồ trưởng thành cũng hội đủ 5 phẩm chất của bậc quân tử: văn, vũ, dũng, nhân, tín. Theo đa số người dân, gà Hồ được gọi là giống đẹp mã, thịt thơm ngon, người làng còn đem gà Hồ tiến vua, được coi là giống có gia phả hiển hách.

Gà An Mông.

Ông Đỗ Tá Dũng (xóm Ngõ Trại - Lạc Thổ) hiện là người có đôi gà đẹp nhất làng, mấy năm qua đều hiện diện ở hội xuân. Hiện nay, ông và anh con trai Đỗ Tá Sỹ nuôi nhiều gà nhất, đồng thời bảo tồn giống, cung cấp cho bà con trong làng và khách phương xa. “Các cụ tôi truyền lại cho cha tôi, rồi đến tôi và sau này là các con cháu trong nhà đều có ý thức gìn giữ giống gà quý của tổ tiên. Khi đã mê, thích và yêu chúng, cộng thêm trách nhiệm cha truyền con nối thì chẳng bao giờ chúng tôi có ý định không nuôi gà nữa. Bởi thế, cha con tôi cứ sống bên những chú gà cả ngày, chăm sóc và nuôi nấng chúng mà không thấy chán”, ông Dũng chia sẻ.

Cũng vì đã trở thành một địa chỉ tin cậy, gia đình ông Dũng được Viện Chăn nuôi Quốc gia về, kết hợp giúp đỡ để gìn giữ giống gà, nuôi sinh sản, kết hợp làm kinh tế. Nhưng gia đình cho biết, không phải bất cứ con gà nào cũng có thể đem bán, mà có bán cũng chủ yếu để bảo tồn, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, để thương hiệu gà Hồ Lạc Thổ ngày càng vang xa.

Năm nào cũng vậy, vào chính hội làng mồng 10 tháng 2 âm lịch, 10 lồng gà đẹp nhất sẽ được trưng bày ở sân hội Lạc Thổ để bà con ngắm, bình chọn đâu là lồng đẹp nhất. Qua tìm hiểu, sau trâu vàng, hình ảnh gà Hồ đã trở thành linh vật của Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3, diễn ra tại Hà Nội. Ngày nay, gà Hồ vẫn còn giữ được 80% dáng dấp và vẻ đẹp xưa, con to trưởng thành có trọng lượng xấp xỉ 6kg, đặc biệt chúng được nuôi bằng thóc gạo, không hề nuôi theo kiểu công nghiệp nên thịt hồng mà thơm ngon, chắc mà ngọt. Bởi thế, vào dịp trước Tết Nguyên đán, nhiều người đã đổ về Lạc Thổ săn gà làm cỗ, dù giá gà cao ở mức 500.000 đồng/kg. Một con gà có giá hàng triệu đồng nhưng luôn trong tình trạng cầu lớn hơn cung. Sở dĩ gà Hồ chưa thể trở thành gà thương phẩm, xuất hiện trong các nhà hàng ở các thành phố, theo người dân là vì nuôi dưỡng khó. Và với giá cao ngất ngưởng như thế thì không phải “thượng đế” nào cũng dám ăn.

Gà Đông Tảo.

Gà Tò ăn quẹm cối xay

Cũng có giá cao, từ 350.000 - 500.000 đồng/kg nhưng vào dịp cuối năm, gà Tò (xã An Mỹ, Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng được nhiều khách, lái buôn ở các tỉnh lân cận về hỏi mua. Có khi, các mối quen hàng năm đã về đặt hàng trước cả tháng vì sợ “cháy” hàng. Đó là gà thịt, còn một chú gà Tò có khả năng chọi được, khách bỏ ra cả chục triệu đồng chưa chắc đã mua được.

Các cụ già trong làng kể lại rằng, dân làng Tò, xã An Mỹ ngày xưa đã có công giúp Vua Trần đánh giặc, lập công lớn, được nhà Vua ban tặng cho một giống gà đặc biệt quý hiếm nuôi, để hàng năm dâng lên vua, rồi cũng từ đây người dân đã lấy tên làng đặt cho giống gà, từ đó tên gọi gà Tò ra đời. Cụ Trần Chinh Bá (80 tuổi) cho biết: “Xưa kia người làng Tò chúng tôi thường xay lúa bằng cối đất. Tuy cối cao nhưng gà Tò đứng bên dưới vẫn mổ được thóc trên cối nên mới có tích “Gà Tò ăn quẹm cối xay”. Xưa, trong lễ Bá Yết Thành Hoàng làng, những chú gà to đẹp nhất sẽ được chọn. Ngay từ đầu năm đã phải nuôi dưỡng để đến mùa xuân năm sau được chú gà trưởng thành.

Thời phong kiến, gà Tò chỉ nuôi chơi chứ không mấy khi bán. Một chú mái thuần chủng nặng 5kg, gà trống thậm chí có con nặng 8kg, cao gần 1m. Trước đây mấy năm, muốn ăn gà thì mấy nhà phải rủ nhau “ăn đụng”. Thịt gà Tò vốn ít mỡ, da dày và giòn, thơm ngon lại đậm đà mà không có một giống gà nào sánh được. Tuy nhiên, theo thời gian, chiến tranh, giống gà này đã bị lai tạp nhiều, không còn giữ được thuần chủng nên hình dáng những chú gà không còn được lực lưỡng như xưa.

Có gà quý có cả niềm vui

Ngoài gà Hồ, gà Tò, đặc sản nước ta còn có gà Đông Cảo (Khoái Châu - Hưng Yên), gà Móng (Duy Tiên - Hà Nam), cũng được nhiều người săn tìm làm của ăn Tết. Đối với dân Hưng Yên, câu ca “Ai về Phố Hiến quê em. Tìm gà Đông Cảo, nhãn lồng Hưng Yên” đã trở nên nổi tiếng từ hàng trăm năm qua. Ở thôn Đông Tảo Đông, xã Đông Tảo (Hưng Yên) có gia đình anh Nguyễn Trọng Tích nuôi dưỡng, bảo tồn loài gà quý hiếm, béo nục nịch, căng tròn này. Anh bưng một con lên ngang mặt, giới thiệu: “Mỗi con là một cục vàng cậu ạ. Tôi quý chúng và quyết gìn giữ nguồn gen để không bao giờ giống gà này bị mất”. Gia đình anh Tích đã ba đời nuôi giữ giống gà Đông Cảo, từ ông nội cho đến người thân sinh. Khi xưa đi chạy giặc, cha anh Tích - ông Nguyễn Trọng Dốc trong lúc loạn lạc chẳng mang theo đồ đạc gì mà chỉ ôm một đôi gà Đông Cảo.

Hòa bình lập lại, trong làng duy nhất nhà ông Dốc có gà trống, gà mái, gà mẹ, gà con Đông Cảo cất tiếng gáy. Theo anh Tích kể thì có lẽ ông Dốc bị ngấm thú đam mê chơi chim, chơi gà của cha là cụ Nguyễn Trọng Oánh, cho nên ngay từ nhỏ ông đã mê thú chơi tao nhã này. Cái máu ấy nó lại ngấm sang các con, đặc biệt là Nguyễn Trọng Tích.

Sau này, cùng với nhiều người đam mê nuôi giống gà quý, ông Tạ Văn Hiệu cũng "say" gà. Theo cách nghĩ riêng, ông Hiệu coi giữ giống là trách nhiệm và lúc nào trong trang trại cũng có hàng trăm chú gà mái. Năm 2009, trong trại của ông có 400 gà mái và 100 gà trống. "Mỗi năm một chú gà mái Đông Cảo chỉ đẻ 120 đến 130 trứng, trong khi gà lai có thể đẻ đến 200 thậm chí hơn. Tôi đã đi vận động bà con hãy cùng nhau bảo vệ gien giống gà này. Tôi cũng đã đầu tư mua lò ấp để ấp giống cho dân. Giờ người dân xã nhà nuôi rất nhỏ lẻ, người nuôi nhiều như tôi còn ít. Do lai tạo với những giống gà khác nên hiện nay gà Đông Cảo cũng nhỏ đi, ít con đạt 5kg, trừ gà trống có thể được 6kg".

Cũng theo ông Hiệu, hiện giống gà Đông Cảo đã được lan ra các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh và cả Hà Nội. Ở các địa phương đó, nhiều người cũng nuôi một vài chục con để thi thoảng làm thịt. Riêng vào dịp cuối năm, khách cũng đến tận làng đặt mua những con chân to, thuần nhất để làm đặc sản đãi khách. Vậy nên, có những ngày cao điểm, hàng trăm chú gà được chuyển đi. Đa số khách mua cho biết, việc dùng thịt lợn, giò chả, thịt gà bình thường để làm cỗ Tết đã quá cũ nên có nhu cầu tìm đến những loại thực phẩm có chất lượng cao hơn, ăn ít còn hơn ăn nhiều. Các giống gà quý kể trên đều đáp ứng được điều đó, tuy rằng giá cả hơi cao nhưng đó là cách chơi sang của những người sành ăn.

Anh Trần Văn Mai, một khách đến Đông Cảo săn gà chia sẻ: "Làm việc vất vả mấy trăm ngày, chỉ có mấy ngày Tết được nghỉ ngơi, thư giãn. Tìm đến món gà ngon cũng là một cái thú. Tôi ở Hà Nội, không nuôi được nên năm nào cũng phải về đây mua. Anh em họ hàng còn nhờ mua luôn thể, vậy là thành kẻ... ôm rơm. Tuy thế nhưng mà rất vui anh ạ".

 

http://cstc.cand.com.vn/vi-VN/phongsu-ghichep/phongsu/2014/2/187277.cand

Theo Công an Nhân dân

Bạn có thể quan tâm