Quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An là một trong những nội dung đang được dư luận quan tâm. Bản đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vừa được đưa ra để lấy ý kiến người dân, sau gần 5 năm kể từ khi UBND Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo này.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội - chia sẻ về các nội dung xoay quanh vấn đề trên.
Điểm nhấn mới của thủ đô
- Ông có nhận định gì về quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An 1/500?
- Từ sau năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch chung và 4 lần điều chỉnh địa giới. Sau khi điều chỉnh lại địa giới giữa Hà Nội và Hà Tây thì quy hoạch chung của toàn thủ đô Hà Nội năm 1992 đã xác định Hà Nội có các khu vực đặc thù, các khu vực trung tâm văn hóa của thành phố. Trong quyết định đã nói rất rõ, ngoài khu vực Ba Đình, hồ Hoàn Kiếm còn có khu vực hồ Tây.
Ngay sau quy hoạch chung năm 1992, Hà Nội rất quan tâm đến các khu trung tâm. Hà Nội đã có quy hoạch khu phố cổ, quy hoạch khu vực hồ Gươm và năm 1994 có quy hoạch khu vực hồ Tây và bán đảo Quảng An.
Toàn cảnh Hồ Tây và hồ Đầm Trị. Ảnh: Văn Khánh |
Trong quy hoạch này, khu vực hồ Tây và bán đảo Quảng An đã xác định được rõ chức năng, có các trung tâm văn hóa công cộng và đặc biệt đưa ra yêu cầu phục vụ cho du lịch, khai thác cảnh quan, đây là một điểm nhấn mới của thủ đô Hà Nội.
Đến năm 1998, chúng ta lại có Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội và tiếp tục nhấn mạnh thêm nữa về vai trò của khu vực bán đảo hồ Tây. Trong quy hoạch lần này, xác định rõ rằng có trục không gian nối từ phía tây hồ Tây giao cắt với trục Cổ Loa, Đặng Thai Mai, bán đảo Quảng An để tạo thành một trục không gian Thăng Long - Hà Nội truyền thống nhưng hiện đại.
Quy hoạch năm 1998 cũng đã tạo ra một điểm nhấn của giao điểm này là khu vực Đầm Trị - khu vực gắn kết với các di tích lịch sử xung quanh.
Đến năm 2008, sau khi mở rộng địa giới, chúng ta có 3 năm nghiên cứu với sự tham gia của các tổ chức tư vấn trong nước và nước ngoài, thẩm định, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch Hà Nội mới đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 là Quyết định 1259.
KTS Đào Ngọc Nghiêm nói về đồ án quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An. Ảnh: M.T. |
Trong quy hoạch năm 2011 đã xác định được rất nhiều vấn đề như xác định trung tâm dịch vụ, văn hóa, thương mại nằm ở phía tây hồ Tây và đặc biệt khu vực bán đảo hồ Tây.
Quy hoạch năm 2011 lần này đã xác định rõ khu vực bán đảo hồ Tây sẽ có một nhà hát hoặc một bảo tàng thích hợp. Tiếp tục thực hiện quan điểm này, chúng ta có quy hoạch phân khu hay còn gọi là quy hoạch phân khu A6 hồ Tây, bán đảo hồ Tây. Đây là quy hoạch tương đồng với quy hoạch năm 1994 (tức sau gần hơn 20 năm).
Trong quy hoạch phân khu A6 khẳng định rõ vị trí giao điểm giữa trục tây hồ Tây và trục Cổ Loa là một nhà hát đa năng, xác định rõ vị trí các công trình phải bảo tồn, tôn tạo và đặc biệt có thể thể hiện lại các ý tưởng, các cảnh quan xung quanh.
Như vậy, để có được quy hoạch phân khu A6, chúng ta đã trải qua một thời gian rất dài. Gần 30 năm, chúng ta đã đặt ra vấn đề làm trung tâm văn hóa nhưng làm cái gì thì đến quy hoạch A6 mới xác định đó là một nhà hát đa năng.
Hồ Tây là khu vực có tiềm năng lớn về văn hóa
- Vậy theo ông, quy hoạch lần này có điểm nào tích cực sau gần 30 năm, đặc biệt với dự án nhà hát ở hồ Đầm Trị?
- Lần này, chúng ta mạnh dạn đặt ra một công trình mới, có thể nói đây là kế thừa định hướng rất chuẩn xác và đúng hướng từ quy hoạch năm 1992.
Thứ hai, thành phố đã rút kinh nghiệm các bài học để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là mặt nước ở đây.
Thứ ba, dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng - kỹ thuật để thu hút cộng đồng dân cư, bạn bè nước ngoài vào trung tâm mới, nhằm giảm áp lực cho nội đô lịch sử của thành phố Hà Nội.
Quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An. Ảnh: UBND quận Tây Hồ. |
- Vậy vấn đề khó khăn nhất mà quy hoạch này gặp phải là gì, và cần giải pháp gì để hiện thức hóa quy hoạch này?
- Khó khăn lớn nhất hiện nay là phải thông tin để người dân thấy rõ rằng phát triển của Hà Nội không chỉ bó hẹp trong khu vực nội đô lịch sử, ở những khu vực chúng ta thường quan tâm như hồ Hoàn Kiếm, Ba Đình hay phố cổ mà phải phát triển xa hơn, nhưng Hồ Tây cũng là khu vực có tiềm năng rất lớn về văn hóa.
Đi ngược lại lịch sử, từ thời phong kiến, rất nhiều danh nhân, nhà văn hóa đã quan tâm đến khu vực hồ Tây như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Trãi... Hơn nữa, khu vực hồ Tây và bán đảo Quảng An cũng có nhiều di tích tầm cỡ quốc gia. Tại đây, có tới 30 di tích quốc gia đã xếp hạng và còn gần 25 di tích chưa xếp hạng nhưng rất có giá trị.
Một điều đặc biệt nữa, đây là khu vực mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long Hà Nội, đặc biệt là làng nghề, cả làng nghề thủ công, làng nghề ẩm thực... Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt nhất để tránh những ý kiến trái chiều với nhau là phải tiếp cận được tổng thể, thấy được mục tiêu phát huy, khai thác giá trị văn hóa phong phú, đa năng của khu vực này.
Bình luận