K-pop chính xác là gì?
Cây bút Tamar Herman của SCMP đặt ra câu hỏi này khi làn sóng Hallyu lan rộng toàn cầu, vươn tầm thế giới với hai cái tên nổi trội là BTS và BlackPink.
Song, cuộc chơi này không hoàn toàn nằm ở các nghệ sĩ nhạc pop người Hàn Quốc. Kpop, từ vốn chỉ những nhóm nhạc Hàn Quốc hoạt động dưới sự điều hành của công ty quản lý, đang dần thay đổi.
Ngày càng có nhiều ca sĩ “ngoại lai” tấn công thị trường này. Song, việc này bị cho là chiếm đoạt văn hóa. Các nhóm nhạc không có thành viên người Hàn cũng khó có thể hoạt động và được đón nhận.
Theo chuyên gia, ý nghĩa về “Kpop” ngày càng khó xác định.
Kpop dưới góc nhìn nhà nghiên cứu
Theo SCMP, “Kpop” là thuật ngữ chuyên ngành phổ biến được vài thập kỷ. Chúng không chỉ nói về thể loại nhạc pop của Hàn Quốc, cụ thể hơn là thứ âm nhạc được tạo ra bởi những người trẻ, đa tài được gọi là “idol”.
Các thần tượng Kpop nói chung phải được quản lý bởi các hãng giải trí lớn và tương tác mạnh mẽ với fandom - khán giả trung thành của họ.
Lee Gyu Tag, phó giáo sư nghiên cứu văn hóa nhân chủng học của ĐH George Mason Hàn Quốc, là người tìm hiểu lâu năm và nắm rõ cách thức vận hành của Kpop. Ông có những chia sẻ sâu với SCMP về nền văn hóa này.
“Khi định nghĩa Kpop, người ta nên xem xét tổng thể âm nhạc, hình ảnh và cả những người tham gia vào dòng chảy chung của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc”, ông nói.
BTS trở thành nghệ sĩ toàn cầu nhờ hình ảnh đậm chất Kpop. Ảnh: Big Hit. |
Theo ông Lee, "Kpop" không chỉ đề cập đến phong cách âm nhạc mà còn liên quan đến vũ đạo, thời trang, thẩm mỹ trong MV, hệ thống quản lý kinh doanh có cấu trúc (nơi thần tượng được quản lý bởi các công ty giải trí). Ngoài ra, mối quan hệ giữa người hâm mộ và nghệ sĩ trên các phương tiện truyền thông đại chúng là đặc trưng lớn nhất của nền văn hóa này.
"Đây được xem là phong cách Kpop hoặc phong cách Hàn Quốc. Nó được nền giải trí biến thành một nền văn hóa chứ không đơn thuần là nhạc pop viết bằng tiếng Hàn”, ông Lee nói thêm.
Lee cho rằng một số ca sĩ Hàn Quốc hoàn toàn tách biệt với Kpop. Nhiều người nổi tiếng như Hyukoh, Jambinai và Say Sue Me theo đuổi xu hướng indie khác hẳn với các idol nổi tiếng.
Lee giải thích rằng một số nhóm nhạc có thể được coi là ngôi sao nhạc pop toàn cầu nhưng lại bắt nguồn và đại diện mạnh mẽ cho văn hóa Kpop, điển hình là BTS.
“Tất nhiên bây giờ BTS nổi tiếng hơn bất kỳ nhóm nhạc Kpop nào khác. Song, âm nhạc và phong cách của họ vẫn đại diện cho văn hóa này. Từ mối quan hệ giữa BTS và công ty quản lý Big Hit Entertainment hoặc cách họ sản xuất âm nhạc, xây dựng hình ảnh và giao tiếp với người hâm mộ vẫn rất Kpop", Lee phân tích.
Làn sóng ngoại lai
Theo truyền thống, Kpop không được xác định bởi quốc tịch của các ngôi sao. Hiện nay, việc các thành viên trong nhóm nhạc không phải là người gốc Hàn là điều phổ biến. Kể cả BlackPink hay NCT đều có người quốc tịch khác, đa phần đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản.
Song, nhập gia phải tùy tục.
Khi muốn gia nhập cuộc chơi, đồng nghĩa với việc các thành viên phải “Kpop hóa” bản thân nếu không muốn bị đào thải, dù họ hoàn toàn không phải là người gốc Hàn.
“Giống như các thể loại âm nhạc khác như Jpop, Britpop, Cantopop... Kpop không thể tách rời hoàn toàn khỏi quốc tịch hoặc bản sắc khu vực” - Lee khẳng định.
Ca sĩ ngoại lai không được lòng người hâm mộ. Ảnh: FrontRow Records. |
Tuy nhiên, ông cho rằng Kpop đang có nhiều thay đổi, nhất là khi nó trở thành làn sóng Hallyu nổi tiếng toàn cầu.
“Tuy Kpop phổ biến đến toàn thế giới nhưng văn hóa này với có nhiều thể loại nhạc rock hay hip hop thế giới có nhiều khác biệt. Bản sắc dân tộc và đặc trưng khu vực là điều quan trọng để xác định chúng”, giáo sư giải thích.
Song, việc nhiều nghệ sĩ phương Tây lấy cảm hứng từ Kpop những năm gần đây dẫn đến nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh vấn đề "ý nghĩa thực sự của Kpop" là gì.
Điển hình là nhóm Kaachi.
Đây là nhóm nhạc bốn thành viên có công ty quản lý ở London, Anh. Nhóm chỉ có ca sĩ Coco người Hàn Quốc. Các thành viên còn lại là người Tây Ban Nha gốc Anh và người Philippines gốc Tây Ban Nha.
Song, họ vẫn lấy tên nhóm và hoạt động với tư cách idol Kpop. Kaachi trong tiếng Hàn có nghĩa là “cùng nhau”. Trong một lần phỏng vấn, Kaachi đã cố gắng giải thích mối liên hệ của họ với Kpop. Các thành viên trong nhóm cũng tự định nghĩa về nền văn hóa này.
“Kpop khá khó để định nghĩa trong một từ hoặc một câu vì có nhiều lý do để mọi người thích chúng. Đó có thể là âm nhạc, vũ đạo, hình ảnh tiếng Hàn và các nghệ sĩ nói chung”, Kaachi nói.
“Về mặt âm nhạc, Kpop được truyền cảm hứng từ nhạc pop, jazz, hip hop và nhạc điện tử. Bây giờ, thể loại này đang trong quá trình toàn cầu hóa. Hơn hết, nó dần trở nên độc lập và gần như là thể loại âm nhạc riêng. Chúng tôi nghĩ Kpop khiến mọi người thích thú cho dù họ đến từ đâu”, nhóm nói thêm.
Việc thiếu vắng văn hóa Á Đông khiến các nhóm nhạc có thành viên ngoại lai bị quay lưng. Ảnh: Immabb, DR Music. |
Tuy nhiên, tại thị trường âm nhạc khắc nghiệt bậc nhất châu Á, việc Kaachi vắng bóng "màu sắc Á Đông” vấp phải sự khinh thường của nhiều người hâm mộ.
Thậm chí, netizen Hàn không công nhận họ là nghệ sĩ Kpop và buộc tội các thành viên bước vào một không gian văn hóa vốn không thuộc về họ. Nói đúng hơn, Kaachi bị Knet cáo buộc chiếm đoạt văn hóa.
“Ban đầu, họ nói chúng tôi không đại diện Kpop vì các thành viên không phải người Hàn Quốc. Tuy có quốc tịch khác nhau, nhưng chúng tôi tạo ra thứ âm nhạc mà mình thích. Chúng tôi là nhóm nhạc sử dụng yếu tố Kpop và được phát triển bởi những người trong ngành công nghiệp Kpop. Chúng tôi là đại diện để phá vỡ rào cản Kpop”, thành viên Coco nói với SCMP.
“Nghệ thuật là chủ quan. Miễn là mọi người thích âm nhạc của chúng tôi mới là điều quan trọng” thành viên Dani nói thêm. Nhóm đã phát hành đĩa đơn Photo Magic vào ngày 5/11, cho đến nay đã đạt được hơn 2 triệu lượt xem trên nền tảng phát nhạc nổi tiếng.
Các nhóm nhạc có nhiều thành viên không phải người châu Á cũng chịu chung số phận. EXP Edition, nhóm nhạc nam đa chủng tộc ban đầu được thành lập thông qua luận án tốt nghiệp tại ĐH New York, Mỹ. Cuối cùng, họ được quảng bá và ra mắt ở Hàn Quốc. Nhóm nhạc nữ Black Swan (tạm dịch Thiên nga đen) đã bổ sung cô gái da màu vào đội hình của họ.
Khán giả khó chấp nhận
Tuy nhiên, các nhóm nhạc ngoại lai ít được sự đón nhận từ người hâm mộ Kpop lâu năm. Giáo sư Lee cũng có nhiều băn khoăn về điều này.
“Trong khi EXP Edition và Kaachi xác định là Kpop vì họ hát bằng tiếng Hàn và sử dụng nhiều chất liệu của nền văn hóa này, khán giả toàn cầu vẫn nghi ngờ liệu họ có phải là nhóm nhạc Kpop đích thực hay không”, Lee nói.
Tuy nói rằng ông hiểu tại sao Kaachi được phân loại là nhóm nhạc Kpop nhưng Lee vẫn nhấn mạnh di sản văn hóa và nguồn gốc của làn sóng này rất quan trọng.
Á Đông là yếu tố quan trọng của nền văn hóa Kpop. Ảnh: HB. |
Từ những ngày đầu Kpop manh nha xuất hiện ngoài châu Á, người hâm mộ đã có cái nhìn khác về thứ âm nhạc này. Đến nỗi, idol Hàn có ảnh hưởng sâu rộng đến ngành âm nhạc của nhiều quốc gia và hòa nhập vào văn hóa đại chúng chính thống của họ.
Từ nghiên cứu riêng, ông Lee nói người hâm mộ xem Kpop là một hình thức phản văn hóa, hoàn toàn trái ngược với nền giải trí phương Tây.
“Người hâm mộ ngoài châu Á chọn Kpop vì nó khác biệt với âm nhạc toàn cầu (nhạc Âu Mỹ) - thứ vốn được xem là âm nhạc đại chúng và phổ biến hơn” Lee nói.
"Vì vậy, đối với người hâm mộ trung thành, khi nhóm nhạc tự nhận xuất thân Kpop có thành viên không phải người châu Á (phần lớn là Đông Á), thì nó không phải là Kpop nữa. Đó chỉ là thể loại nhạc pop khác", giáo sư ĐH George Mason giải thích thêm.