Cụ thể, Khan đã thực hiện một video làm giả cảnh lao vào tàu hỏa tự sát sau khi bị người yêu chia tay, theo VICE.
Đoạn clip được chỉnh sửa đủ khéo léo để thuyết phục người xem tin rằng anh đã qua đời sau sự việc. Thậm chí, người nhà của Khan cũng tưởng con mình đã chết.
Ngày 23/7, video này được đăng lên tài khoản Instagram 44.000 người theo dõi của Khan, trở thành tâm điểm dư luận trên mạng xã hội Ấn Độ.
Một người dùng Twitter tên Binu Varghese còn chia sẻ lại đoạn clip lên nền tảng này, nhận về 300.000 lượt xem.
Khan phân trần rằng anh không hề có ý cổ súy hành động tự sát, chỉ muốn làm video truyền thông điệp ý nghĩa tới cộng đồng. Ảnh: Iffy Khan. |
Trò lừa này không chỉ được dân mạng đất nước tỷ dân quan tâm, mà còn khiến cảnh sát địa phương chú ý.
Ngày 24/7, lực lượng Cảnh sát Đường sắt Bandra, nơi Khan thực hiện video, đã bắt giữ người này, theo Times of India.
Lực lượng chức năng cho biết Khan vi phạm mục 336 Bộ luật Hình sự Ấn Độ do có hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bản thân và người khác.
Ngoài ra, anh cũng bị buộc tội đăng tải nội dung chứa thông điệp xúi giục hành vi phạm tội và gây rối loạn trật tự công cộng theo Đạo luật Đường sắt Ấn Độ.
Phân trần với VICE, Khan cho biết anh chỉ làm video với mục đích giải trí. "Đó là một sai lầm. Tôi không bao giờ có ý khuyến khích mọi người tự sát".
Shubham Joshi, người bạn thời thơ ấu thường hợp tác với Khan thực hiện video, nói rằng ý định ban đầu của hai người là thực hiện đoạn clip nâng cao nhận thức chống lại nạn tự tử.
"Mọi người đã hiểu lầm thông điệp mà anh ấy muốn truyền tải. Đây chỉ là phần một trong loạt clip chúng tôi đang thực hiện. Trong phần 2, Khan sẽ tỉnh dậy sau giấc mơ và từ bỏ ý định đó khi nhìn thấy cha mẹ mình", Joshi nói.
Hiện, Khan đang chờ phán quyết từ tòa án. Anh cũng chính thức lên tiếng xin lỗi người xem vì đoạn clip trên.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng video do anh đăng tải có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
"Hiện nay, dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều người có xu hướng trầm cảm và tự sát. Không ít người nảy sinh suy nghĩ về cát chết, vì thế đoạn video như vậy có thể khiến họ lầm tưởng đó là cách giải thoát khỏi cảm xúc tiêu cực", Tiến sĩ Seema Hingoranny, nhà tâm lý học, nói với VICE.
Khan không phải người có ảnh hưởng trên mạng xã hội duy nhất tự làm giả cái chết của mình để thu hút dư luận. Tháng trước, Armaan Shaikh, một influencer khác, cũng tự bắn mình bằng một chiếc bật lửa hình khẩu súng để câu kéo lượt xem.