Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kofi Annan ‘đầu hàng' Syria

Ngoài tuyên bố rút khỏi chức vụ Đặc phái viên Hòa bình tại Syria đêm qua, ông Kofi Annan chỉ trích gay gắt Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chia rẽ và không tích cực hành động để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia Arab.

Kofi Annan ‘đầu hàng' Syria

Ngoài tuyên bố rút khỏi chức vụ Đặc phái viên Hòa bình tại Syria đêm qua, ông Kofi Annan chỉ trích gay gắt Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chia rẽ và không tích cực hành động để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia Arab.

>> Thổ Nhĩ Kỳ tăng quân tới biên giới với Syria
>> Số phận Syria phụ thuộc vào trận chiến ở Aleppo

Đơn từ chức của ông Annan bắt đầu có hiệu lực vào ngày 31/8.

Ông Annan nhấn mạnh: "Bạo lực vẫn tiếp diễn bởi chính quyền Syria không khoan nhượng, trì hoãn thực thi kế hoạch hòa bình 6 điểm; cũng như việc phe đối lập tăng cường các chiến dịch quân sự. Điều này khiến cộng đồng quốc tế thêm chia rẽ”.

Tuyên bố của ông Annan ám chỉ việc 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an chia thành 2 phe xung quanh vấn đề Syria. Trong khi Mỹ, Anh và Pháp muốn nhanh chóng lật đổ Tổng thống Assad bằng mọi giá thì Nga, Trung Quốc hiệp lực bảo vệ ông này, 3 lần phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Ngoài ra, ông Annan cũng cho rằng Hội đồng Bảo an có trách nhiệm liên quan đến thất bại của kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông. “Thiếu các áp lực quốc tế đầy đủ và cứng rắn, bao gồm các cường quốc trong khu vực, tôi hay bất cứ ai khác cũng không thể thúc ép chính phủ Syria cũng như phe đối lập thực thi các bước cần thiết", ông Annan nhấn mạnh.

Chính quyền Assad chưa chịu khoan nhượng.

Ông Annan là người đưa ra kế hoạch hòa bình 6 điểm nhằm giải quyết khủng hoảng tại Syria và nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an, chính quyền Assad và quân nổi Syria.

Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả các bên lại không chịu tuân thủ các điều khoản của kế hoạch này và kết quả, nó thất bại. Cụ thể, lệnh ngừng bắn - điểm 2 của kế hoạch, chưa từng có hiệu lực. Phái đoàn quan sát của Liên Hiệp Quốc ngay sau khi được triển khai tại Syria cũng trở thành mục tiêu tấn công và bị buộc phải rút gần như toàn bộ khỏi nước này.

Syria bế tắc

Tổng thống Assad và quân nổi dậy Syria vẫn đang tiếp tục đối đầu gay gắt để giành quyền kiểm soát Aleppo, "Thủ đô thương mại" của Syria.

Trước tính hình đó, có tin Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực thảo luận việc triển khai tên lửa đất đối không để đẩy nhanh quá trình lật đổ Tổng thống Assad.

Quân nổi dậy Syria đang tranh đấu quyết liệt.

“Chúng tôi nhận được tin xác nhận rằng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực thảo luận về vấn đề này. Quân nổi dậy, lực lượng kiểm soát phần lớn miền Bắc Syria đang muốn thiết lập “vùng an toàn” dưới sự quản lý của họ. Quân nổi dậy Libya trước đây cũng lấy việc kiểm soát thành phố phía Đông Benghazi để làm bước đệm lật đổ Đại tá Gaddafi. Chúng tôi sẽ sớm tuyên bố khu vực này là Benghazi của Syria", ông Louay al-Mokdad, Điều phối viên hậu cần cho quân đội tự do Syria tuyên bố.

Trong khi đó, Đại sứ Pháp Gerard Araud cho hay Hội đồng Bảo an sẽ không thể gia hạn sứ mệnh quan sát của Liên Hiệp Quốc tại Syria vào cuối tháng này và sẽ rút gần như toàn bộ khối nhân viên khỏi quốc gia này. Ông Araud cho rằng sẽ rất khó để Hội đồng Bảo an đạt được thỏa thuận để tiếp tục sứ mệnh quan sát của Liên Hiệp Quốc tại Syria.

Ngoài ra, ông Araud cũng mô tả Hội đồng Bảo an đang “vô cùng bế tắc” về vấn đề Syria bởi Nga và Trung Quốc: “Hội đồng Bảo an đang bế tắc. Sự kiện 3 lần phủ quyết cho phép chúng ta khẳng định điều đó”, ông Araud ám chỉ.

Mỹ và Anh cũng đổ lỗi cho Nga và Trung Quốc phá hỏng các nỗ lực hòa bình của ông Annan bằng việc phủ quyết các nghị quyết về Syria nhằm gây áp lực ngăn chặn Tổng thống Assad đàn áp người biểu tình. Ngược lại, Nga cho rằng chính các cường quốc phương Tây làm thất bại kế hoạch hòa bình của ông Annan.

Đại sứ Nga Vitaly Churkin chỉ trích phát biểu của ông Araud và tuyên bố rõ Moscow sẽ "mạnh mẽ yêu cầu Tổng thư ký Ban Ki-moon tiếp tục duy trì sứ mệnh quan sát" của UNSMIS - Phái bộ giám sát của Liên Hiệp Quốc tại Syria sau ngày 19/8.

Tổng thư ký Ban dự kiến ​​tuần tới sẽ trình Hội đồng Bảo an báo cáo bao gồm các khuyến nghị về tương lai của UNSMIS. Một số nhà ngoại giao phương Tây cho hay, việc họ duy trì sứ mệnh ở Syria là nhiệm vụ bất đắc dĩ vì chẳng bên nào trong cuộc xung đột tỏ thiện chí tìm kiếm giải pháp ngoại giao để kết thúc cuộc khủng hoảng. Các nhà ngoại giao Mỹ tuyên bố họ mong muốn kết thúc sứ mệnh tại Syria.

Phương Đăng

Theo Infonet.vn

Phương Đăng

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm