Vào ngày 6/11, Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico đã phải hứng chịu sự thiệt hại thứ hai trong năm nay. Một dây cáp chính đã bị đứt và đâm vào đĩa phản xạ, gây hư hỏng thêm một vài tấm đĩa cũng như các sợi dây cáp khác.
Trước đó, vào tháng 8, một sợi cáp phụ dày 8 cm bật ra khỏi ổ đã tạo thành một vết nứt dài hơn 30 m cho đĩa phản xạ bên dưới.
"Đây rõ ràng là điều không ai muốn chứng kiến. Chúng tôi cam kết sẽ đưa đài thiên văn trở lại hoạt động trong thời gian sớm nhất. Đài quan sát Arecibo chắc chắn là một công cụ quan trọng đối với ngành khoa học vũ trụ", ông Francisco Cordova, Giám đốc Đài quan sát Arecibo tuyên bố sau sự cố đầu tháng 11.
Đài quan sát Arecibo hư hỏng nặng sau sự cố vào tháng 8. Ảnh: Arecibo Observatory. |
Cái kết buồn của đài quan sát Aricebo
Tuy nhiên, Quỹ khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) sau khi đánh giá các thiệt hại đã quyết định dừng hoạt động vĩnh viễn đối với Arecibo.
"NSF đi đến kết luận rằng những thiệt hại gần đây không thể khắc phục mà không gây nguy hại tới tính mạng của những thành viên làm việc tại đây. Do vậy, NSF quyết định bắt đầu lên kế hoạch để ngừng hoạt động đài quan sát", Guardian dẫn lời Sean Jones, trợ lý giám đốc tại NSF phát biểu hôm 19/11 (giờ Mỹ).
"Tôi chẳng còn biết nói gì nữa. Thật không thể tin nổi", Robert Kerr, cựu giám đốc đài quan sát nói với tạp chí Nature.
"Tôi thật sự đau lòng", Abel Méndez, nhà thiên văn học tại Đại học Puerto Rico, người từng sử dụng kính viễn vọng Arecibo chia sẻ.
Sau sự cố vào ngày 6/11, đài quan sát Arecibo bị đánh giá là không còn đủ an toàn để hoạt động. Ảnh: Arecibo Observatory. |
Đến nay, các nhà quản lý vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra những vụ đứt cáp.
Nằm tại Puerto Rico, vùng lãnh thổ thuộc Mỹ và được quản lý bởi một số tổ chức gồm Đại học Central Florida, đây không phải lần đầu kính viễn vọng này gặp sự cố.
Năm 2008 và 2016, việc thiếu nguồn tài chính đã cản trở hoạt động của kính viễn vọng. Cơn bão Maria năm 2017 khiến nhiều mảng kính vỡ, và tới năm 2020 vẫn chưa sửa xong.
Kính viễn vọng biểu tượng
Đài quan sát Aricebo là một trong những kính viễn vọng biểu tượng của ngành thiên văn học. Nhiều người có thể nhận ra nó trong bộ phim về điệp viên James Bond "GoldenEye", ra mắt năm 1995. Mặc dù vậy, ít ai biết rằng đài quan sát này cũng rất quan trọng đối với các nhà khoa học trong việc khám phá vũ trụ và sự sống ngoài trái đất.
Các nhà khoa học đã sử dụng những loại kính thiên văn tại đài quan sát để nghiên cứu các tiểu hành tinh khi chúng bay ngang qua Trái đất với hy vọng có thể tính toán được thời gian để can thiệp trước khi có những vụ va chạm xảy ra.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã sử dụng Arecibo để tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống ngoài Trái đất. Năm 1974, đài thiên văn đã phát ra một dòng tần số sóng mạnh nhất mà Trái đất từng gửi vào vũ trụ nhằm tìm kiếm sự sống tại các hành tinh khác.
Đài quan sát Arecibo về đêm. Ảnh: University of Central Florida. |
Vào năm 2016, các nhà khoa học đã lần đầu phát hiện những vụ nổ vô tuyến nhanh được lặp lại, đây là những tín hiệu không gian bí ẩn mà các nhà khoa học cho rằng chúng được phát ra từ những ngôi sao đã chết.
“Độ nhạy tại Đài quan sát Arecibo cao hơn bất kỳ thiết bị nào khác và cũng linh hoạt hơn các thiết bị khác rất nhiều. Thậm chí, nó còn có thể quan sát được từ tầng bình lưu đến những vùng xa của vũ trụ", Joanna Rankin, nhà thiên văn học tại Đại học Vermont cho biết.
Khác với kính viễn vọng quang học, kính viễn vọng vô tuyến không chụp ảnh vũ trụ mà phát hiện các sóng vô tuyến xuyên không gian đến Trái Đất. Bằng cách phân tích tín hiệu và nguồn gốc của chúng, các nhà khoa học có thể phát hiện các sự kiện thiên văn xảy ra ở khoảng cách rất xa so với Trái Đất.
Đài quan sát Aricebo được hoàn thiện vào năm 1963, và là kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới trong hàng chục năm. Hiện nay kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới là Kính viễn vọng Hình cầu Khẩu độ 500 m (FAST), hoàn thành năm 2016 tại Trung Quốc. Kích thước của FAST tương đương 30 sân bóng đá, khả năng phát hiện sao xung nhạy hơn 2,5 lần so với kính viễn vọng thuộc Đài quan sát Arecibo.