Chiều 7/9, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng và Thống đốc Lê Minh Hưng đồng chủ trì hội nghị trực tuyến thảo luận về chiến lược tối ưu cơ hội đầu tư vào Việt Nam sau dịch Covid-19. Sự kiện được truyền trực tuyến tới hơn 500 doanh nghiệp trên thế giới.
Đón dòng dịch chuyển đầu tư "Trung Quốc + 1"
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết dù FDI trên thế giới giảm 40%, nhưng trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút gần 20 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới tăng 6,6%, vốn mở rộng và tăng thêm tăng 22,2%.
“Những con số này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của thị trường thế giới tới Việt Nam”, ông nhận định.
Để đón dòng vốn, Việt Nam đã và đang chuẩn bị nhiều điều kiện cần thiết như chuẩn bị hạ tầng đất đai, mặt bằng sạch, hạ tầng năng lượng, viễn thông, đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực… Mục tiêu là tạo thuận lợi và hấp dẫn hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong việc thu hút FDI.
Thu hút FDI vào Việt Nam vẫn khả quan trong những tháng đầu năm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh Việt Nam sẽ ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ mới, giá trị gia tăng cao, có khả năng kết nối giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước Đông Nam Á & Nam Á, ông Nirukt Sapru nhấn mạnh Việt Nam như một cửa ngõ để phát triển kinh doanh vào ASEAN. Ngân hàng này đã mở một cuộc khảo sát và 38% số doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ xem xét mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các nước ASEAN.
Ông C.K. Tong, Tổng giám đốc BW Industrial Development JSC, cho biết Việt Nam đã được nhiều nhà đầu tư để ý đến, bất chấp có dịch Covid-19 hay không. Từ trước dịch, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chiến lược Trung Quốc + 1, nghĩa là dịch chuyển chuỗi cung ứng, đa dạng hóa địa điểm tới một quốc gia khác ngoài Trung Quốc.
Chi phí sản xuất đang tăng ở Trung Quốc, trong khi đó nhiều doanh nghiệp muốn có thêm thị trường mới, địa điểm sản xuất, tránh những rủi ro về xung đột thương mại, xung đột lợi ích giữa các nước lớn với nhau.
“Việt Nam dù có Covid-19 hay không vẫn giữ vị trí thuận lợi để đón làn sóng Trung Quốc + 1”, ông nhận định.
Phân tích sâu hơn, ông Tong cho rằng Việt Nam có 2 lợi thế rất lớn để đón làn sóng Trung Quốc + 1. Thứ nhất, Việt Nam rất gần Trung Quốc, có thể tận dụng nguồn sản phẩm, nguyên liệu từ quốc gia tỷ dân. Hiện tại, nhờ đạt được tính kinh tế nhờ quy mô, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc rất rẻ và Việt Nam có thể tận dụng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI. |
Thứ hai là sự tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc về văn hóa và lao động, tính cần cù và tinh thần kinh doanh. Các nhà đầu tư sẽ không cần nhiều thời gian để thích nghi nếu dịch chuyển dây chuyền sản xuất.
Ông Tong cũng nhấn mạnh Việt Nam có năng lực để sản xuất nhiều sản phẩm phức tạp, hàm lượng công nghệ cao. Bằng chứng là Samsung đang sản xuất phần lớn điện thoại ở Việt Nam, thậm chí là những mẫu điện thoại mới nhất. Lực lượng lao động Việt Nam có thể sản xuất những thiết bị cao cấp nhất là điều không băn khoăn, nghi ngờ.
“Kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan, Indonesia, Philippines trong những năm tới”, ông Tong nhận định.
Chú trọng hạ tầng và giáo dục
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách tiền tệ nhanh chóng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông cũng cho hay, sắp tới, NHNN sẽ trình Chính phủ sửa đổi nhiều quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên phát triển thanh toán điện tử, ngân hàng số… tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Soren Bech, Tổng giám đốc RB Health Vietnam, cho rằng để thu hút dòng vốn đầu tư, Việt Nam vẫn cần phải đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Ông nhấn mạnh muốn phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ năng tốt, coi đây là chìa khóa phát triển.
Chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục đầu tư cho giáo dục trong những năm tới. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đặc biệt, phải trao cơ hội cho người lao động được học tập, tiếp thu kỹ năng, sẵn sàng đón nhận công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển.
“Giáo dục phải đóng vai trò quan trọng nhất, cần đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục”, ông nói.
Ông C.K. Tong cho rằng thời gian tới Việt Nam cũng nên chú trọng hạ tầng phát triển. Ông đánh giá Chính phủ Việt Nam đã làm hết sức mình trong việc phát triển hạ tầng những năm qua. Hệ thống đường cao tốc, đường bộ được phát triển mạnh mẽ, kết nối với các sân bay, bến cảng lớn. Các địa phương có nguồn tài nguyên lớn đã được kết nối tốt hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, hạ tầng cũng cần được cải thiện nhiều hơn nữa ở miền Nam, kết nối các địa phương, các cụm công nghiệp lại với nhau. Hạ tầng sẽ giúp tận dụng cơ hội phát triển nhanh hơn nữa cho các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An,…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển 10 năm tới, trong đó đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực tiếp tục được nhấn mạnh.
Với nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ chú trọng đào tạo và phát triển trước năm 2030, khi đó thời kỳ dân số vàng cũng đã qua, bước vào giai đoạn già hóa dân số.
"Chúng tôi sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng dự kiến 7%/năm. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 30% GDP, kinh tế số chiếm 30% GDP trong những năm tới", ông chia sẻ.