Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh tế Việt Nam chuyển mình ra sao?

Từ một nền kinh tế lạc hậu kém phát triển những năm đầu giải phóng, Việt Nam đã chuyển mình vượt bậc, vươn lên mức thu nhập trung bình khá.

Những bước chuyển mình lớn được thể hiện ở việc tăng trưởng GDP, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Tăng trưởng vượt bậc

buc tranh kinh te viet nam anh 1
Cầu Nhật Tân - một biểu tượng phát triển của thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam những năm đầu giải phỏng tăng trưởng thấp và thực chất không có phát triển. Nền kinh tế không có tích luỹ từ nội bộ vì làm không đủ ăn, thu nhập quốc dân sản xuất chỉ bằng 80 - 90% nhu cầu sử dụng.

Thời kỳ này siêu lạm phát hoành hành. Suốt trong thời kỳ 1976-1985 chỉ số giá bán lẻ hàng hóa năm sau so năm trước luôn tăng ở mức hai con số và dao động ở mức 19-92%. Năm 1986, lạm phát đạt đỉnh điểm với tốc độ tăng giá 774,7%. Đời sống nhân dân hết sức khó khăn thiếu thốn.

Sau quyết định cải cách và mở cửa từ năm 1986, kinh tế dần phục hồi và có những bước phát triển nhất định.

Đất nước từ chỗ thiếu ăn triền miên (năm 1988 nước ta phải nhập hơn 450.000 tấn gạo) thì đến năm 1990 đã vươn lên đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu. Sản lượng lương thực năm 1988 đạt 19,5 triệu tấn (vượt năm 1987 hơn 2 triệu tấn) và năm 1989 đạt 21,4 triệu tấn.

Nếu như giai đoạn 1976-1980, bình quân một năm tổng sản phẩm xã hội chỉ tăng 1,4%, thu nhập quốc dân tăng 0,4% thì sau đổi mới, GDP Việt Nam luôn tăng trưởng vượt bậc với 7-8%/năm.

buc tranh kinh te viet nam anh 2
Quy mô nền kinh tế tăng trưởng qua các năm giai đoạn 2005-2016. Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Hiếu Công.

Giai đoạn 1986-1990, GDP tăng trưởng trung bình 4,4%/năm. Giai đoạn 1991-1995 GDP bình quân của cả nước tăng 8,2%/năm. Giai đoạn 1996-2000 tốc độ tăng GDP đạt 7%.

Bình quân từ năm 1991-2000 GDP tăng 7,6%/năm. Giai đoạn từ 2001-2010 GDP tăng bình quân 7,26%/năm. Giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 6%/năm. 

Tính chung cho cả giai đoạn GDP tăng bình quân gần 7%, trong đó có tới 20 năm liên tục GDP tăng bình quân 7,43%. Đến năm 2016, quy mô nền kinh tế đã đạt khoảng 217 tỷ USD.

buc tranh kinh te viet nam anh 3
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra nhanh chóng theo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ảnh: Minh Hoàng

Việt Nam đang đứng thứ 6 tại Đông Nam Á và top 50 nền kinh tế quy mô nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.200 USD (tương đương 48,6 triệu đồng/năm), trở thành một nước có thu nhập trung bình khá của thế giới.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Những năm đầu sau giải phóng, nền kinh tế vận hành theo cơ chế bao cấp nên không rõ ràng. Vào thời điểm đó, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong nền sản xuất.

Bước vào thời kỳ đổi mới, cơ cấu kinh tế của Việt Nam bắt đầu có sự chuyển dịch ở cả 3 lĩnh vực.

Năm 1986, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 38.1%. Tỷ trọng ngành dịch vụ là 33%, còn công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất với 28,9%.

buc tranh kinh te viet nam anh 4
Cơ cấu kinh tế Việt Nam năm 1986. Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Hiếu Công.

Nền kinh tế vẫn phụ thuộc chính vào nông nghiệp, giải quyết tình trạng thiếu lương lực và công an việc làm cho hàng chục triệu người. Ngành công nghiệp phát triển chủ yếu các lĩnh vực khai khoáng, điện, giấy.... Ngành dịch vụ chưa phát triển.

Từ đổi mới đến nay, cơ cấu kinh tế có sự thay đổi nhanh chóng. Ngành dịch vụ vươn lên trở thành ngành có tỷ trọng GDP cao nhất, với 40.1%, công nghiệp với 32.7%.

Ngành nông nghiệp chỉ đóng góp 10% GDP của cả nước.

buc tranh kinh te viet nam anh 5
Cơ cấu kinh tế Việt Nam năm 2016. Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Hiếu Công.

Trong ngành công nghiệp cũng có sự thay đổi lớn. Từ khai khoáng, sản xuất giấy, cơ khí là chủ yếu, nay chuyển sang những ngành mới như công nghiệp chế biến, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử viễn thông, hóa chất….

Khu vực công nghiệp và dịch vụ luôn có sự tăng trưởng mạnh 2 con số, là động lực để thay đổi cơ cấu, chuyển dịch sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

"Thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài"

Bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam thực hiện mở cửa, xây dựng các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Phải nói rằng, vốn FDI đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng của Việt Nam.

buc tranh kinh te viet nam anh 6
Thống kê FDI vào Việt Nam giai đoạn 2004-2016. Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Hiếu Công.

FDI vừa là động lực tăng trưởng, vừa giúp Việt Nam thực hiện định hướng công nghiệp hóa, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, lại vừa đóng góp lớn cho giá trị xuất khẩu.

Về giá trị, những năm đầu đổi mới (1986-1995), vốn FDI vào Việt Nam chỉ khoảng vài trăm triệu USD. Có thời kỳ cao cũng chỉ khoảng 2-3 tỷ USD/năm.

Sau khi bình thường quan hệ ngoại giao với Mỹ và ra đời Luật Đầu tư, dòng vốn FDI bắt đầu vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

Giai đoạn 2007-2009 được coi là giai đoạn bùng nổ FDI tại Việt Nam Năm 2007, vốn FDI đăng ký khoảng 21,3 tỷ USD, tăng 77,8% so với năm 2006. Năm 2008 là được coi là đỉnh cao thu hút FDI với vốn đăng ký đạt trên 71,7 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2007.

buc tranh kinh te viet nam anh 7
FDI vào Việt Nam theo ngành năm 2016. Nguồn: ANZ. Đồ họa: Hiếu Công.

Đây cũng là năm có số vốn đăng ký cao nhất trong lịch sử thu hút FDI Việt Nam.

Năm 2016, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài 15,2 tỷ USD, trong đó giải ngân lên đến 11 tỷ USD.

Các ngành thu hút vốn đầu tư nhiều như chế tạo (64.6%), bất động sản (14,1%), vận tải - kho vận (3,2%), tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (3,4%)…

Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng

Với việc thu hút vốn FDI, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng mạnh mẽ.

Nếu như năm 1990, kim ngạch xuất xuất khẩu hàng hoá đạt 2,4 tỷ USD thì năm 1995 đạt 5,4 tỷ USD, năm 2000 lên gần 14,5 tỷ USD, năm 2005 là 32,5 tỷ USD năm 2005.

Giai đoạn 2006-2016, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 4 lần từ 39,8 tỷ USD (2006) lên gần 176 tỷ USD (2016).

buc tranh kinh te viet nam anh 8
Giá trị xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 1990-2016. Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Hiếu Công.

Cả nước có 25 mặt hàng có kinh ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, cao hơn con số 23 mặt hàng của 2015.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang tiếp tục đám phán, ký kết các FTA với nhiều đối tác kinh tế quan trọng.

Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 70 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD. Một số đối tác lớn xuất khẩu của Việt Nam là Mỹ, tiếp đến là Nhật Bản, CHND Trung Hoa, Australia, Singapore, Đức, Malaysia, Anh…

Những mặt hàng lớn của Việt Nam là điện tử - linh kiện điện tử, đệt may, da dày, gạo, hàng thủy sản, máy móc - trang thiết bị, đồ gỗ, dầu thô, cà phê, các mặt hàng nông nhiệp…

buc tranh kinh te viet nam anh 9
Việt Nam cần tái cơ cấu nền kinh tế để có bước phát triển bền vững hơn. Ảnh minh họa: Mạnh Thắng.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương, Việt Nam đã mất đến 10 năm để chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Việc từ bỏ "kìm hãm các lực lượng sản xuất" tạo ra bước chuyển mình đó có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ấn tượng 30 năm qua.

Việt Nam còn là một trong những nước thu hút nhiều vốn FDI, đẩy mạnh xuất khẩu trên tất cả các lĩnh vực, tạo công ăn việc làm.

Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo hiện nay, tăng trưởng của Việt Nam đã đến giới hạn tự nhiên của nó, nghĩa là phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, giá nhân công rẻ, phụ thuộc vào doanh nghiệp Nhà nước...

"Thời gian tới, Việt Nam cần phải tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế, giảm bộ máy, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, khuyến khích kinh tế sáng tạo... Như vậy, nền kinh tế mới có bước chuyển mình bền vững hơn", TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm