Ðáng lo ngại: sản xuất trong nước nói chung, trong đó có công nghiệp phụ trợ, còn nhiều yếu kém dẫn đến phụ thuộc nhập khẩu nước ngoài từ ghim giấy, kim khâu, ốc vít...
Mấy chục năm vẫn “made in China”
Ðại biểu Trần Văn Túy (bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) báo tin vui, là mới đây lãnh đạo Tập đoàn Microsoft đã đến làm việc tại Bắc Ninh để đặt vấn đề dự kiến chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc, Mexico... đến Việt Nam. Ðón đầu sự đầu tư của Microsoft, Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Theo ông Túy, cơ sở của Samsung ở Bắc Ninh mỗi năm sản xuất khoảng 400 triệu sản phẩm, nhưng chủ yếu nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về nước gia công, lắp ráp, với trình độ công nghiệp phụ trợ của ta hiện nay hầu như không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu đó. Chính vì vậy, trong một hội thảo gần đây đã có cán bộ của Samsung phát biểu khái quát rằng, ta chưa sản xuất được ốc vít đáp ứng yêu cầu của họ.
Cá nhân tôi cho rằng đến thời điểm này các động lực phát triển đã tới hạn rồi, tức là đã hết động lực phát triển. Chúng ta cần cơ chế, chính sách mới để phát triển. Chúng ta cần đổi mới thể chế để tìm ra những động lực mới
Từ thực tiễn điều hành ở địa phương, đại biểu Lê Phước Thanh (chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) cho rằng, việc phát triển công nghiệp phụ trợ hiện đang vướng ở cơ chế, chính sách.
Ví dụ như Quảng Nam rất quyết liệt trong phát triển công nghiệp ôtô, nhưng dù cố gắng vẫn chưa thể làm được động cơ ôtô.
Muốn nước ngoài chuyển giao công nghệ để làm lại vướng một số chính sách, các sở ngành ở địa phương không thể “vượt rào” cơ chế, chính sách chung nên lỡ mất cơ hội tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
Ðại biểu Nguyễn Ðức Hải (bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) cũng cho rằng, trong ngành dệt may ta đang phải nhập khẩu từ cúc áo, kim khâu, và nếu không đầu tư thì chắc chắn không có công nghiệp phụ trợ. “Làm cái kim khâu tưởng đơn giản nhưng Ðức phải đầu tư 35 triệu USD cho một cơ sở cung cấp kim khâu công nghiệp ở vùng Ðông Nam Á”, ông Hải nói.
Cũng đề cập vấn đề nhập khẩu nguyên vật liệu và hàng hóa tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ VN) kể câu chuyện khiến bà giật mình: “Hôm vừa rồi tôi mở hộp ghim giấy ra để xem thì thấy ghi “made in China”.
Nhớ lại cách đây mấy chục năm, từ thời tôi mới đi làm, cái ghim giấy này cũng “made in China”. Tại sao chúng ta không làm, vì không làm được hay vì nó bé quá?”.
“Không có tiền để bung ra”
Cần làm rõ giải pháp là gì
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm tới cần làm rõ giải pháp là gì, ví dụ như năm tới có tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ hay không.
Theo ông Hùng, với nền công nghiệp phụ trợ và sản xuất nguyên vật liệu trong nước như hiện nay, ta sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu, phụ thuộc vào nước thứ ba rất lớn nằm bên cạnh. Trong bối cảnh tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng và khó khăn, nếu xảy ra chuyện gì thì sao?
“Quốc hội ra nghị quyết mà ra được vấn đề thì thành công, còn ra nghị quyết mà chỉ thúc đẩy, tăng cường, đẩy mạnh thì ra nghị quyết làm gì” - ông Hùng nói.
Dành thời gian gần một giờ để phân tích tình hình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, cái được lớn nhất hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên ông bày tỏ lo ngại dư nợ tín dụng ngân hàng đang rất thấp.
Năm nay nhiều khả năng dư nợ tín dụng chỉ tăng khoảng 10%. Lãi suất xuống thấp mà dư nợ tín dụng không tăng phản ánh hai điều: Một là sản xuất gặp khó khăn, hai là nợ công chưa được giải quyết.
Ngân hàng nói sẵn sàng cho vay mà doanh nghiệp không vay thì rõ ràng là sản xuất rất khó, không đầu tư được. Mặt khác, cục nợ xấu còn đó, doanh nghiệp chưa giải quyết được thì ngân hàng cũng không cho vay nữa.
Theo ông Vinh, ngân sách đang đặc biệt khó khăn. Lạm phát đã ở mức rất thấp rồi nhưng không có tiền để bung ra. Chưa bao giờ tiền dành cho đầu tư phát triển lại ở mức thấp như vậy, chỉ khoảng 17% tổng chi ngân sách nhà nước.
“Ví dụ cân đối ngân sách dành cho Bộ Giao thông vận tải năm 2014 chỉ có 2.000 tỷ đồng, trong khi nhu cầu của bộ này cần ít nhất 20.000 tỷ đồng để làm vốn đối ứng. Hiện nay chi thường xuyên tới khoảng 70%, phần còn lại chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, rất gay go”, ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng cho rằng ba nguyên tắc trụ cột của kinh tế đang bị vi phạm: Thứ nhất,tăng chi lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động (ở các nước chỉ tăng lương khi năng suất lao động tăng lên).
Thứ hai, tốc độ tăng cho chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách (chi an sinh xã hội là nhu cầu bức xúc, quan trọng của mọi quốc gia, nhưng tốc độ tăng chi an sinh xã hội phải thấp hơn tốc độ tăng thu ngân sách).
Thứ ba, tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển (lẽ ra ngược lại thì mới tốt).
“Nghèo mà xài rất sang”
Hiến kế cho Quốc hội, đại biểu Ðỗ Văn Ðương (TP.HCM) nói không cần giải pháp gì cao siêu, mà chỉ cần hạn chế những tiêu tốn vô dụng thì đất nước đã không phải gánh nợ như hiện nay.
Dẫn chứng mà ông Ðương đưa ra là hàng loạt công trình từ ký túc xá sinh viên bỏ hoang, bến cảng vắng vẻ, nhà công vụ không ai ở, nhà văn hóa, làng văn hóa không ai thèm ngó... nhưng vẫn cứ xây tràn lan, cái sau to hơn cái trước. “Nghèo mà xài rất sang”, ông Ðương bức xúc.
Ðại biểu Trần Du Lịch thông tin cho dù vẫn dẫn đầu nhóm ASEAN 4 (Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar) nhưng ba năm qua, tốc độ phát triển kinh tế hằng năm của Việt Nam bị tụt rất xa với ba nước còn lại.
Ông Lịch hiến kế ngay trong kỳ họp này Chính phủ phải trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ vấn đề nợ xấu. Bởi thực tế việc lập ra công ty mua nợ xấu (VAMC) chỉ là dồn nợ xấu lại một cục mà không hề bán được. “Khi ngân hàng giải quyết nợ xấu không được thì Chính phủ phải vào cuộc ngay chứ không thể xem đó là việc của ngân hàng nữa”, ông Trần Du Lịch nói.
Tham gia thảo luận, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong điều hành của Chính phủ sẽ giảm dần bội chi, kiểm soát lạm phát.
Phó thủ tướng cũng cho rằng với một đất nước thu nhập bình quân đầu người thấp thì tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa quan trọng để cải thiện đời sống người dân. “Cứ loanh quanh từ một đến hai nghìn đôla thu nhập đầu người thì sẽ rất khó khăn”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng đưa ra bốn nhóm giải pháp cần tập trung, trong đó có việc tìm kiếm thêm các động lực tăng trưởng từ tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp nói riêng, đồng thời đẩy mạnh đàm phán các hiệp định tự do thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Phó thủ tướng nói: “Nếu ta chưa có khả năng tăng lương tất cả thì cần tập trung tăng cho người có thu nhập thấp, khó khăn và đối tượng chính sách”.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội). |
Coi chừng dân nặng gánh vì BOT
Trong lĩnh vực giao thông, tôi thấy nhiều dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) quá, mà thực chất dự án BOT là sau này thu lại tiền từ dân, dân phải đóng góp.
Dự án BOT dứt khoát là phải đặt trạm thu phí, ta hình dung là sau này trên đường sẽ có hàng loạt trạm thu phí. Vấn đề là các dự án được xây dựng với tổng mức đầu tư khá cao.
Có ý kiến cho là, bình quân một kilômet đường ở Việt Nam cao nhất thế giới, mà điển hình như đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu được ví là đoạn đường đắt nhất hành tinh. Đây là vấn đề cần xem xét để sau này không tạo gánh nặng cho người dân và ngân sách.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM). |
Phải minh bạch nợ công
Nói nợ công trong giới hạn là động viên nhau thôi, chứ thực tế nợ công của quốc gia hiện nay là đáng lo lắm rồi. Việc này phải được báo cáo minh bạch với Quốc hội, với toàn dân. Báo cáo không phải để bi quan mà để mỗi người dân, cán bộ biết là nợ công đã báo động đến mức nào, thắt chặt chi tiêu ra làm sao.
Tôi đề nghị rà soát ngay việc chi tiêu của 16 chương trình mục tiêu quốc gia, xem chi phí thực tế đi vào công trình bao nhiêu, chi thường xuyên bao nhiêu, chi trùng lắp bao nhiêu. Điểm danh cho được chi những thứ linh tinh như hội thảo, in tài liệu, tập huấn... bao nhiêu, còn lại vào chương trình bao nhiêu?
Một lãng phí nữa là về động thổ, khởi công, khánh thành. Thực tế là cả nước không giảm được bao nhiêu, xem trên tivi thì thấy hết. Nếu giảm được thì sẽ tiết kiệm rất nhiều kinh phí. Đề nghị những công trình dự án đầu tư công không có khởi công, khánh thành, trừ những công trình đặc biệt ý nghĩa.
Đại biểu TRẦN HOÀNG NGÂN (TP.HCM). |
Cỗ xe nợ công đang quá tải
Nợ công đang ở mức rất cao, 65% GDP. Tôi không cho rằng đó là mức an toàn, đó chỉ là mức pháp định. Giống như xe cộ lưu thông, tốc độ quy định không vượt quá 65, nhưng có xe chạy dưới tốc độ đó đã gây tai nạn. Năm 2015, nghĩa vụ trả nợ lên đến trên 282.000 tỷ đồng, đây là mức không an toàn.
Thứ hai là đảo nợ, hiện tượng này xuất hiện từ năm 2014, đảo nợ 70.000 tỷ đồng, năm 2015 con số này lên tới 130.000 tỷ đồng. Thứ ba là một số khoản mà chúng ta chưa đưa vào nợ công. Đây là ba dấu hiệu cho thấy xe đã có biểu hiện xì khói, chở nặng, phanh mòn.