Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh tế tuần hoàn - nền tảng cho tương lai bền vững

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của tương lai. Muốn đạt được điều này, bắt buộc mỗi tập thể phải giải quyết được bài toán phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh đó, mô hình kinh tế tuần hoàn chính là lời giải được Hội nghị phát triển bền vững 2018 tại Thái Lan đưa ra.

Ưu điểm của nền kinh tế tuần hoàn

“Nền kinh tế tuần hoàn: Tương lai do chính chúng ta kiến tạo” là chủ đề của Hội nghị phát triển bền vững lần 5 vừa diễn ra tại Thái Lan. Đây là một diễn đàn chính thống được tổ chức nhằm lan toả nhận thức về tầm quan trọng và các mục tiêu của phát triển bền vững từ Liên Hợp Quốc cho toàn khu vực Đông Nam Á.

Diễn đàn năm nay bàn luận về nền kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình kinh tế hướng đến việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong toàn chuỗi giá trị, từ sản xuất tới tiêu dùng và quá trình phục hồi.

Trao đổi về tầm quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn với khu vực ASEAN, Chủ tịch kiêm CEO Hội đồng doanh nghiệp phát triển bền vững thế giới - ông Peter Bakker cho biết ASEAN là khu vực gặp nhiều thách thức vì các nền kinh tế tại đây đang trong giai đoạn phát triển. Khu vực này cũng là trung tâm sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới. Do đó, ứng dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, từ đó tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn tài nguyên.

Ứng dụng này sẽ giúp giảm chi phí điều hành doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4500 tỷ USD vào năm 2030 (theo Hướng dẫn thực hành kinh tế tuần hoàn cho CEO, WBCSD). Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn cũng giúp giảm lượng khí thải cac-bon, nâng cao chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới, theo đúng Thoả thuận Paris và những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

SCG anh 1
Hội nghị phát triển bền vững lần 5 mang đến xu hướng mới cho tương lai.

Với chủ đề “Nền kinh tế tuần hoàn: Tương lai do chính chúng ta kiến tạo”, hội nghị chỉ rõ những tác động bất lợi mà hành vi tiêu dùng của con người gây ra cho trái đất, đồng thời giới thiệu khái niệm kinh tế tuần hoàn như một giải pháp phù hợp; từ đó truyền cảm hứng cho những thay đổi mang tính bền vững trong các mô hình sản xuất của doanh nghiệp và hành vi tiêu dùng của người dân.

Với khoảng 1.000 đại biểu đến từ gần 200 quốc gia và 100 tập đoàn hàng đầu thế giới, hội nghị đã kết nối các bên để đưa toàn khu vực ASEAN cùng bước vào hành trình áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Áp dụng thành công kinh tế tuần hoàn

Không chỉ cam kết hợp tác cùng đưa kinh tế tuần hoàn vào hoạt động kinh doanh, nhiều tổ chức, doanh nghiệp còn chia sẻ câu chuyện ứng dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn tại hội nghị.

Tập đoàn SCG với vai trò chủ trì hội nghị và cũng là một phần của khu vực tư nhân, cam kết trở thành động lực chủ đạo thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các bên. SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động đa ngành, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. Tập đoàn đã áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn trên toàn bộ hệ thống với 3 chiến lược chính.

Đầu tiên là giảm lượng vật liệu sử dụng, tăng độ bền sản phẩm thông qua giảm khối lượng tài nguyên sử dụng trong sản xuất. Ví dụ điển hình là sản phẩm bìa sóng “xanh” (green carton) đòi hỏi ít hơn 25% lượng bột giấy nhưng lại bền chắc hơn.

Thứ hai là nâng cấp và thay thế bằng các sản phẩm và vật liệu thô hiện có bằng cách sử dụng ít nguyên liệu hơn hoặc thân thiện với môi trường hơn. Sản phẩm nhựa Poly-etylen (PE) cải tiến của SCG cho phép tái chế 2 lần là một ví dụ.

Cuối cùng là tái sử dụng và tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng thay vì dùng các nguồn tài nguyên mới. Đơn cử như việc xây dựng các trạm thu mua giấy đã qua sử dụng; tái chế chai thuỷ tinh để sản xuất vật liệu cách nhiệt…

SCG anh 2
Sản phẩm bìa sóng “xanh” (green carton) đòi hỏi ít hơn 25% lượng bột giấy nhưng lại bền chắc hơn.

Như đã cam kết, SCG cũng thúc đẩy xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các bên ở trong và ngoài nước nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh. Gần đây nhất, Tập đoàn SCG đã hợp tác công nghệ với Tập đoàn DOW (Thái Lan) để tái chế nhựa làm nguyên liệu nhựa đường, giúp giảm rác thải ngoài biển và trong dân cư, bên cạnh đó là nâng cao tính hiệu quả và giảm lượng các-bon thải ra từ việc xây đường.

Bản thân Tập đoàn DOW cũng có nhiều thành quả trong việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn ngay. Đại diện Tập đoàn DOW chia sẻ tại hội nghị: “Không chỉ tập trung vào sản xuất xanh mà cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tạo cơ hội để họ tiếp cận, nhận diện sản phẩm thân thiện với môi trường qua thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa. Từ đó xây dựng chính sách tài chính, khuyến khích người tiêu dùng thực hiện tiêu dùng xanh”.

Tập đoàn sản xuất lốp xe Michelin cũng không đứng ngoài cuộc. Tập đoàn này đã ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thành công với chiến lược 4R: cắt giảm (reduce), tái sử dụng (reuse), tái chế (recycle) và tái tạo (renewable). Họ đã cắt giảm khí thải CO2 ra môi trường nhờ áp dụng những thiết kế “xanh” (eco-design), thu gom toàn bộ lốp xe cũ cho mục đích tái chế, tái sử dụng nguồn năng lượng cùng phế phẩm từ quá trình sản xuất và lốp xe hết hạn sử dụng, kết hợp vật liệu tái tạo vào sản xuất lốp xe mới.

Những câu chuyện người thật, việc thật trên đã mang tới cái nhìn đa diện cho người tham dự hội nghị, đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp áp dụng nền kinh tế tuần hoàn vào đời sống và công việc kinh doanh.

Sơn Trà

Bạn có thể quan tâm