Theo New York Times, một trong những rào cản đang kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc là các rạp chiếu phim đóng cửa. Thống kê cho thấy hơn 12.000 rạp chiếu phim tại đất nước 1,4 tỷ dân vẫn ngừng hoạt động theo lệnh của chính quyền Bắc Kinh.
Phần còn lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nỗ lực tìm đường phục hồi như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Các nhà máy, cửa hiệu, nhà hàng và quán bar đã mở cửa trở lại cách đây 3 tháng.
Một số chủ cửa hàng và quản lý trung tâm mua sắm thừa nhận họ mất đi một lượng lớn khách hàng là khách xem phim. Các khách hàng này thường đến nhà hàng hoặc cửa hàng bán lẻ sau khi xem phim tại trung tâm thương mại.
“Các cửa hàng phụ thuộc vào rạp chiếu phim giờ khốn đốn. Lượng khách đến rạp chiếu đã biến mất”, New York Times dẫn lời ông Gao Dezhi, quản lý một rạp chiếu ở Liêu Ninh, than thở.
Hơn 12.000 rạp chiếu tại Trung Quốc vẫn bị đóng cửa. Ảnh: New York Times. |
Gượng dậy ì ạch
Các thống kê do chính phủ Trung Quốc công bố hồi giữa tháng 6 cho thấy Bắc Kinh vẫn chật vật tìm cách đưa nền kinh tế trở lại với tăng trưởng. Doanh số bán lẻ tháng 5 giảm 2,8% so với tháng 5/2019, tức giảm 5 tháng liên tiếp, mặc dù doanh số bán xe hơi, đồ tạp hóa và mua hàng trực tuyến gia tăng.
Tuy nhiên, đây vẫn là sự cải thiện đáng kể so với những tháng trước đó. Các số liệu thống kê sản xuất công nghiệp tháng 5 của Trung Quốc cải thiện chậm nhưng ổn định. Trong khi đó, xuất khẩu sụt giảm kể từ tháng 4 do nhu cầu nước ngoài cạn kiệt vì sự lây lan của dịch Covid-19.
Trung Quốc là một trong những động cơ tăng trưởng quan trọng nhất của thế giới. Việc phục hồi nền kinh tế toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn nếu Bắc Kinh không thể đưa nền kinh tế nước này trở lại tốc độ tối đa.
Thêm vào đó, tình trạng mất việc làm trên diện rộng vì dịch Covid-19 làm lung lay niềm tin tiêu dùng của thị trường 1,4 tỷ dân. Nhiều người không dám hoặc không đủ khả năng chi tiêu.
Người lao động trên khắp đất nước Trung Quốc sẽ phải đối mặt thêm nhiều thách thức trong những tháng tới khi suy thoái kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu mua điện thoại thông minh, thiết bị điện tử, quần áo và các hàng hóa khác do nước này chế tạo.
Tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa phục hồi. Ảnh: New York Times. |
Bản thân Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều rủi ro từ đại dịch. Ổ dịch mới ở Bắc Kinh buộc chính quyền phải phong tỏa một phần thủ đô. “Nếu ai đó muốn xem phim, hãy xem trực tuyến”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong chuyến thăm tới Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) hôm 31/3.
Trên thực tế, hầu hết mọi hoạt động kinh tế đã được nối lại khắp Trung Quốc. Ngay cả các nhà hát cũng mở cửa trở lại. Khách hàng được phép giữ chỗ ngồi xung quanh để đảm bảo giãn cách xã hội. Nhưng rạp chiếu phim thì khác.
Các trung tâm thương mại trên khắp thế giới có thể dựa vào rạp chiếu phim để lôi kéo người dùng ra khỏi nhà. Họ hy vọng rằng khách hàng sẽ ăn tối hoặc mua sắm sau khi xem phim. Tuy nhiên, một số quy định đặc thù buộc các trung tâm mua sắm tại Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào rạp chiếu phim.
Rạp chiếu vẫn tê liệt
Các trung tâm mua sắm tại Mỹ và châu Âu thường nằm ở ngoại ô với giá thuê đất khá rẻ. Khách hàng thường đến bằng xe hơi. Họ có thể đến và rời khỏi rạp chiếu phim mà không đi qua bất cứ nhà hàng hay cửa hiệu nào.
Tuy nhiên, Trung Quốc có các quy định nghiêm ngặt để hạn chế sự phát triển của đô thị thấp tầng. Ít người sở hữu xe hơi hơn. Vậy nên, các trung tâm mua sắm thường là những tòa nhà cao tầng và thích hợp với phương tiện giao thông công cộng.
Các trung tâm mua sắm ở Trung Quốc thường chiếm 5-9 tầng trong một tòa nhà cao tầng. Rạp chiếu phim nằm tại tầng cao nhất của trung tâm thương mại. Người xem phim phải đi qua nhiều nhà hàng và cửa hiệu để đến rạp chiếu phim.
Một nghiên cứu từ 4 năm trước của Trung tâm Nghiên cứu Bất động sản Thương mại Trung Quốc cho thấy hơn 50% số người xem phim đã mua đồ ăn và đồ uống tại trung tâm mua sắm. Hơn 40% mua sắm đồ dùng khác, theo nghiên cứu.
Do đó, khi rạp chiếu phim đóng cửa, doanh số bán lẻ lao dốc. Ngoài ra, các trung tâm mua sắm và cửa hàng không phải những doanh nghiệp duy nhất bị tổn thương vì lệnh đóng cửa rạp chiếu phim.
Muốn đến rạp chiếu phim, khách hàng Trung Quốc thường phải đi qua nhiều nhà hàng và cửa hiệu. Ảnh: Reuters. |
Theo dịch vụ dữ liệu Tianyancha, ít nhất 1.542 công ty điện ảnh và hãng phim đã ngừng hoạt động trong năm nay. Hơn 8.000 công ty sản xuất phim và các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này thất bại ê chề.
Cái chết bí ẩn của một nhà điều hành phim Trung Quốc cũng thu hút sự chú ý của dư luận hồi tuần trước. Bona Film Group - hãng phim, chuỗi rạp chiếu phim Trung Quốc - tuyên bố một trong những giám đốc điều hành nổi tiếng nhất của hãng, ông Huang Wei, tử vong tại một khu phố giàu có ở Bắc Kinh.
Bona Film Group cho biết ông bị chứng mất ngủ, trầm cảm. Điều tra cho thấy không có dấu hiệu phạm tội.
“Nếu lệnh cấm đối với rạp phim không sớm kết thúc, các hoạt động kinh tế ăn theo sẽ thiệt hại đáng kể. Nếu rạp phim không mở cửa trở lại, một số thương nhân phụ thuộc vào rạp có thể đối mặt với nguy cơ phá sản”, giám đốc rạp chiếu phim Gao bình luận.