Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh tế Trung Quốc sóng gió khiến Hermes, Chanel lao đao

Người dân Trung Quốc vừa có một năm không mấy sáng sủa về kinh tế và những mặt hàng xa xỉ như điện thoại, xe hơi hay túi xách hàng hiệu ngoại nhập đã bắt đầu cảm nhận sức ép.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xa xỉ đã bắt đầu lao dốc sau thông tin Apple bán được ít iPhone hơn kỳ vọng trong quý IV/2018 vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể.

Cổ phiếu của LVMH, đơn vị nắm trong tay hàng loạt thương hiệu như Louis Vuitton hay Fendi, đã giảm 3%. Cổ phiếu Burberry còn thảm hơn khi mất giá 5,8% trong khi cổ phiếu công ty mẹ của Gucci mất 4% giá trị. Doanh nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ nổi tiếng Swatch cũng đã mất 3% giá trị cổ phiếu.

Vị đắng Trung Quốc

Chi tiêu cho hàng xa xỉ của người Trung Quốc vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm 2018 dù có những biến động kinh tế. Tuy nhiên các doanh nghiệp sản xuất hàng xa xỉ châu Âu vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh cuối năm và nhà đầu tư đang lo ngại về những con số mang bất ngờ không mong đợi.

trung quoc mua hang xa xi anh 1
Kinh tế khó khăn khiến người Trung Quốc đắn đo hơn khi đưa ra quyết định mua sắm hàng xa xỉ. Ảnh: Getty.

Nếu khách hàng Trung Quốc không muốn chi đậm mua iPhone, thì theo lẽ thường tình, hàng xa xỉ sẽ là những mặt hàng tiếp theo mà họ cân nhắc ngừng mua sắm. Đã có những số liệu cho thấy vấn đề này đang lớn dần.

Hiệp hội ngành đồng hồ Thụy Sỹ cho hay doanh số đồng hồ tại Trung Quốc của các thành viên hiệp hội đã giảm trong tháng 11/2018.

Viện Kinh tế Thụy Sỹ cũng nhận định kỳ vọng về lượng đặt hàng 3 tháng tới đây của các nhà sản xuất đồng hồ nước này đã giảm đáng kể.

Nhiều chuyên gia dự đoán những "nạn nhân" tiếp theo có thể kể đến là những nhà sản xuất xe hơi như General Motors (GM), Volkswagen hay thậm chí là chuỗi cà phê Starbuck, những doanh nghiệp sẽ sớm công bố báo cáo tài chính trong tuần tới.

Là thị trường lớn thứ hai thế giới của Starbuck sau Mỹ, tuy nhiên doanh số của chuỗi cà phê này tại Trung Quốc đang trên đà giảm. Nổi tiếng với những cốc cà phê có giá cao, việc khách hàng Trung Quốc cân nhắc trước khi mua một ly Starbuck cũng đang là một phần của xu thế.

"Chúng tôi cho rằng Starbuck sẽ còn tiếp tục chật vật trong thời gian tới", hãng nghiên cứu thị trường Trung Quốc Cavender nhận định.

GM, Volkswagen, Jaguar Land Rover và Ford cũng nằm trong danh sách được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc kinh tế Trung Quốc chậm lại. Nhiều hãng xe đã chỉ trích cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi khiến sức mua giảm sút.

Nhiều chuyên gia cho rằng Ford sẽ gặp khó trong việc thu hút người mua  mới, trong hi Tesla sẽ vấp phải sự canh tranh mạnh mẽ từ những thương hiệu xe điện Trung Quốc, vốn có giá thành rẻ hơn.

"Vấn đề không nằm ở việc xuất hiện sụt giảm doanh số hàng xa xỉ ở Trung Quốc mà nằm ở mức độ sụt giảm", ông Flacio Cereda, nhà phân tích từ ngân hàng đầu tư Jefferies cho hay.

Phụ thuộc quá nhiều vào quốc gia tỷ dân

Các nhà bán lẻ hàng xa xỉ châu Âu đang phụ thuộc rất nhiều vào người tiêu dùng Trung Quốc trong những năm gần đây.

Theo một báo cáo của Bain phối hợp cùng Altagamma, hiệp hội hàng xa xỉ Italy, khách hàng Trung Quốc chiếm 1/3 doanh số hàng xa xỉ toàn cầu. Tính theo số liệu của McKinsey, lượng mua hàng này trị giá 7 tỷ USD mỗi năm.

trung quoc mua hang xa xi anh 2

Bain cũng nhận định khách hàng Trung Quốc sẽ chiếm 1/2 doanh số hàng xa xỉ toàn cầu vào năm 2025.

"Trung Quốc rất quan trọng, do đó sự biến động doanh số là dễ hiểu", theo ông Cereda.

Ngành công nghiệp sản xuất hàng xa xỉ từng nếm trái đắng trước đây khi phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Khách hàng Trung Quốc đã từng từ bỏ thói quen mua sắm hàng xa xỉ sau khi chính quyền nước này thực hiện chiến dịch truy quét tham nhũng bắt đầu từ năm 2012. Khi đó, Đảng viên và lãnh đạo các tập đoàn nhà nước lớn tại Trung Quốc không được phép sở hữu hàng xa xỉ hay đồng hồ siêu sang.

Tuy nhiên mối lo của các doanh nghiệp hàng xa xỉ giờ lại tới từ việc kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng chóng mặt, kinh tế Trung Quốc đã có năm 2018 sóng gió với mức tăng trưởng kém nhất kể từ năm 1990. Năm 2019 được dự đoán sẽ còn tồi tệ hơn.

"Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sức mua của khách hàng Trung Quốc đang đi xuống", nhà phân tích Helen Brand của UBS khẳng định.

UBS dự đoán tăng trưởng chi tiêu cho hàng xa xỉ từ khách hàng Trung Quốc trong nửa cuối năm 2018 sẽ ở mức 10%. Con số này có vẻ cao, nhưng lại là bước lùi so với mức tăng trưởng 16% trong nửa đầu năm 2018.

Chuyên gia Brand cho hay việc đồng nhân dân tệ yếu đi sẽ khiến khách hàng Trung Quốc chi tiêu ít đi cho hàng ngoại nhập. Hiện du lịch kết hợp mua sắm đóng góp khoảng 2/3 lượng chi tiêu cho hàng xa xỉ của khách Trung Quốc mỗi năm

Giới siêu giàu khắp thế giới 'bốc hơi 511 tỷ USD trong năm 2018

Tài sản của những người giàu nhất thế giới đã “bốc hơi” 511 tỷ USD trong năm nay. Ngoại trừ nhóm ngành năng lượng, các tỷ phú về công nghệ, bán lẻ đều cùng chung cảnh ngộ.



Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm