Theo SCMP, nền kinh tế thứ hai thế giới giảm tới 6,8 % chỉ trong quý I/2020 sau khi vật lộn đối phó với dịch bệnh và đóng cửa phần lớn hoạt động kinh doanh. Kể từ Cách mạng Văn hóa năm 1976, đây là lần đầu tiên “cỗ máy tăng trưởng thần kỳ” Trung Quốc phải chứng kiến mức sụt giảm nghiêm trọng.
Khó đứng lên từ đại dịch
Chỉ trong 3 tháng đầu năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như ngừng lại đột ngột để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Khi dịch bệnh tạm thời đẩy lui, công xưởng thế giới vẫn đang chật vật để có thể tái hoạt động trở lại.
Trong quý I/2020, dù vật lộn tái khởi động sau dịch bệnh, kinh tế Trung Quốc vẫn lao dốc xuống mức thấp nhất trong gần 45 năm. Ảnh: SCMP |
Bloomberg trước đó đã dự báo Trung Quốc sẽ phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng từ đại dịch khi GDP có thể sụt giảm 6%. Hôm 17/4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) xác nhận dự đoán này, thậm chí đưa ra báo cáo mức sụt giảm nghiêm trọng hơn.
Theo NBS, tính riêng trong tháng 3, Trung Quốc vẫn phải oằn mình trước các khó khăn khi hầu hết lĩnh vực trọng yếu như công nghiệp, đầu tư bán lẻ và đầu tư tài sản cố định đều lao dốc, đi ngược lại các nỗ lực mở cửa nền kinh tế của chính phủ nước này sau hơn 2 tháng chống chọi với dịch bệnh Covid-19 từ Vũ Hán.
Thước đo hoạt động sản xuất là chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, khai thác và dịch vụ đều giảm 1,1% trong tháng 3, so với mức giảm 13,5% trong 2 tháng trước đó. Chỉ tiêu này có khả quan hơn so với mức giảm 6,2% của Bloomberg, nhưng riêng chỉ tiêu sản xuất vẫn sụt tới 10,2%. Đây là dấu hiệu cho thấy những cơn gió ngược vẫn bủa vây và ngăn chặn sự hồi phục của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ, chỉ tiêu thể hiện sức tiêu thụ của nền kinh tế đông dân nhất thế giới chứng kiến mức lao dốc nghiêm trọng 15,8%, vượt xa ước tính ban đầu là giảm 10%. Trước đó, giá trị tiêu dùng nước này đã sụt giảm tới 20,5% trong hai tháng đầu năm.
Lần đầu tiên, tăng trưởng GDP hàng quý của Trung Quốc chậm lại và giảm tới 6,8% trong quý I/2020. Ảnh: SCMP |
Ngoài ra, hoạt động đầu tư tài sản cố định cũng giảm tới 16,1% trong quý đầu và tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì 5,9%, so với 6,2% trong 2 tháng trước. Trên thực tế, bức tranh lao động nước này có thể nghiêm trọng hơn nhiều do chưa tính đến các lao động nhập cư bị mất việc hoặc bị hạn chế đi lại.
Triển vọng bi quan cho các nước?
Dữ liệu được công bố cho thấy bài toán đau đầu mà chính quyền Trung Quốc phải giải quyết. Hồi tháng trước, chính quyền Bắc Kinh vẫn mạnh mẽ khẳng định quyết tâm đạt được mục tiêu mức tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng cho người dân. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến các nhà cầm quyền phải dịch chuyển trọng tâm phát triển kinh tế, đóng băng hoạt động kinh doanh trong nước và làm chậm lại cỗ máy tăng trưởng.
Trong khi đó, các quốc gia khác vốn trông chờ vào triển vọng nền kinh tế thứ hai thế giới có thể hồi phục thần kỳ từ đại dịch, mang lại động lực cho trận chiến chống Covid-19 trên khắp thế giới. Tuy nhiên thực tế mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt cho thấy, quá trình hồi phục kinh tế từ đại dịch là một con đường đầy chông gai và nhiều gian nan hơn dự kiến.
Hoạt động kinh tế Trung Quốc những tuần qua vẫn chìm trong bầu không khí ảm đạm. Hồi đầu tuần, chỉ số xuất khẩu tháng 3 của nước này được công bố với mức giảm 6,6%. Chỉ số này dù chưa tồi tệ như dự đoán, nhưng các chuyên gia cho rằng sự hồi phục nhẹ nhàng chỉ có thể duy trì trong chớp nhoáng. Khi các đơn hàng xuất khẩu cạn dần do ảnh hưởng của đại dịch lan ra nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc có thể đối mặt với hiểm họa kinh tế lớn nhất trong gần 100 năm qua.
Sau gần 4 tháng kể từ khi ban hành lệnh phong tỏa gần như toàn quốc, Trung Quốc vẫn đang vật lộn để mở cửa trở lại. Chỉ số hoạt động kinh doanh quốc gia Trivium cho thấy 82,8% năng lực kinh doanh được khôi phục như trước đại dịch, tương đương 1/5 nền kinh tế vẫn đang đóng băng.
Riêng tháng 3, doanh số tiêu thụ ôtô ở Trung Quốc giảm tới 48%. Ảnh: AP |
Theo Liu Chenjie, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý quỹ Upright Asset ước tính có tới 205 triệu công nhân Trung Quốc lâm vào tình trạng “thất nghiệp ma sát” khi chật vật để duy trì công việc. Báo cáo hôm 16/4 cho thấy tỷ lệ việc làm sụt giảm tới 27% trong quý đầu tiên. Trong khi đó, thu nhập trung bình giảm 3,9%, thu nhập người dân ở nông thôn thấp hơn 4,7% so với năm trước.
Dấu hiệu khả quan là các đơn hàng khổng lồ từ các quốc gia đang đối phó với đại dịch vẫn đang gửi về Trung Quốc. Từ đây, các chuyên gia hy vọng động lực tăng trưởng từ nửa sau vẫn sẽ mang lại tốc độ tăng trưởng ổn định cho cả năm.
Cú sốc kinh tế do đại dịch đã tiếp tục lan ra toàn cầu khi Mỹ báo cáo hơn 22 triệu việc làm tạo được hơn 10 năm qua đã "bốc hơi". Mỹ cũng báo cáo doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp lao dốc kỷ lục trong tháng 3, trong khi các nền kinh tế chủ chốt của Eurozone như Đức và Pháp đang suy thoái nghiêm trọng do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với sự suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái những năm 1930. Sự đổ vỡ này sẽ còn kéo dài và “tác động khủng khiếp” hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ước tính, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ giảm tới 3%, so với mức giảm 0,7% trong khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, theo dữ liệu của IMF.
Trong khi đó, IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 chỉ còn 1,2%, mức giảm mạnh so với 6,1% trong năm 2019 và bỏ xa dự kiến 6,0% hồi tháng 1. Với triển vọng bi quan này, Bắc Kinh khó có thể cán mốc mục tiêu đầy tham vọng mà chính quyền Trung Quốc đã đặt ra vào năm nay, đó là tăng trưởng gấp đôi quy mô kinh tế so với năm 2010.