Theo Bloomberg, Tập đoàn Peking University Founder không huy động đủ tiền trả nợ trái phiếu 2 tỷ NDT, tương đương 285 triệu USD, theo một báo cáo nộp lên Trung tâm Tài trợ Liên ngân hàng Quốc gia.
Trong khi đó, Công ty Tunghsu Optoelectronic Technology cũng không thể trả lãi và gốc khoản nợ trái phiếu 1,7 tỷ NDT, tương đương 241 triệu USD, theo Shanghai Clearing House.
Các vụ vỡ nợ trái phiếu xảy ra liên tiếp ở Trung Quốc, đặc biệt là ở những công ty tư nhân yếu kém, cho thấy việc nền kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây sức ép tài chính lớn lên các doanh nghiệp nước này.
Tuần trước, Công ty Xiwang cũng không trả được nợ trái phiếu 1 tỷ NDT, tương đương 142 triệu USD.
Các quan chức Bắc Kinh đau đầu vì nợ xấu. Ảnh: Bloomberg. |
"Các công ty ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn khi đối mặt với khủng hoảng nợ, trừ khi đó là những công ty nhà nước hoặc các doanh nghiệp có ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương", Bloomberg dẫn lời chuyên gia Yang Hao của Nanjing Securities nhận định.
Tỷ lệ nợ của Tập đoàn Founder tăng từ 81,94% trong năm ngoái lên 82,74% vào cuối tháng 6/2019. Lỗ ròng cũng tăng từ 867 triệu NDT (122,8 triệu USD) lên 1,05 tỷ NDT (148,7 triệu USD) trong giai đoạn này.
Trong khi đó, Tunghsu đã nhiều lần trì hoãn trả nợ trái phiếu. Giới quan sát nhận định cuộc khủng hoảng của Tunghsu là dấu hiệu cho thấy ngành sản xuất của Trung Quốc đang rất trì trệ.
Các công ty tư nhân Trung Quốc cũng đang đối mặt rất nhiều khó khăn do nền kinh tế sa sút. Các công ty thuộc khu vực tư nhân chiếm 80% trường hợp vỡ nợ trong năm nay, theo Bloomberg.
Moody dự đoán có khoảng 40-50 công ty vỡ nợ trong năm 2020, so với con số 35 trong năm nay.