Sau 40 năm hình thành và phát triển, Fast Retailing - công ty mẹ của Uniqlo - đã trở thành một trong 3 cái tên hàng đầu ở lĩnh vực thời trang trên toàn thế giới. Đáng nói, phần lớn doanh thu, lợi nhuận của tập đoàn hiện tại đều đến từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.
Động lực mới của nền kinh tế Nhật Bản
Năm 2024 đã đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Uniqlo tại quê nhà. Với sự xuất hiện của cửa hàng flagship toàn cầu mới nhất đặt tại khu vực Shinjuku (Tokyo), “gã khổng lồ” này cho thấy tham vọng tăng trưởng hơn nữa ở thị trường nội địa.
Uniqlo Shinjuku Honten chính thức khai trương hồi cuối tháng 10. Ảnh: Uniqlo. |
Không riêng Uniqlo, nhiều thương hiệu nổi tiếng khác của Nhật Bản cũng tăng cường đầu tư để tận dụng làn sóng phục hồi từ tiêu dùng và du lịch. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hồi tháng 10, đầu tư cố định của các doanh nghiệp đang có xu hướng tăng trở lại, trong bối cảnh lợi nhuận được cải thiện và tâm lý kinh doanh ở mức thuận lợi.
Mới đây, Tập đoàn Khách sạn APA Group khai trương cơ sở lớn nhất tại miền tây Nhật Bản, nhằm khai thác lượng khách du lịch tăng đột biến khi các công ty quốc tế cũng đang cạnh tranh gay gắt. Marriott đã mở một khách sạn mới mang thương hiệu Four Points Flex by Sheraton cũng tại Osaka vào tháng 11. Trong khi đó, IHG Hotels & Resorts có kế hoạch mở cơ sở đầu tiên tại Nhật Bản thuộc chuỗi Garner vào đầu năm sau.
APA Hotel & Resort Namba Ekimae Tower là khách sạn lớn thứ 2 của tập đoàn. Ảnh: Nikkei/Katsuyuki Tanimoto. |
Thực tế, đồng yen yếu đi đã góp phần thúc đẩy sự bùng nổ du lịch ở Nhật Bản sau đại dịch Covid-19. Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, lượng khách đến nước này đã vượt mốc 30 triệu người trong 10 tháng đầu năm nay và vẫn tiếp tục tăng với tốc độ kỷ lục. Riêng tại Osaka, lượng khách quốc tế lưu trú trong tháng 7 đã tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước đó, Tokyo cũng đón hơn 19,8 triệu khách quốc tế trong năm 2023, tăng hơn 30% so với cao điểm trước dịch năm 2019. Chi tiêu của nhóm khách nước ngoài lên hơn 187.000 yen (tương đương hơn 1.200 USD) mỗi người.
Tại chuỗi khách sạn Prince Hotel, doanh số bán phòng trong 6 tháng kết thúc vào tháng 9 đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ suất lấp đầy tăng 5 điểm %. Doanh nghiệp lý giải kết quả này đến từ nhu cầu lưu trú của du khách phương Tây, Australia, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Những vị khách này chủ yếu lưu trú ở các khách sạn của Prince Hotels tại Tokyo.
Uniqlo cho biết đã đạt doanh thu và lợi nhuận kỷ lục tại thị trường Nhật Bản trong năm tài chính 2024 kết thúc ngày 31/8 vừa qua. Đáng chú ý, bên cạnh đóng góp từ các mặt hàng chủ chốt dành riêng cho mùa hè, Uniqlo nhận thấy có sự gia tăng sức mua mạnh mẽ từ nhóm du khách nước ngoài tại Nhật Bản, khi mức độ nhận diện thương hiệu của họ tiếp tục tăng trên toàn thế giới.
Theo công bố của công ty mẹ Fast Retailing, Uniqlo đã đạt hơn 932 tỷ yen (khoảng 6,2 tỷ USD) doanh thu và gần 156 tỷ yen (khoảng 1 tỷ USD) lợi nhuận hoạt động tại thị trường quê nhà, lần lượt tăng 5% và 32% so với cùng kỳ năm trước.
Các thương hiệu đặt nhiều kỳ vọng
Xét đến số liệu GDP, tiêu dùng tư nhân đang đóng góp hơn một nửa sản lượng kinh tế của Nhật Bản. Nhờ đó, GDP quý III tăng trưởng 0,9%, cao hơn ước tính tăng 0,7% của các chuyên gia kinh tế trước đó. “Chúng tôi dự báo nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục hồi phục nhờ việc làm tăng và điều kiện tiền lương cải thiện”, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây. Trên thực tế, tiền lương ở quốc gia này đã tăng trong 2 tháng liên tiếp 6 và 7.
Nhìn chung, trả lời khảo sát tháng 9 của BOJ, các công ty Nhật Bản dự đoán doanh số bán hàng tăng 2,3% trong năm tài chính 2024 - tăng 0,5 điểm so với cuộc khảo sát tháng 6. Họ ước tính lợi nhuận trước thuế giảm 5,7%, nhưng con số này đã cải thiện 2 điểm so với tháng 6.
Với Uniqlo Nhật Bản, Fast Retailing đang kỳ vọng thương hiệu có thể tiếp tục tăng nhẹ doanh thu và lợi nhuận trong năm tới. Tập đoàn thừa nhận đây là một thách thức trong bối cảnh các chỉ số đều đang ở ngưỡng cao kỷ lục. Dù vậy, Uniqlo sẽ nỗ lực cải thiện chất lượng cũng như sức hấp dẫn của sản phẩm, cũng như đẩy mạnh các chiến lược quảng cáo và quản lý tốt những cửa hàng địa phương.
Uniqlo kỳ vọng cửa hàng flagship toàn cầu ở Shinjuku mang lại doanh số bán hàng nhiều nhất thế giới cho thương hiệu. Ảnh: Uniqlo. |
Riêng tại cửa hàng flagship toàn cầu Uniqlo Shinjuku Honten, ông Masahiro Endo - Giám đốc Điều hành Fast Retailing - bày tỏ mong muốn thu hút nhiều khách hàng mới trong và ngoài nước, trở thành cửa hàng số một trong khu vực, mang lại doanh số bán hàng nhiều nhất thế giới cho Uniqlo.
Đối với các thương hiệu tiêu dùng như Uniqlo, sự bùng nổ của du lịch Nhật Bản đang biến thị trường này trở thành cửa ngõ để tiếp cận khách hàng từ khắp nơi trên thế giới.