Theo NBC News, khảo sát ở các bang "chiến trường" cho thấy cử tri Mỹ vẫn đánh giá cao khả năng điều hành kinh tế của ông Trump bất chấp việc nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái vì dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp hiện lên đến 8,4%.
Khảo sát của Trường Luật Marquette ở Wisconsin cho thấy ông Trump dẫn trước ông Biden 8 điểm về phương diện điều hành nền kinh tế. Tại Florida và Pennsylvania, ông Trump dẫn trước ông Biden lần lượt 13 điểm và 11 điểm trên lĩnh vực này, theo khảo sát của NBC/Marist.
Ông Stephen Moore - cựu cố vấn kinh tế của ông Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 - khẳng định ông chủ Nhà Trắng "là người có thể dẫn dắt nước Mỹ vượt qua khủng hoảng kinh tế tốt hơn bất kỳ ứng cử viên nào khác".
Ông Trump được cử tri Mỹ đánh giá cao về khả năng điều hành kinh tế. Ảnh: AP. |
Lợi thế kinh tế
Nền kinh tế Mỹ cũng cho thấy những dấu hiệu phục hồi. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế tạo ra 6,6 triệu công ăn việc làm trong tháng 7, gần bằng mức trước khủng hoảng. Tỷ lệ lạm phát ổn định, xóa đi lo ngại về nguy cơ giảm phát. Các thống kê cũng cho thấy người tiêu dùng Mỹ mua sắm và ăn uống nhiều hơn.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa thể tiệm cận mức phục hồi. Theo Reuters, ít nhất 29,6 triệu người vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp tính đến ngày 22/8. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới vẫn lên đến gần 900.000. Trong khi đó, đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn đang tranh cãi về gói cứu trợ mới.
Ngày 10/9, Thượng viện Mỹ không thông qua gói cứu trợ 300 tỷ USD do đảng Cộng hòa đề xuất. Trong khi đó, đảng Dân chủ đang thúc đẩy một gói kích thích trị giá 3.000 tỷ USD.
"Một phần nguyên nhân của sự phục hồi là các gói kích thích tài khóa quy mô lớn. Nhưng giờ chúng đang dần hết hiệu lực. Có vẻ như sẽ không có một gói kích thích mới nào trước cuộc bầu cử tháng 11 tới", các chuyên gia kinh tế của Bank of America nhận định.
Nền kinh tế Mỹ đang gượng dậy từ cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh. Ảnh: Reuters. |
Gói hỗ trợ thất nghiệp 600 USD/tuần/người được thông qua hồi tháng 3 đã hết hạn vào tháng 7. Hàng trăm tỷ USD cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ cũng đã cạn kiệt. Mới đây, Tổng thống Trump ra sắc lệnh mở chương trình hỗ trợ lương cho người lao động. Theo đó, họ sẽ nhận 300-400 USD/tuần. Nhưng khoản hỗ trợ chỉ kéo dài 6 tuần.
Theo ông Michael Arone, chiến lược gia tại State Street Global Advisors, nếu thị trường lao động không thể khởi sắc cho tới tháng 11, Tổng thống Trump sẽ gặp bất lợi lớn.
"Việc nền kinh tế tiếp tục khởi sắc và cử tri tin rằng mọi thứ trở lại bình thường sẽ tốt cho ông Trump. Nhưng ngày bầu cử 3/11 đang đến gần còn gói cứu trợ của chính phủ đã cạn kiệt. Đó sẽ là tin xấu với ông Trump", ông Steven Englander, Giám đốc điều hành tại Standard Chartered Bank, bình luận.
Thông điệp tích cực
Khi đi vận động tranh cử ở Winston-Salem, North Carolina, ông Trump khẳng định ông đã xây dựng "nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới". "Chúng ta buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh từ Trung Quốc. Năm tới sẽ là một trong những năm vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước về phương diện kinh tế. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu một người mới bước vào Nhà Trắng", ông Trump tuyên bố.
"Tình hình dịch bệnh tại Mỹ vẫn rất nghiêm trọng nhưng ông Trump luôn tìm cách phủ nhận điều đó. Ông cũng đưa ra những tuyên bố lạc quan về vaccine chống Covid-19, ngay cả khi giới khoa học còn đang nghi ngại", tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nói với Zing.
"Tổng thống Mỹ muốn tạo niềm tin cho các cử tri và nhà đầu tư. Niềm tin càng cao, ông Trump càng có lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới", ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Liam Donovan, nhà vận động hành lang của đảng Cộng hòa, cũng cho rằng thông điệp kinh tế là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. "Nếu ông Trump tái đắc cử, chiến thắng đó sẽ bắt nguồn từ việc cử tri tin vào tương lai, chứ không phải sợ hãi tương lai. Sau một năm 2020 quá biến động, mọi người muốn tìm lại niềm hi vọng", ông Donovan nói.
Cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty. |
Theo ông Donovan, các chỉ số như việc làm và GDP cho thấy kinh tế Mỹ đang dần phục hồi và điều đó có lợi cho ông Trump. Trong khi đó, những người chỉ trích ông Trump khẳng định trên thực tế ông chỉ thừa hưởng một nền kinh tế phục hồi từ chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và "nhận vơ" công lao.
Chiến lược gia Rick Tyler thuộc đảng Cộng hòa - một người phản đối ông Trump - cho rằng việc ông liên tục nhấn mạnh thông điệp "xây dựng nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử" đã giúp ông giành niềm tin từ cử tri Mỹ. Do đó, để chiến thắng, ông Biden sẽ phải tìm cách phản bác lập luận này.
"Từ giờ đến cuộc bầu cử tháng 11, có khả năng ông Trump sẽ đưa ra các biện pháp mạnh tay để phục hồi nền kinh tế nhằm lấy thêm lá phiếu từ cử tri. Với trường hợp tổng thống Mỹ giúp nền kinh tế trở lại phần nào, giá chứng khoán sẽ có cơ hội tăng thêm", chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu bình luận với Zing.