Giới đầu tư nhận định khả năng Donald Trump xây một bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico rất thấp nếu ông trở thành tổng thống. Nhưng họ nghĩ khả năng ông áp đặt thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa châu Á và phát động chiến tranh tiền tệ sẽ cao.
Một cuộc khảo sát do tập đoàn Nomura ở Nhật Bản tiến hành trong tháng 7 cho thấy dư luận lo ngại khá nhiều vấn đề nếu Trump trở thành tổng thống – từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tới những hiểm họa đối với an ninh khu vực nếu Mỹ giảm cam kết quân sự ở châu Á.
Tỷ phú Donald Trump. Ảnh: AP. |
Kết quả của khảo sát khá rõ ràng: Sau Mexico, châu Á sẽ là khu vực chịu rủi ro lớn nhất, Bloomberg đưa tin.
“Chắc chắn việc Trump trở thành tổng thống sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á và có thể làm tăng lạm phát do biến động giá cả, khiến những chính sách kinh tế vĩ mô trở nên lỏng lẻo hơn”, Rob Subbaraman, trưởng nhóm thực hiện cuộc khảo sát, phát biểu.
Trong báo cáo của Nomura – mang tựa đề “Trumping Asia” - 77% người tham gia khảo sát đoán Mỹ sẽ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ dưới “triều đại” của Trump; 75% đoán ông sẽ áp đặt thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chỉ 37% người tham gia nghĩ rằng ông sẽ thực hiện cam kết xây một bức tường dọc theo biên giới Mexico.
Đương nhiên giới đầu tư có lý do để lo ngại. Châu Á là công xưởng của thế giới và nhiều quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu nên họ sẽ đối mặt với rủi ro nếu các rào cản mậu dịch tăng.
Năm ngoái Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Nếu Mỹ áp đặt những biện pháp hạn chế mậu dịch với Trung Quốc, những hiệu ứng lan truyền đối với phần còn lại của châu Á sẽ khá lớn, Nomura nhận định.
Philippines và Hàn Quốc sẽ chịu thiệt hại lớn nhất ở châu Á nếu Trump đắc cử. Trump chỉ trích hiệp định tự do thương mại Mỹ - Hàn vào năm 2012, cho rằng nó làm mất gần 100.000 việc làm ở Mỹ. Trùm bất động sản cam kết rằng ông sẽ buộc Hàn Quốc trả Mỹ toàn bộ phí tổn cho việc bảo đảm an ninh. Đòi hỏi của Trump sẽ khiến tình hình ngân sách của Hàn Quốc trở nên căng thẳng hơn.
Hạn chế người Philippines nhập cư vào Mỹ là nguy cơ Manila có thể đối mặt. Số người Philippines tại Mỹ chiếm 35% tổng số người Philippines làm việc ở nước ngoài. Nomura ước tính họ gửi về nước khoảng 31% tổng số kiều hối về Philippines. Đây là nguồn ngoại tệ quan trọng đối với nền kinh tế địa phương.
Ấn Độ và Thái Lan là những nước chịu tác động nhỏ nhất nếu Trump lãnh đạo Mỹ, theo phân tích của Nomura.
Mặc dù phần lớn người tham gia khảo sát không tin Trump sẽ đánh bại bà Hillary Clinton, mối đe dọa từ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang là một thực tế.
Trump cam kết ông sẽ rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – một thỏa thuận mậu dịch của 12 nước đóng góp 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP trước khi ông Barack Obama rời khỏi Nhà Trắng, Trump vẫn có quyền rút Mỹ ra khỏi hiệp định.
Luật pháp Mỹ quy định tổng thống có thể áp những loại thuế trả đũa, bao gồm mức thuế suất 15% trong thời hạn tối đa 150 ngày mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội trong trường hợp Mỹ hứng chịu thâm hụt cán cân thanh toán lớn và nghiêm trọng với nước khác, như Trung Quốc.
Nếu Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố Trung Quốc thao túng tiền tệ, một quyền mà họ có quyền vận dụng mà không cần sự tán thành của Quốc hội, Washington có thể áp dụng hàng loạt biện pháp hạn chế thương mại. Do những rào cản thương mại tăng và vốn đầu tư nước ngoài giảm, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể tìm cách làm giảm giá trị đồng nhân dân tệ với nhịp độ nhanh hơn trước đây, theo dự đoán của Nomura.
Song Trump cũng có thể thay đổi quan điểm trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 và các chính phủ châu Á đã sẵn sàng đón nhận những thông điệp không nhất quán của vị tỷ phú.