Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Kinh nghiệm ‘đánh dịch’ từ xa của Hải Phòng

Cách chống dịch của Hải Phòng là nghiên cứu kỹ những đường đi dịch có thể tác động trực tiếp đến thành phố, từ đó chủ động ngăn chặn từ xa.

kinh nghiem chong dich cua hai phong anh 1

Vĩnh Bảo là ổ dịch mới nhất của Hải Phòng, nhưng đã được khống chế chỉ sau vài tuần thành phố áp dụng những biện pháp mạnh như khoanh vùng rộng, xét nghiệm nhanh để tìm F0. Đến nay, Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất trên cả nước không phải áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, nhiều ngày không có ca nhiễm mới.

Kinh tế Hải Phòng 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng đứng thứ tư cả nước với tốc độ 13,52%, trong khi năm 2020 đứng thứ hai. Khống chế dịch nhanh chóng, hiệu quả là tiền đề quan trọng để thành phố cảng duy trì kinh tế và bảo vệ đầu mối trung chuyển hàng hóa quan trọng bậc nhất cả nước.

Bà Phạm Thu Xanh - Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 của Hải Phòng - chia sẻ với Zing những cách làm khác biệt, quyết liệt của địa phương để sớm ngăn chặn dịch bệnh.

Nghiên cứu rất kỹ đường đi của dịch

Cuộc trò chuyện bắt đầu khi bà Phạm Thu Xanh vừa tất bật xử lý tình huống một con tàu đang tiến vào vịnh Lan Hạ vừa về từ Indonesia, trên đó có 10 người dương tính SARS-CoV-2. Ngay lập tức một loạt biện pháp cách ly, xét nghiệm, vận chuyển thuyền viên về nơi cách ly và điều trị được bà nhắn nhanh vào nhóm “phản ứng nhanh”.

Bà Xanh từng là giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, vừa nghỉ hưu năm 2020. Tuy vậy, đến đầu năm 2020, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, bà được lãnh đạo thành phố mời tiếp tục công tác và giữ vai trò tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 của Hải Phòng.

Tổ phản ứng nhanh tập hợp lực lượng liên ngành của nhiều sở, ngành, lãnh đạo tất cả các quận, huyện, lãnh đạo các đơn vị y tế, các chốt cửa ngõ trên địa bàn thành phố để có thể nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách nhanh chóng, kịp thời. Bà Xanh đánh giá đây là sự phối hợp quan trọng, bởi chỉ một lực lượng, hay chỉ một bộ phận không thể chống dịch thành công.

kinh nghiem chong dich cua hai phong anh 2

Bà Phạm Thu Xanh, tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 của Hải Phòng. Ảnh: Báo Hải Phòng.

Trong các tình huống xảy ra, tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh được thừa lệnh lãnh đạo UBND TP Hải Phòng triển khai nhanh các biện pháp chống dịch khi chưa kịp văn bản chỉ đạo điều hành. “Chúng tôi chủ động, nghiên cứu rất kỹ về dịch tễ, đường đi của dịch, một số đường đi tác động trực tiếp vào Hải Phòng để đánh chặn từ xa”, bà Xanh cho biết.

Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh nói rằng Hải Phòng là “thành phố đầu sóng, ngọn gió”, đầu mối giao thương quan trọng nên nguy cơ dịch bùng phát luôn tiềm ẩn, do đó việc chủ động luôn được đặt lên hàng đầu.

Trung bình mỗi tháng, thành phố cảng đón khoảng 500 tàu các loại trên thế giới cập cảng và rất nhiều tàu thuyền vận chuyển hàng hóa từ 25 tỉnh đang cách ly xã hội về. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày có khoảng 13.000 xe container, thêm lượng xe tải nữa là 25.000 xe hoạt động trên địa bàn.

Ngay từ năm 2020, khi chưa có hệ thống khai báo y tế, Tổ phản ứng nhanh đã tổ chức truy vết rất nhanh những người liên quan đến F0, đặc biệt là những người đi cùng các chuyến bay có ca nhiễm SARS-CoV-2. “Trung bình chúng tôi chỉ mất khoảng 45-60 phút để biết được những người Hải Phòng nào trên chuyến bay đó, ai ngồi gần F0”, bà Xanh kể lại.

Khi dịch bùng phát tại Hà Nội, TP.HCM, hay trước đây là ở Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương... thì Hải Phòng luôn có kế hoạch “đánh chặn” từ rất sớm.

“Chúng tôi chủ động, nghiên cứu rất kỹ về dịch tễ, đường đi của dịch, một số đường đi tác động trực tiếp vào Hải Phòng để đánh chặn từ xa”

Bà Phạm Thu Xanh, Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 của Hải Phòng

Khi thấy số ca nhiễm ở TP.HCM tăng vọt, có thể bị giãn cách xã hội, Tổ phản ứng nhanh cho rằng sẽ nhiều người Hải Phòng trở về quê hương. Ngay lập tức, Tổ tham mưu cho thành phố quyết định cách ly tập trung toàn bộ người từ TP.HCM về.

Các chuyến bay từ TP.HCM về phải tách luồng riêng cho người vào Hải Phòng, lấy mẫu xét nghiệm 100% để đánh giá nguy cơ, phân loại và đẩy dữ liệu lên tổ phản ứng nhanh để các địa phương quản lý theo danh sách.

Tổ cũng đề nghị thành phố giao Sở Giao thông Vận tải báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để cắt chuyến bay từ TP.HCM về Hải Phòng.

Trường hợp tương tự cũng được áp dụng khi Hà Nội có số ca nhiễm tăng vọt. Khi Hà Nội chưa giãn cách xã hội, Hải Phòng đã yêu cầu tất cả người từ Hà Nội về phải có giấy xét nghiệm Realtime-PCR âm tính. Khi về phải cách ly ở nhà 7 ngày, sau 7 ngày xét nghiệm âm tính tiếp mới được trở lại cuộc sống bình thường.

Cách làm này vừa chặn nguy cơ lây nhiễm, vừa tạo ra một “rào cản mềm” cho chính người dân cân nhắc trước khi về địa phương. Sau khi Hà Nội giãn cách xã hội thì Hải Phòng nâng mức yêu cầu lên cách ly 14 ngày bắt buộc.

Đối với công nhân là người của Hải Dương, Hưng Yên, đây là những địa phương nằm trên trục quốc lộ 5, có nguy cơ xâm nhập dịch vào Hải Phòng, Tổ tham mưu yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí chỗ ở cho công nhân tại Hải Phòng.

Không chỉ giữ riêng cho Hải Phòng

“Chúng tôi làm việc không bị động, mà phải chủ động từ sớm. Khi thấy dấu hiệu bên ngoài là phải làm biện pháp mạnh ngay từ đầu. Và từng mức dịch khác nhau thì chúng tôi có đối sách tương ứng để chặn nó”, bà Xanh nhấn mạnh.

Khi được hỏi Hải Phòng có chống dịch cực đoan quá, khiến lượng xe ra vào ùn ứ, cản trở lưu thông hàng hóa, bà Xanh nhấn mạnh thành phố luôn cân nhắc kỹ khi đưa ra các biện pháp chống dịch, đi kèm với đó là giải pháp cho lưu thông hàng hóa. Việc ùn ứ tại một số chốt kiểm soát chỉ là cục bộ, nhanh chóng được giải quyết.

“Hải Phòng không chống dịch một cách cực đoan, thái quá. Chúng tôi nghĩ rằng phòng chống dịch không chỉ giữ riêng cho Hải Phòng mà còn cả miền Bắc. Nếu thành phố không an toàn, cả chuỗi cung ứng từ cảng Hải Phòng đi các tỉnh phía Bắc coi như bị đình trệ”, bà chia sẻ.

Một ngày với khoảng 25.000 xe vận chuyển hàng hóa ra vào Hải Phòng, trong đó có nhiều lái xe là người địa phương, người ngoại tỉnh lưu trú tại địa phương. Do đó, nếu không kiểm soát tốt, lượng tài xế này sẽ là nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.

kinh nghiem chong dich cua hai phong anh 3

Một chốt kiểm soát xe ra vào Hải Phòng tại huyện An Lão. Ảnh: Nguyễn Dương.

Bằng chứng là ổ dịch ở huyện Vĩnh Bảo xuất phát từ việc một tài xế chạy đường dài nhiều lần chở khách ở các vùng dịch về Hải Phòng. Khi phát hiện ra thì đã qua 11 ngày từ chuyến xe đầu tiên, ổ dịch được xác định đã qua nhiều chu kỳ lây nhiễm, lây sâu vào cộng đồng.

Hậu quả là cả huyện Vĩnh Bảo bị phong tỏa, áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16. Hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn, công nhân người Vĩnh Bảo làm việc ở các địa phương khác không thể tiếp tục hoạt động.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra khi ngày 17/7, Hải Phòng đã phát hiện 3 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 2 người là lái xe và phụ xe từ Bà Rịa - Vũng Tàu chở hàng ra Hải Phòng.

Hải Phòng không chống dịch một cách cực đoan, thái quá. Chúng tôi nghĩ rằng phòng chống dịch không chỉ giữ riêng cho Hải Phòng mà còn cả miền Bắc

Bà Phạm Thu Xanh, Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 của Hải Phòng

Với vận chuyển hàng hóa, ngay khi chưa áp dụng mã QR code, Hải Phòng đã gắn logo màu cho xe để phân loại cho người từ vùng dịch, vùng an toàn, vùng nguy cơ vào địa bàn. Tuy vậy, ngay lập tức xuất hiện tình trạng làm giả logo. Sau đó là tình trạng làm giả giấy xét nghiệm, làm giả mã QR code.

Thậm chí trường hợp giấu người trong thùng xe tải để vận chuyển ra vào Thành phố. Cũng đã xuất hiện những doanh nghiệp giao hàng giả giấy xét nghiệm đi giao hàng cho hàng chục địa điểm trong nội thành.

“Chúng tôi cho rằng sự an toàn sống còn của thành phố là kiểm soát được lái xe ra vào. Tình trạng gian lận buộc chúng tôi phải có biện pháp mạnh và nghiêm khắc để kiểm soát”, bà Xanh nói.

Khi kiểm soát, Hải Phòng xây dựng phương án phân luồng xe, chia ra nhiều chốt, “chốt chính”, “chốt phụ”. Nếu tình trạng ùn ứ xảy ra kéo dài sẽ xả chốt nhưng lại xe tiếp tục được kiểm soát ở những chốt khác ở sâu phía sau, sao cho quá trình lưu thông được đẩy nhanh nhất.

“Tình trạng ùn ứ chỉ xảy ra cục bộ một số thời điểm, không hề kéo dài. Nhưng đó cũng là cách duy nhất để đảm bảo sự an toàn cho Hải Phòng”, bà nói.

Luôn đặt trong tình trạng Hải Phòng có F0 trong dân

Hải Phòng đã nhiều ngày không xuất hiện ca nhiễm mới, không phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng bà Phạm Thu Xanh nhiều lần nhấn mạnh là không chủ quan.

“Chúng tôi luôn đặt trong tình trạng Hải Phòng có F0 trong dân, nhưng sợ nhất là không phát hiện được ra F0. Mỗi ngày hàng chục nghìn lái xe ra vào, nhiều thuyền viên từ các tàu đi từ vùng dịch về nên mầm bệnh là luôn tiềm ẩn, không chủ quan được”, bà Xanh nói.

Hiện tại, nhiều kịch bản chống dịch theo nhiều cấp độ đã được Tổ phản ứng nhanh đặt ra. Với tình huống có ca F0 xuất hiện trong cộng đồng ở một quận, cách làm sẽ được tiến hành như việc khống chế dịch ở Vĩnh Bảo. Đó là khoanh địa bàn đó, quét xét nghiệm nhanh để tìm ra F0 và bóc tách khỏi cộng đồng.

Nếu dịch xuất hiện ở trên 3 quận, huyện thì phải đề xuất giãn cách xã hội toàn thành phố, tùy mức độ số lượng ca nhiễm. Đặc biệt nếu xuất hiện nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng không liên quan đến nhau thì phải giãn cách xã hội nhanh, mục đích để F0 chậm lây lan, lực lượng y tế kịp truy vét và xét nghiệm.

kinh nghiem chong dich cua hai phong anh 4

Hiện Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất không phải giãn cách xã hội. Ảnh: Việt Linh.

Tình huống xấu nhất, nếu đã giãn cách xã hội, dịch vẫn xuất hiện nhiều ngoài cộng đồng và lây lan ra nhiều quận, huyện, Thành phố sẽ có những biện pháp quyết liệt hơn.

Hải Phòng cũng đang đầu tư nâng cấp hệ thống xét nghiệm bằng xã hội hóa, tăng công suất lên 100.000 đến 150.000 mẫu/ngày. Mục đích chính là quét nhanh, đuổi kịp dịch nhanh nhất.

Thành phố cũng chuẩn bị sẵn cơ sở cách ly. Giai đoạn đầu cách ly tập trung, nếu quá tải thì cách ly F1 tại nhà. Các cơ sở lưu trú trên địa bàn đã được thống kê để sẵn sàng huy động nếu cần thiết. Nếu F0 tăng thì nơi cách ly F1 sẽ được chuyển là nơi điều trị, F1 cách ly ở nhà.

Chúng tôi luôn đặt trong tình trạng Hải Phòng có F0 trong dân, nhưng sợ nhất là không phát hiện được ra F0

Bà Phạm Thu Xanh, Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 của Hải Phòng

Hải Phòng cũng đã rà soát lực lượng gần 15.000 cán bộ y tế thuộc các bệnh viện trung ương, bệnh viện ngành, bệnh viện tư nhân, bệnh viện công lập của thành phố đóng trên địa bàn. Số giường bệnh hiện tại khoảng gần 11.000.

Về trang thiết bị, thành phố đã chuẩn bị 300 giường ICU điều trị bệnh nhân nặng, đang xây dựng hệ thống cung cấp oxy cho 10 bệnh viện. Nếu dịch bùng phát mạnh, Thành phố sẽ lấy Bệnh viện Việt Tiệp 2, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Kiến An làm nơi điều trị bệnh nhân nặng.

Hiện 7 bệnh viện tuyến huyện đã lắp hệ thống oxy để sẵn sàng đưa vào sử dụng là bệnh viện dã chiến khi cần thiết. Đó là chưa kể hệ thống y tế tư nhân, bệnh viện ngành trên địa bàn có thể huy động.

Chuẩn bị kỹ nhưng bà Xanh cho biết Tổ phản ứng nhanh luôn trong tình trạng “trực chiến” và không chủ quan. Bà cũng nhấn mạnh sự tin tưởng của lãnh đạo, cơ chế giao quyền cho lực lượng phản ánh ứng của Hải Phòng chính là “chìa khóa” để chống dịch một cách chủ động, nhanh chóng nhất.

“Hải Phòng là thành phố đặc biệt nên cách chống dịch của Hải Phòng cũng riêng. Chúng tôi có sự đồng lòng tất cả hệ thống chính trị, tất cả người dân chung tay cùng lãnh đạo thành phố chống dịch”, bà Phạm Thu Xanh nói với Zing.

Giải pháp nào cho '3 tại chỗ' ở phía Nam?

Nhiều doanh nghiệp phía Nam mong muốn được tạo điều kiện cho phép tự quản lý, tự chịu trách nhiệm và tự có phương thức tổ chức sản xuất an toàn, phù hợp với tình hình thực tế.

Doanh nghiệp phía Nam lo mất đơn hàng khi dừng hoạt động kéo dài

Nhiều doanh nghiệp lớn thuộc các ngành xuất khẩu chủ lực đang phải cố gắng duy trì sản xuất với "3 tại chỗ". Số khác tạm dừng sản xuất, nguy cơ mất các đơn hàng.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm