Công nghiệp hóa là quá trình biến một nước có nền kinh tế lạc hậu thành nước công nghiệp hiện đại với trình độ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, có năng suất lao động cao trong các ngành kinh tế quốc dân.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa tiếp tục là một trong những động lực của tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công nghiệp hóa giúp các nước phát triển nhanh hơn, đồng thời cũng đặt ra thách thức.
Sách Con đường công nghiệp hóa trong thế kỷ XXI: Những thách thức mới và những mô hình nổi trội. Ảnh: Việt Linh. |
Bức tranh tổng quát về công nghiệp hóa
Sách Con đường công nghiệp hóa trong thế kỷ XXI: Những thách thức mới và những mô hình nổi trội được biên soạn như tài liệu nghiên cứu về vấn đề công nghiệp hóa hiện nay. Các tác giả sách thuộc ba tổ chức nghiên cứu của Liên Hợp Quốc: UNUWIDER, UNU-MERIT, UNIDO.
Bản tiếng Việt do Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Đoan Trang, Nguyễn Xuân Điền, Nguyễn Linh Phương dịch; Nguyễn Văn Phúc, Vũ Thị Lanh hiệu đính; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành.
Cuốn sách là bức tranh tổng quan về quá khứ, hiện tại, tương lai của công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa dẫn tới sự chuyển dịch cơ cấu từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế hiện đại, được chi phối bởi các hoạt động có năng suất cao trong công nghiệp.
Từ cuộc cách mạng công nghiệp vào giữa thế kỷ XVIII, Anh, các nước châu Âu khác và Mỹ đã có được một giai đoạn mà kinh tế phát triển nhanh chóng. Sau đó, Nhật Bản, một số nước Nam Á và gần đây là Trung Quốc đã có sự phát triển. Sang thế kỷ XXI, công nghiệp hóa vẫn phù hợp với những nước nghèo đang muốn đuổi kịp các nền kinh tế phát triển.
Công trình này chỉ ra công nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thế kỷ XXI. Điều này đang diễn ra ở những nước như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ cũng như nhiều nước châu Á, Mỹ Latin và châu Phi.
Các tác giả cũng phân tích kinh nghiệm quá khứ và hiện tại về công nghiệp hóa, chính sách công nghiệp hóa. Trong đó, một phần dung lượng sách nêu những con đường phát triển công nghiệp hóa được học hỏi từ thành công của châu Á, con đường công nghiệp hóa của Trung Quốc, Indonesis hay chính sách công nghiệp hóa ở Mỹ Latin.
Sách cũng đề cập các thách thức mới của công nghiệp hóa. Thách thức quan trọng nhất là cần đi theo con đường phát triển ít chất thải carbon để ứng phó với sự biến đổi khí hậu; phát triển bền vững, xanh hóa hoạt động công nghiệp.
Các quốc gia công nghiệp mới phải cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia sản xuất công nghiệp đã tạo dựng được vị thế như Trung Quốc, Ấn Độ. Thách thức khác với họ là phải tham gia tích cực vào nền kinh tế tri thức toàn cầu, tạo ra việc làm ổn định...
Các tác giả cũng bàn đến loạt vấn đề liên quan công nghiệp hóa và chính sách công nghiệp như: Công nghiệp hóa có còn là động lực quan trọng nhất cho sự tăng trưởng hay không, khi khu vực dịch vụ đang lên? Đâu là những nội dung chính của quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp chế biến, chế tạo trong nền kinh tế thế giới hiện nay? Phi công nghiệp hóa đem lại nguy cơ lớn đến đâu cho sự phát triển kinh tế? Những bài học nào được rút ra từ những quốc gia châu Á đã thực hiện công nghiệp hóa thành công?...
Nguồn tham khảo cho những nước đang và sẽ thực hiện công nghiệp hóa
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - người hiệu đính cuốn sách - chia sẻ với Zing rằng nhóm tác giả đã tìm cách lượng hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách về công nghiệp hóa.
Các tác giả trình bày kiến thức chuyên sâu về công nghiệp hóa, yếu tố ảnh hưởng tới những mô hình công nghiệp hóa; trong sách dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Bởi vậy, nếu chưa có kiến thức về công nghiệp hóa hoặc đọc sơ qua, độc giả sẽ khó nắm bắt vấn đề.
Cuốn sách hữu ích ở chỗ cung cấp kiến thức, kinh nghiệm từ những mô hình công nghiệp hóa cụ thể.
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc
Về nội dung cuốn sách, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc nói chủ đề sách rất cần thiết, đặc biệt với Việt Nam, khi nước ta xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trọng tâm của đất nước.
“Công nghiệp hóa của ta chưa đạt trình độ như mong muốn. Phát triển công nghiệp là con đường, giải pháp cơ bản để nâng cao năng lực quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc nhận định.
Ông cũng đánh giá cao việc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện một số sách về công nghiệp hóa. Trong đó cuốn Con đường công nghiệp hóa trong thế kỷ XXI: Những thách thức mới và những mô hình nổi trội đưa ra những khái niệm tổng quan, cụ thể về khái niệm công nghiệp hóa.
Người hiệu đính cho rằng để đọc sách, độc giả cần tập trung, có kiến thức cơ bản ban đầu về công nghiệp hóa. Sách hướng tới đối tượng bạn đọc là những nhà làm chính sách, nghiên cứu về công nghiệp hóa. Công trình cũng hữu ích với người làm doanh nghiệp, để hiểu chính sách chung của thế giới, áp dụng, học hỏi vào Việt Nam. Với các trường đào tạo nghiên cứu sinh, cao học… sách có giá trị tham khảo lớn.
Cuốn sách hữu ích ở chỗ cung cấp kiến thức, kinh nghiệm từ những mô hình công nghiệp hóa cụ thể. “Cuốn sách gửi thông điệp quan trọng về vai trò của chính sách nhà nước với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mỗi trình độ phát triển khác nhau, chính sách của các nước được thực hiện khác nhau. Sách có giá trị rất lớn với các nhà hoạch định chính sách, nêu ra những kịch bản khác nhau của công nghiệp hóa”, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc nói.
Trong lời giới thiệu của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật có viết: “Đây là cuốn sách có nhiều nội dung tham khảo tốt cho những nước đang và sẽ thực hiện công nghiệp hóa đất nước”.
Nhà kinh tế Luc Soete, cựu giám đốc của UNU-MERIT (một viện nghiên cứu chung của Đại học Liên Hợp Quốc và Đại học Maastricht), nhận xét về cuốn sách: “Nó xác định những gì cần học được từ kinh nghiệm quá khứ và cố gắng xác định ứng xử cần thiết dưới ánh sáng những điều kiện mới mà các nước muốn thực hiện công nghiệp hóa trong thế kỷ XXI sẽ phải đối mặt. Nó cũng cung cấp những tham khảo cho các nhà kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và công tác đào tạo”.