Chiều 8/5, tỉnh Bắc Giang ghi nhận một ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 là công nhân Công ty TNHH Sin Young Việt Nam nằm trong khu công nghiệp Vân Trung đánh dấu cho đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.
Nhớ lại thời điểm những ngày đầu tháng 5, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, cho biết ngay thời điểm ca nhiễm đầu tiên xuất hiện tại khu công nghiệp, UBND tỉnh đã tiến hành họp khẩn, đưa ra hàng loạt các biện pháp mạnh mẽ nhằm khống chế ổ dịch.
Tổ chức khoanh vùng, đánh giá nguy cơ từ nơi làm việc, nơi ăn ở và phương tiện di chuyển để xây dựng kịch bản phù hợp là cách làm mà Bắc Giang đã chứng minh tính hiệu quả.
Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
Nguyên tắc "4 cùng" và "2 điểm 1 đường"
"Đối với xe đưa đón, chúng tôi truy vết ngay các xe có công nhân nhiễm Covid-19 thường đi trong ngày để xác định số F1 liên quan. Với nơi ở, nắm bắt kịp thời địa chỉ từ đó xác nhận các đối tượng, người có liên quan để khoang vùng, cách ly", ông nói.
Bên cạnh đó, đối với khu vực sản xuất, ban quản lý sẽ tiến hành đánh giá nguy cơ. Những nơi có nguy cơ cao, môi trường không thông thoáng sẽ khoanh vùng toàn bộ. Còn các doanh nghiệp có khu sản xuất thông thoáng thì khoanh từng vùng nhỏ và tổ chức các biện pháp cách ly phù hợp.
Ông Ngọc cho rằng điều thành công nhất của Bắc Giang trong việc khống chế dịch tại các khu công nghiệp là đã chủ động đi trước một bước, nắm thế chủ động trong xử lý ổ dịch. "Khi phát hiện ca dương tính đầu tiên, Bắc Giang tiến hành xét nghiệm tầm soát nhanh chóng để có phương án phù hợp", ông nói.
Tuy nhiên điều mà Phó trưởng ban quản lý các khu công nghiệp đánh giá cao nhất là phương án bố trí cho công nhân ăn, ngủ tạm thời tại xưởng sản xuất. "Hiện nay khi dịch đã xâm nhập vào các khu công nghiệp như TP.HCM nên cân nhắc tiến hành phương án đó", ông cho hay.
Việc bố trí nơi ăn, ngủ, nghỉ cho công nhân phải theo nguyên tắc "4 cùng": Làm cùng - ăn cùng - ngủ cùng - sinh hoạt cùng.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang.
Cụ thể, sau khi xét nghiệm tầm soát hết số công nhân từng nhà máy, từng xí nghiệp và có kết quả âm tính, doanh nghiệp nên bố trí những lao động cốt lõi ở lại nhà máy để duy trì hoạt động sản xuất. Bởi diện tích nhà máy sẽ không đủ để sắp xếp tất cả công nhân ở lại.
"Việc bố trí nơi ăn, ngủ, nghỉ cho công nhân phải theo nguyên tắc '4 cùng': Làm cùng - ăn cùng - ngủ cùng - sinh hoạt cùng", ông phân tích.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, người lao động được phép đi làm bằng xe máy hoặc xe đưa đón của doanh nghiệp, xét nghiệm 1 lần một tuần. Và thực hiện nguyên tắc "2 điểm 1 đường", tức là di chuyển giữa nơi cư trú và nơi làm việc phải trên một tuyến đường nhất định.
Bắc Giang đã giữ chân toàn bộ số công nhân ngoài tỉnh ở lại, không để dịch bệnh lan sang các tỉnh, thành phố khác. Ảnh: Việt Linh. |
"Công nhân, người lao động phải ký cam kết với doanh nghiệp và địa phương trong việc thực hiện lộ trình đi lại từ doanh nghiệp đến nhà máy và ngược lại", Phó trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh nhấn mạnh.
Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân
Theo thống kê của Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang, đến ngày 1/7 đã có 242 doanh nghiệp cho công nhân trở lại nhà máy để thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước khi quay lại làm việc. Tổng số công nhân gần 40.000 người.
Ngoài ra, ông Ngọc cho biết Ban quản lý đã duyệt phương án cho doanh nghiệp đón công nhân ngoại tỉnh quay lại làm việc. Trong phương án này, tất cả doanh nghiệp cần xây dựng phương án cụ thể từ điểm đón, số công nhân ở vùng an toàn của các tỉnh, thành phố và phải tổ chức xét nghiệm PCR cho công nhân trong vòng 3 ngày đầu. Nếu âm tính mới được quay lại sản xuất.
Ban quản lý các khu công nghiệp đã duyệt phương án cho doanh nghiệp đón công nhân ngoại tỉnh quay lại Bắc Giang làm việc. Ảnh: Việt Linh. |
"Khi bố trí quay lại sản xuất, vẫn phải duy trì nguyên tắc '4 cùng'. Như vậy, nếu một công nhân mới không may bị nhiễm Covid-19 thì sẽ chỉ cần khoanh vùng khu vực nhỏ, những khu vực công nhân vào đợt trước không ảnh hưởng, vẫn tiếp tục sản xuất", ông chia sẻ.
Đặc biệt, Bắc Giang đã ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân để đảm bảo sản xuất an toàn, ổn định.
Hiện, tỉnh này đã thành lập ban chỉ đạo khôi phục lại hoạt động kinh tế - xã hội địa phương; 8 tổ công tác chuyên trách để xử lý các nhóm vấn đề khác nhau, trong đó, trọng tâm sẽ khởi động lại các khu công nghiệp an toàn.
Khu công nghiệp ở TP.HCM đang chống dịch thế nào?
Chiều 29/6, nhà máy Công ty Nidec Sankyo ở Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức (TP.HCM) bị phong tỏa do phát hiện một ca nghi nhiễm. Cùng ngày, 20 nhân viên của công ty tài chính (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng phát hiện nhiễm Covid-19 sau khi công ty này cho 81 nhân viên đến khám tại Bệnh viện FV (quận 7).
TP.HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia nước ngoài. Các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... cũng có nhiều khu công nghiệp tập trung đông công nhân.
Thời gian qua, các nhà máy ở khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Tân Phú Trung (Củ Chi), Tân Thuận (quận 7) ghi nhận nhiều ca nhiễm, một số nhà máy bị phong tỏa, ngừng sản xuất.
Cách duy nhất để đảm bảo thế chủ động là xét nghiệm sàng lọc định kỳ
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM
Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhân viên của các doanh nghiệp phải chạy vạy để được xét nghiệm Covid-19, tiêm vaccine. Còn doanh nghiệp phải thực hiện phương án phòng dịch riêng, trong khi chờ TP xét nghiệm, tiêm vaccine diện rộng.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết đơn vị đang chuẩn bị kĩ lưỡng để triển khai xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ lao động vào 2 ngày 3-4/7 thì phát hiện một ca mắc tại Công ty Nidec Sankyo. Do đó, kế hoạch được đẩy lên thực hiện cấp tốc.
Ông cho biết ngày 29/6 đã cơ bản phong tỏa và lấy mẫu tất cả nhân viên ở Nidec, trong ngày 30/6 cố gắng hoàn thành với toàn bộ lao động các doanh nghiệp khác trong Khu công nghệ cao.
"Các doanh nghiệp đều nghiêm túc thực hiện 5K và các hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, cần phải hiểu đặc điểm của đợt bùng phát dịch bệnh lần này là những người nhiễm bệnh không có biểu hiện lâm sàng.
Do đó, cách duy nhất để đảm bảo thế chủ động là xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Chúng tôi sẽ tiến hành 7 ngày/lần cho toàn bộ người lao động theo hướng dẫn số 2787 của Bộ Y tế", ông Nguyễn Anh Thi nói.