Chỉ trên đoạn đường ngắn từ đường Phạm Văn Đồng, quận. Bắc Từ Liêm tới đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã có 8-10 hàng kính bán rong. Tại khu vực cầu vượt Ngã Tư Sở, cùng lúc ghi nhận được 5 quầy bán kính sát nhau, treo những tấm biển như: kính hạ giá, kính siêu bền. Tại nhà chờ Bến xe Giáp Bát, thỉnh thoảng lại có một thanh niên choai choai cầm trên tay cặp kính, thì thào bán giá rẻ nhưng kính “rất xịn”…
Theo tìm hiểu, tất cả những sản phẩm kính như vậy đều là hàng Trung Quốc, kém chất lượng, không có tác dụng che mát, chắn bụi, chắn gió, thậm chí khi dùng, tác dụng tốt chẳng thấy đâu, tác dụng xấu lại phát sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
Kính kém chất lượng, nhãn mác Trung Quốc thô thiển bán tràn lan. |
Chủ một sạp kính trên đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm thẳng thắn thừa nhận, kính bán là hàng Trung Quốc. Người này cho rằng, giá chỉ vài chục ngàn, cùng lắm đến 200 ngàn, lấy đâu ra kính thương hiệu Gucci, Chanel, Rizoma… Hàng thương hiệu giá phải gần triệu hoặc vài triệu.
Ở phố Lương Văn Can, Hàng Đào… Q. Hoàn Kiếm (Hà Nội), nơi được quảng cáo là bán kính thương hiệu xin như Gucci, Chanel, Rizoma... nhưng điều bất ngờ là, những sản phẩm mang thương hiệu xịn như nói trên có mác tiếng “Trung Quốc”. Hỏi thì người bán nói, hàng thương hiệu, xịn thật, hàng cao cấp sản xuất tại Trung Quốc. Giá các loại kính “xịn” trên các phố này cũng chỉ từ 55.000 đến 100.000 đồng/chiếc. Một vài loại có giá từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Theo anh Lê Văn Mạnh, người bán kính tại chợ đêm sinh viên, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, các loại gọng kính mà anh đang bán đều có thể dùng để lắp mắt kính cận. Cũng theo anh này, một số cửa hàng, phòng khám mắt hiện nay cũng thường xuyên đi “nhặt” hàng giống như anh về để bán. Dù chỉ là người bán hàng đơn thuần, không có kiến thức chuyên môn, nhưng anh Mạnh vẫn mạnh dạn tư vấn cách chọn kính cho người sử dụng. Khi được hỏi về sự chênh lệch giá quá cao giữa các loại kính, anh này trả lời: “Tiền nào của ấy thôi!”
Kính giá rẻ Trung Quốc đội lốt thương hiệu hàng đầu thế giới. |
Chị Bùi Việt Hoa, ở Hải Bối, Đông Anh (Hà Nội): “Người ta chỉ nói quá lên thế thôi, chứ tôi chưa thấy ai bị hỏng mắt do dùng kính ở vỉa hè cả! Các loại kính trắng và kính mát này được quảng cáo là có tác dụng chống bụi tốt, chống chói, chống tia UV và độ bền cao, lại vừa túi tiền”.
Theo các bác sĩ nhãn khoa, ngay cả những loại kính có chống UV, chống chói cũng chưa hẳn là tốt. Bác sĩ Nguyễn Văn Lịch, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Bưu điện cho biết: “Kính mắt vỉa hè thường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm định. Bề mặt của kính không bằng phẳng nên đeo vào sẽ thấy hình ảnh không thật, biến dạng. Kính không tốt làm ảnh hưởng đến khúc xạ hình ảnh mà mắt cảm nhận được”.
Theo bác sĩ Lịch, người có nhu cầu mua kính nhất định phải đến các các cửa hàng kính thuốc, kính mắt, bệnh viện để đo khám trước khi mua kính. Đối với trẻ em, điều này càng cần thiết vì trẻ em cần phải có quá trình làm quen với kính.
Ngoài ra, khi đi đo kính hoặc cắt kính, nên có tư vấn rõ ràng của các bác sĩ nhãn khoa. Không nên vì thấy nơi này, nơi kia đo được kính mà quên mất việc giám sát hoặc có các biện pháp để điều chỉnh mắt kính cho hợp lý.