Ngày 8/12, DoorDash - một dịch vụ giao đồ ăn của Mỹ - tiến hành ra mắt cổ phiếu lần đầu tại Phố Wall. Sau màn IPO, cổ phiếu công ty tăng vọt hơn 85% giá mở bán. Airbnb cũng là một startup chứng kiến giá trị cổ phiếu tăng khoảng 115% trong màn chào bán ra công chúng lần đầu. Giá trị của công ty nhanh chóng tăng lên 135% không lâu sau đó.
Đến nay, DoorDash được định giá gần 70 tỷ USD, trong khi Airbnb đã trị giá hơn 100 tỷ USD. Nói cách khác, cả hai công ty đều có định giá thị trường cao hơn so với các công ty như Travellers (mã cổ phiếu: TRV), Walgreens (WBA) và Dow Inc (DOW). Airbnb cũng được đánh giá cao hơn nhiều công ty lớn như Goldman Sachs(GS), Caterpillar (CAT), American Express (AXP) và 3M (MMM).
Theo CNN, tuy là hai công ty đầu ngành trong lĩnh vực giao thực phẩm và thuê nhà ở ngắn hạn, cả DoorDash và Airbnb đều IPO khi chưa có lãi. Đồng thời, hai kẻ mới toanh trên sàn giao dịch vẫn còn nhiều thử thách cần đối mặt.
"Cơn sốt kỳ lân"
DoorDash sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Uber (UBER) với bộ phận Uber Eats đang được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Just Eat Takeaway.com của châu Âu, hiện sở hữu Grubhub, cũng là một đối thủ mạnh trên thị trường.
Bên cạnh đó, lo ngại về tiềm năng của thị trường giao thực phẩm, vốn được thúc đẩy bởi các lệnh hạn chế di chuyển, có thể chững lại khi thế giới có vaccine Covid-19, cũng khiến ngành này nhận lấy nhiều hoài nghi.
Airbnb và Doordash và nhiều kỳ lân khởi nghiệp khác vẫn IPO thành công dù hoạt động không có lãi. Ảnh: CNN. |
Trong khi đó, Airbnb ra mắt công chúng vào thời điểm doanh thu sụt giảm mạnh do hậu quả của đại dịch Covid-19. Tuy có ít đối thủ cạnh tranh trên thị trường như DoorDash, thành công của Airbnb lại phụ thuộc rất lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và nhu cầu du lịch nói riêng, vốn rất khó dự đoán và thiếu chắc chắn.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như không lo lắng về những thử thách này. Theo CNN, điều này được lý giải là do sự cuồng nhiệt của giới đầu tư đối với các kỳ lân. Bên cạnh DoorDash và Airbnb, giá trị các công ty khởi nghiệp khác, như công ty phần mềm C3.ai và Snowflake, cũng tăng vọt sau đợt IPO của họ bất chấp tình hình kinh doanh thua lỗ. Một số khác cũng thực hiện IPO thành công bằng nhiều cách khác nhau, dù báo cáo kinh doanh không có lời.
Ví dụ, giá trị gã khổng lồ về dữ liệu Palantir tăng mạnh sau khi thực hiện niêm yết cổ phiếu trực tiếp. Nhà điều hành cá cược thể thao DraftKings đã ra mắt thành công mà không cần thông qua quy trình IPO thông thường sau khi tiến hành sáp nhập đặc biệt với một công ty "vỏ bọc".
IPO không minh chứng cho sự thành công
Xu hướng đổ xô IPO bất chấp lợi nhuận này làm gợi nhớ đến cuối những năm 1990, khi nhiều công ty niêm yết cổ phiếu không có lợi nhuận nhưng vẫn giao dịch ở mức định giá cao ngất ngưởng. Theo nghiên cứu từ Renaissance Capital, trên thực tế các hoạt động IPO đã đạt mức kỷ lục từ năm 2000.
Tuy nhiên, bong bóng công nghệ này cuối cùng vỡ tung. Mặc dù một số công ty như Amazon, IPO năm 1997, vẫn tồn tại và phát triển, phần lớn công ty khởi nghiệp trong giai đoạn từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000 đã ngừng kinh doanh hoặc bị mua lại với mức chiết khấu lớn so với giá IPO. Trong đó có những cái tên từng nổi danh như Pets.com, Webvan, eToys và theglobe.com.
Nhiều thử thách phía trước với các công ty khởi nghiệp mới chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu. Ảnh: Bloomberg. |
Phil Orlando, Giám đốc chiến lược thị trường chứng khoán tại Federated Hermes, cho biết: “Tôi lo ngại về việc định giá các IPO hiện nay". Ông Orlando nhận định giá trị của DoorDash và Airibnb không thể đem so sánh như một phiên của năm 2020 của Pets.com.
Bên cạnh đó, các công ty này rất thông minh khi thị trường đang nóng lên và tận dụng sự quan tâm tăng cao của nhà đầu tư để huy động vốn bằng cách bán cổ phiếu.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa nhà đầu tư sẽ đổ xô mua vào cổ phiếu các công ty mới ở giá trị hiện tại. Bên cạnh đó, những công ty khởi nghiệp mới IPO cũng đối mặt với thử thách khi lần đầu có mặt trên thị trường đại chúng.
Giá cổ phiếu trong các đợt IPO thường giảm trong vài tuần hoặc vài tháng sau màn ra mắt rầm rộ. Điều này được lý giải một phần vì những người nắm giữ cổ phiếu trong nội bộ công ty có thể bán tháo cổ phiếu sau thời gian cấm bán quy định. Lượng cổ phiếu được tung ra dồi dào có thể khiến giá giảm nhẹ so với cơn sốt giá được thiết lập hồi vừa mới IPO.
Bên cạnh đó, các công ty đại chúng mới thường không dễ dàng thực hiện những hứa hẹn với nhà đầu tư khi họ công bố báo cáo thu nhập hàng quý. Điều này có thể làm thất vọng giới đầu tư, khiến họ không muốn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu công ty. Uber từng đối mặt nhiều khó khăn sau khi ra mắt thị trường vào tháng 5/2019 cho đến khi cổ phiếu bình ổn về giá trị sau khoảng thời gian dài.
Các công ty lớn trên thế giới như Google, Facebook và Alibaba đều có lãi trước khi IPO. Ba mã cổ phiếu nãy vẫn tiếp tục duy trì đã phát triển mạnh sau khi IPO. Có thể nói, sự thành công của màn ra mắt cổ phiếu không minh chứng cho sự thành công về dài hạn của công ty, đặc biệt trong hoàn cảnh các công ty vẫn chưa có lãi để níu lấy niềm tin của nhà đầu tư.