Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên, chủ sở hữu khách sạn nổi tiếng cùng tên tại thủ đô Hà Nội được thành lập từ năm 1961, tiền thân là khách sạn Bạch Mai, sau được đổi tên thành khách sạn Chuyên gia Kim Liên thuộc Văn phòng Phủ Thủ tướng (nay là Văn phòng Chính phủ).
Tọa lạc trên khu đất rộng 3,5 ha tại số 5-7 phố Đào Duy Anh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, đây được xem là một trong những khách sạn lâu đời có vị trí đẹp nhất tại Hà Nội.
Khách sạn Kim Liên khó khăn
Tuy nhiên, khách sạn này vừa trải qua một năm kinh doanh không mấy thuận lợi vì gặp phải nhiều khó khăn.
Cụ thể, ban lãnh đạo khách sạn cho biết trong năm 2018 vừa qua, Kim Liên chỉ thu về tổng cộng 117 tỷ đồng doanh thu, giảm 19% so với năm trước và chỉ hoàn thành chưa tới 80% kế hoạch cả năm.
Thậm chí, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính còn giảm hơn 30%, chỉ đạt 99 tỷ đồng trong cả năm và hoàn thành 67% kế hoạch.
Kim Liên là một trong những khách sạn lâu đời nhất Hà Nội với trên 50 năm tuổi. Ảnh: Lê Hiếu. |
Trong cơ cấu doanh thu, khách sạn và nhà hàng vẫn là hai dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn với gần 71% tổng doanh thu hoạt động. Tuy nhiên, doanh thu từ cả hai dịch vụ này năm vừa qua đã giảm hơn 43 tỷ đồng và chỉ hoàn thành chưa tới 60% kế hoạch kinh doanh cùng năm.
Cụ thể, doanh thu dịch vụ khách sạn mang về cho Kim Liên 39 tỷ đồng (giảm 16 tỷ), trong khi doanh thu dịch vụ nhà hàng cũng giảm tới 27 tỷ, đạt hơn 32 tỷ đồng. Nhiều hoạt động đi kèm khác của khách sạn cũng đối mặt với tình trạng sụt giảm như dịch vụ giặt là, trông xe, tour du lịch…
Kết quả, khách sạn này ghi nhận khoản lỗ thuần hơn 6 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính, trong khi cùng kỳ năm 2017 vẫn lãi hơn 9 tỷ đồng.
Phải nhờ tới hơn 15,5 tỷ đồng lợi nhuận khác (chủ yếu là thu nhập từ giao dịch với cổ đông lớn - Tập đoàn Thaigroup) nên khách sạn này mới thoát lỗ hoạt động kinh doanh và báo lãi trước thuế 9,3 tỷ đồng.
Tuy số lợi nhuận trước thuế năm 2018 tăng nhẹ so với năm 2017, nếu so với kế hoạch đã đề ra hồi đầu năm (16,7 tỷ), khách sạn này chỉ hoàn thành hơn 55% mục tiêu.
Ngoài ra, sau 3 năm có lãi liên tiếp (2016-2018) nhưng khách sạn Kim Liên vẫn chưa thể bù đắp hết khoản lỗ lũy kế trên bản cân đối kế toán, hiện còn lỗ lũy kế gần 8,7 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ mà khách sạn này gặp phải từ năm 2015 khi kinh doanh khó khăn.
Theo giải thích từ ban lãnh đạo, bên cạnh thuận lợi về quy mô và vị trí, hoạt động của khách sạn Kim Liên năm qua cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó, cơ sở vật chất xuống cấp, chưa đồng bộ và thiếu các trang thiết bị hiện đại là một phần nguyên nhân khiến khách sạn không hấp dẫn du khách.
Cùng với đó, tiền thuê đất năm 2018 vẫn tăng cao hơn dẫn tới việc điều chỉnh giá bán theo chi phí thuê đất chưa được khách hàng chấp thuận. Trong năm, khách sạn cũng gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều cơ sở khác trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, dù hệ thống giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho khách đi lại thuận tiện nhưng cũng vì vậy mà lượng khách lưu trú lại Hà Nội nói chung và khách sạn Kim Liên nói riêng giảm trong năm vừa qua.
Tìm hướng khai thác 2 khu “đất vàng”
Sau thời gian khó khăn, trong năm nay, ban lãnh đạo khách sạn Kim Liên kỳ vọng sẽ cải thiện được tình hình kinh doanh. Công ty kế hoạch thu về 134 tỷ đồng doanh thu, và lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 15 tỷ đồng.
Nếu hoàn thành mục tiêu nói trên, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất mà khách sạn này thu về được kể từ năm 2012 đến nay.
Để đạt mục tiêu này, lãnh đạo khách sạn đã tính đến việc sẽ chuyển đổi khoảng 15-20% cơ cấu phòng nghỉ sang các mô hình kinh doanh khác có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Toàn cảnh khu đất thuộc sở hữu của khách sạn Kim Liên mà bầu Thụy mua lại với giá hơn 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Hiếu. |
Ngoài ra, khách sạn sẽ tìm kiếm, lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược để hoặc tác kinh doanh hoặc huy động vốn xây dựng trung tâm tiệc cưới, hội nghị tầm cỡ quốc gia, chuyển đổi công năng một số tòa nhà kinh doanh kém hiệu quả.
Công ty cũng sẽ triển khai đầu tư, xây dựng Khu phức hợp Khách sạn Kim Liên tại số 5-7 Đào Duy Anh, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội, đồng thời tìm kiếm phương thức sử dụng khu đất số 57 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội có hiệu quả.
Khách sạn Kim Liên là một trong những khách sạn cỡ lớn lâu đời nhất tại thủ đô Hà Nội. Mục đích ban đầu của khách sạn là nơi lưu trú cho các chuyên gia nước ngoài đến công tác tại Việt Nam, sau đó là phục vụ các đối tượng khách khác.
Tuy nhiên, hiện tại khách sạn này đã được cổ phần hóa và thoái toàn bộ vốn Nhà nước khỏi đây. Chủ sở hữu lớn nhất tại đây đang là Tập đoàn Thaigroup của ông Nguyễn Đức Thụy, người còn được biết tới với biệt danh bầu Thụy.
Cụ thể, doanh nghiệp của ông bầu này đang sở hữu tới 52% vốn điều lệ khách sạn Kim Liên sau khi chi hơn 1.000 tỷ đồng mua lại từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vào năm 2015. Hiện ông Thụy cũng đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên.
Công ty Du lịch Kim Liên hiện cũng là đơn vị được giao cho thuê và quản lý 2 khu “đất vàng” tại thủ đô gồm số 5-7 Đào Duy Anh (Đống Đa) và số 57 Trần Phú (Ba Đình).