Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh doanh cà phê thú cưng ở Sài Gòn lo mất vốn

Dùng bò sát, chó, mèo, vẹt, thỏ... để kinh doanh đem về lợi nhuận tốt nhưng các chủ quán cà phê ở TP HCM luôn nơm nớp lo bảo vệ đàn thú khỏi khách hàng.

TP HCM hiện có hơn 20 điểm kinh doanh cà phê thú cưng. Khách hàng đến đây, ngoài dùng dịch vụ còn để ngắm, vuốt ve những con vật yêu thích chủ yếu là bò sát, chó, mèo, vẹt, thỏ...

Ngoài bỏ tiền để mua thú về làm "tiếp viên" cho quán, chủ hàng còn phải bỏ thời gian chăm nuôi, thuần hóa. Một hình thức khác được áp dụng là thuê thú từ những điểm cung ứng dịch vụ. Chi phí đầu tư một đàn thú cưng như vậy có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, chưa tính khoản cho chuồng trại, chăm sóc hàng ngày. 

Chị Thúy, chủ đầu tư một quán cà phê mèo ở quận Tân Phú, TP HCM, cho biết, những chú mèo Ba Tư có giá nhập về dao động 8-20 triệu đồng. Hiện tại, quán chị Thúy có đàn mèo 15 con đủ chủng loại, giống với chi phí ban đầu là 200 triệu đồng. 

“Thời gian gần đây, thông tin nhiều quán cà phê thú cưng bị đánh bả rộ lên nên quán đã giảm số lượng xuống, chỉ đưa vài con ra phục vụ khách. Khi chúng tôi cất bớt những con mèo đắt tiền, khách đến quán giảm đi đáng kể", chị Thúy cho biết.

Khách vui đùa chụp hình cùng những chú thỏ của một quán cà phê thú cưng mới mở trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TP HCM. Ảnh: Zen Nguyễn.

Cũng theo chủ quán nói trên, sau một ngày được khách bế, đùa giỡn, những con mèo đều tỏ ra mệt mỏi, kém linh hoạt. Để giữ sức khỏe cho mèo, quán chị Thúy phải thay ca phục vụ và coi những con vật này như tiếp viên. 

Chị Võ Ngọc Yến Thanh, chủ một quán cà phê thỏ trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, TP HCM, cũng đang hồi hộp vì đàn thỏ có dấu hiệu mệt mỏi ngay sau ngày đầu tiên quán khai trương. Chị Thanh chia sẻ, phần lớn thỏ được nhập về từ Thái Lan với giá khoảng 2,5 triệu một con. Quán của chị Thanh ra đời để thành nơi giao lưu của người yêu loài vật này. Tuy nhiên, ngay sau ngày khai trương, một số vấn đề bất cập đã xuất hiện.  

Theo chị Thanh, khách đến đây phần lớn đều hiếu kỳ vì thế họ vờn, chơi với thỏ khiến cho những con vật này mệt lả. Sau một ngày “tiếp khách”, thỏ nằm la liệt trong chuồng, biếng ăn. Hiện nay, số thỏ trong quán của chị Thanh đã được đưa trở lại chuồng, vào khu vực dành riêng để khách vui đùa chụp hình. Chị Thanh cho hay chị không dám thả thỏ chạy khắp quán như trước. Bởi lẽ, nếu như chúng ốm hay chết, thiệt hại sẽ thuộc về người kinh doanh. 

Sau một ngày "tiếp khách", những chú thỏ mệt lả, biếng ăn. Ảnh: Zen Nguyễn.

"Quán phải cắt cử nhân viên bám sát khách hàng trong quá trình chơi cùng thỏ. Nhưng vì người đến uống cà phê ra vào liên tục nên chúng tôi rất khó kiểm soát trường hợp có đối thủ cạnh tranh không lành mạnh lợi dụng phá đàn thú cưng”, chị Thanh chia sẻ. 

Việc mở quán cà phê thú cưng hiện nay cũng mang lại nhiều ý kiến trái chiều. Chị Kim Yến (quận 8), cho rằng mô hình này khá hay vì khách có thể tiếp xúc với những con vật yêu thích mà không có điều kiện nuôi dưỡng. Tuy vậy, người dùng dịch vụ nên hỏi ý kiến chủ quán về tập tính của thú, cách chơi đùa để đảm bảo an toàn cho những con vật này. 

Anh Tiến, một bác sĩ thú y ở quận 5 cũng cho hay cà phê thú cưng là một mô hình kinh doanh lạ. Song việc chủ dịch vụ để khách tự do vui đùa với các con vật sẽ khiến chúng ít nhiều bị tổn thương. Bên cạnh đó, theo lời anh Tiến, nếu chủ quán không thực hiện việc tiêm chủng định kỳ cho vật nuôi, thuần hóa thú cưng, khả năng các con vật này tấn công khách hàng sẽ diễn ra.  

"Khi khi căng thẳng, thú có khả năng phản kháng, cắn người. Cũng không ít trường hợp những con vật này sẽ đổ bệnh do bị khách hàng cho ăn những món ăn lạ...", anh Tiến nói. 

Quần áo chó, mèo được chuộng ở Sài Gòn

Quần, áo, khăn choàng… cho thú cưng được thiết thời trang, cách điệu không thua gì sản phẩm dành cho người đang trở thành cơn sốt kinh doanh ở TP HCM.

 


Zen Nguyễn

Bạn có thể quan tâm