Năm 1933, cả thế giới biết tới King Kong qua bộ phim cùng tên của bộ đôi đạo diễn Merian Cooper - Ernest Schoedsack. Trải qua hơn 80 năm, Kong đã khoác lên mình rất nhiều tạo hình khác nhau. Ấn tượng chung của khán giả về King Kong là một quái vật khổng lồ mang hình dáng như khỉ đột.
King Kong (1933)
Trong lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh rộng, Kong cao hơn 15 m, mang nhiều nét khá gần gũi với con người. Các chi tiết trên gương mặt quái vật như môi, lông mày hay mũi đều được làm từ chất liệu cao su.
Để King Kong có thể thể hiện các biểu cảm trên gương mặt, ê-kíp làm phim cần đến ba nhân viên điều khiển hệ thống dây nối kim loại và khớp nối nằm bên trong hộp sọ mô hình.
Đôi mắt bằng thủy tinh là một trong những chi tiết đáng sợ nhất đến từ tạo hình của King Kong trong bộ phim năm 1933. Ảnh: Radio Pictures. |
Tuy bị hạn chế bởi công nghệ, nhưng họ vẫn cố gắng truyền đạt các nét biểu cảm của sinh vật theo hướng chân thực hết sức có thể, và đây được coi là bước tiến rõ rệt của bộ môn nghệ thuật thứ bảy thời điểm bấy giờ.
Bàn tay hay bàn chân của King Kong được làm từ thép, cao su, da gấu… Mỗi bộ phận có hai phiên bản khác nhau, giúp quay đặc tả khi sinh vật cầm nắm vật gì đó, hoặc lúc giẫm đạp, leo trèo… Nếu như bộ phim không gặt hái thành công, có lẽ loài quái vật sẽ sớm rơi vào quên lãng.
King Kong vs. Godzilla (1962)
Ý tưởng ban đầu của các nhà làm phim là tạo ra cuộc chạm trán giữa King Kong và Frankenstein. Nhưng vì lý do tài chính mà dự án rốt cuộc bị “bỏ xó”. Cuối cùng, Kong chu du tới xứ sở mặt trời mọc để “so găng” Godzilla.
Trong bộ phim năm 1962, King Kong bỗng có chiều cao vượt trội nhằm có thể đối đầu Godzilla. Ảnh: Universal. |
Trên thực tế, tạo hình King Kong trong cuộc đại chiến với “vua các loài quái vật” vào năm 1962 không có mấy khác biệt lớn so với phiên bản phim năm 1933, bởi đội ngũ sản xuất giữ lại được phần lớn mô hình tạo dựng trước đó gần 30 năm.
Chiều cao của King Kong vọt lên từ 15 m lên 45 m, nhưng một bộ phận người hâm mộ phàn nàn rằng chú bỗng bị “hiền lành hóa” đi rất nhiều. Dù sao, khán giả yêu thích dòng phim quái vật tại thời điểm đó vẫn được thưởng thức cuộc chiến mãn nhãn giữa Kong và Godzilla.
King Kong (1976)
Nếu như trong các lần xuất hiện trước, King Kong được điều khiển chuyển động bằng tay, thì ở bộ phim năm 1976, hãng Paramount quyết định chiêu mộ chuyên gia hiệu ứng trang điểm, diễn viên Rick Baker. Đây là bước tiến mạo hiểm nhưng hiệu quả, giúp biểu cảm của sinh vật trở nên sinh động.
King Kong trong bộ phim năm 1976 có lúc do Rick Baker thể hiện, có lúc là phiên bản cơ khí. Ảnh: Paramount. |
Song, hãng Paramount đồng thời tạo ra một phiên bản cơ khí cho King Kong, có chiều cao như một tòa nhà ba tầng. Điểm vượt trội lớn nhất của Kong trong bộ phim năm 1976 là lúc nhe răng, trông rất đáng sợ.
Ngoài ra, sinh vật trong phim có dáng đi thẳng đứng như con người, chứ không còn khom lưng như loài khỉ ở ngoài đời thực. Do đó, King Kong lần này trông rất cao lớn nếu so với các tập phim khác.
King Kong Lives (1986)
Nội dung của King Kong Lives tiếp nối đoạn kết của tập phim 10 năm trước, nên tạo hình của Kong tuân thủ sát bộ phim 1976. Song, tác phẩm có sự tham gia của Linda Hamilton rốt cuộc là một thất bại về chuyên môn và doanh thu.
King Kong Lives có lẽ là tập phim về King Kong bị chỉ trích nhiều nhất. Ảnh: Outnow. |
Nếu để ý, người hâm mộ có thể nhận ra một chút khác biệt ở mũi, hay đặc biệt là dáng đi của sinh vật. Lần này, Kong di chuyển giống như đười ươi, phần lớn thời gian sử dụng của bốn chi, thay vì đứng thẳng như loài người.
Tuy Rick Baker không còn “đủ ngu ngốc” để khoác lên bộ phục trang King Kong theo như lời của ông, nhưng hãng phim rốt cuộc vẫn tìm được các nhân viên thay thế để phát huy những gì mà chuyên gia đã để lại.
King Kong (2005)
Bom tấn King Kong năm 2005 được đạo diễn Peter Jackson, người vừa hoàn thành bộ ba phim The Lord of the Rings trước đó, thực hiện. Ông vốn là một fan của bộ phim gốc năm 1933. Nhận sự hỗ trợ của công nghệ kỹ xảo hiện đại, King Kong lần này trông sống động hơn hẳn các “bậc tiền bối”.
Đầu thế kỷ XXI, King Kong có màn trở lại đầy ấn tượng dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn lừng danh Peter Jackson. Ảnh: Universal. |
Với công nghệ motion capture (bắt biểu cảm), diễn viên Andy Serkis mô tả chuyển động và biểu cảm của Kong thông qua các điểm nhỏ trên gương mặt và trang phục chuyên biệt. Nó giúp tạo ra sự đa dạng hóa về mặt cảm xúc, và giúp gương mặt lông lá trở nên có hồn hơn.
Chiều cao của King Kong phụ thuộc khá nhiều vào bối cảnh xuất hiện. Nếu trên đảo hay giữa thiên nhiên, Kong trông cao lớn và đồ sộ. Nhưng thực tế, chú trông lọt thỏm khi đặt ở bối cảnh thành phố New York. Peter Jackson tiết lộ đây là phiên bản Kong “thấp bé nhẹ cân” nhất khi chỉ cao gần 8 m.
Kong: Skull Island (2017)
Lần trở lại năm nay của King Kong dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn trẻ Jordan Vogt-Roberts đặc biệt được người Việt Nam quan tâm khi phim có nhiều cảnh quay tại Quảng Bình, Ninh Bình, vịnh Hạ Long hồi đầu 2016.
Kong năm nay trông uy dũng nhưng cũng rất đáng sợ. Chú phải đối mặt với không chỉ loài người, mà còn nhiều loài sinh vật kỳ quái khác. Ảnh: Warner Bros. |
Áp lực dành cho bom tấn chính là tạo hình hiện đại của Kong trong bộ phim trước đó hơn 10 năm, được nhiều người hâm mộ đồng ý cho rằng là quá hoàn hảo, đủ để đại diện cho biểu tượng điện ảnh từ nay về sau mà không cần chỉnh sửa gì thêm.
Qua những trailer đã tung ra, đây có thể là phiên bản đồ sộ nhất, hung dữ nhất của Kong trong lịch sử. Lần này, “Chúa đảo Đầu lâu” không chỉ đối mặt con người, mà còn phải chiến đấu lại nhiều loài sinh vật kỳ quái, ghê rợn hơn rất nhiều so với tập phim 2005.
Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts từng khẳng định anh muốn tôn trọng tập phim 1933, cho King Kong “đi bằng hai chân”. Điều đó giúp củng cố quan điểm rằng Kong là một chủng loài riêng biệt, chứ không đơn thuần là một con khỉ đột to xác.
Giống như Peter Jackson, đạo diễn Peter Vogt-Roberts là fan của nguyên tác năm 1933 và rất tôn trọng nó. Ảnh: Warner Bros. |
Sau Kong: Skull Island, quái vật còn xuất hiện trong Kong vs. Godzilla (2020), hoặc thậm chí có tiếp phần hai. Do đó, King Kong sẽ tiếp tục “thay da đổi thịt” nhằm phục vụ cho mục đích nghệ thuật của các nhà làm phim. Họ chắc chắn luôn muốn duy trì biệt danh “kỳ quan thứ tám” mà chú được đặt cho cách đây hơn 80 năm.