Kim Jong-un ‘lột xác’ sau một năm nắm quyền
Hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực khó khăn, chỉ đạo phóng thành công tên lửa tầm xa đưa vệ tinh lên quỹ đạo… giúp nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất thế giới Kim Jong-un được chú ý đặc biệt trong năm 2012.
Sự ra đi đột ngột của nhà lãnh đạo Kim Jong-il trong những ngày cuối năm ngoái thực sự làm cả thế giới rúng động. Sau quãng thời gian đại tang, đất nước Triều Tiên khép mình vẫn thu hút sự chú ý của thế giới bởi quá trình chuyển giao quyền lực quan trọng cho Kim Jong-un, người con trai út của Chủ tịch Kim Jong-il.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong tang lễ cha. |
Vào thời điểm đó, nhiều nhà phân tích châu Á và phương Tây đều chung nhận định sẽ rất khó khăn cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un bởi sự ra đi của cha ông khiến quá trình chuyển giao quyền lực đột ngột bị rẽ hướng. Có thời điểm, không ít chuyên gia tin rằng, chàng trai khoảng chừng 30 tuổi Kim Jong-un khó lòng trở thành nhà lãnh đạo kế nhiệm của Triều Tiên.
Mặc dù, Đài truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCNA), cơ quan thông tấn chính thức của đất nước gọi Kim Jong-un với cái tên “Người kế nhiệm vĩ đại” đồng thời kêu gọi dân chúng trung thành với ông ngay trong khuôn khổ lễ tang nhà lãnh đạo Kim Jong-il nhưng nhiều người cho rằng, Kim Jong-un sẽ không có thực quyền bởi suy đoán những quan chức cấp cao trong Chính phủ Triều Tiên làm mọi cách để ngăn chặn quá trình chuyển giao quyền lực. Thậm chí, một số tờ báo phương Tây còn liệt kê những nhân vật cấp cao có thể đứng đằng sau Kim Jong-un điều hành đất nước.
Mọi đồn đoán về nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên chỉ tạm “quy về một mối” khi Đại hội Đảng Lao Động Triều Tiên bầu Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo tối cao của đất nước. Chỉ trong ba ngày, ông Kim Jong-un liên tiếp được bầu vào 3 vị trí quan trọng nhất của đất nước, đưa ông trở thành lãnh tụ tối cao của Đảng Lao động, Ủy ban Quân sự Trung ương, và Hội đồng Quốc phòng Triều Tiên. Ngay cả lúc này, nhiều người vẫn không tin Kim Jong-un có thể lãnh đạo được Triều Tiên trước những khó khăn lớn, tồn tại cả trong và ngoài nước.
Kim Jong-un hoàn toàn "lột xác" sau một năm nắm quyền chèo lái Triều Tiên. |
Không lâu sau khi được bầu vào những vị trí lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, uy tín của nhà lãnh đạo mới Kim Jong-un đã phải chịu một cú đánh mạnh sau vụ phóng vệ tinh bất thành ngày 13/4/2012. Tên lửa Unha-3 mang vệ tinh Kwangmyongsong-3 được phóng nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, người sáng lập Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch vĩnh viễn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi rời bệ phóng, tên lửa đẩy Unha-3 mà Bình Nhưỡng phóng đi đã gặp sự cố và rơi xuống vùng biển Hàn Quốc. KCNA phát đi một tuyên bố ngắn gọn thừa nhận, tên lửa nước này phóng đi không thể tới đích, nguyên nhân thất bại đang được điều tra.
Tên lửa phát nổ không lâu sau khi Kim Jong-un toàn quyền chèo lái đất khiến chính quyền mới càng gặp những bất lợi. Tuy nhiên, vụ phóng không làm suy giảm chính sách cứng rắn mà chính quyền Kim Jong-un tiếp tục duy trì. Dù không đưa ra bất kể xác nhận chính thức nào nhưng tình báo Mỹ và Hàn Quốc liên tiếp cáo buộc Triều Tiên chuẩn bị vụ thử hạt nhân lần thứ 3.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Đệ nhất phu nhuân Ri Sol Ju. |
Ngoài ra, chỉ hơn 3 tháng sau vụ phóng vệ tinh thất bại, Kim Jong-un bất ngờ thay Tướng Ri Yong-ho, Phó nguyên soái quân đội Triều Tiên. Truyền thông Triều Tiên cho biết, ông Ri Yong-ho xin rút lui khỏi mọi chức vụ đang đảm trách vì “lý do sức khỏe”.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng không khỏi hoài nghi về lý do thực sự đằng sau sự rút lui của ông Ri. Không ít người suy đoán, việc thay thế Phó nguyên soái Ri Yong-ho bằng Tướng Hyon Yong-chol là động thái củng cố quyền lực trong quân đội của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đặc biệt, năm 2012 còn đánh dấu sự trưởng thành trên mọi mặt của Kim Jong-un, sau khi truyền thông nước này đưa tin, Ri Sol Ju, cô gái thường xuyên xuất hiện bên nhà lãnh đạo trẻ chính là Đệ nhất phu nhân Triều Tiên. Trước đó, truyền thông thế giới cũng liên tục “đoán già đoán non” về người phụ nữ đi bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong tất cả những sự kiện lớn nhỏ của đất nước. Có suy đoán cho rằng đó là cô con gái út của nhà lãnh đạo Kim Jong-il nhưng nó nhanh chóng bị loại trừ.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2012, Triều Tiên bỗng khiến cả thế giới sững sờ sau khi phóng tên lửa Unha-3 đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 thứ 2 vào quỹ đạo thành công. Đặc biệt, chỉ vài ngày trước vụ phóng, Triều Tiên còn cho tiến hành tháo dỡ một phần của tên lửa đẩy vì lý do kỹ thuật và tuyên bố lùi thời hạn phóng vệ tinh nhân dịp một năm ngày mất của nhà lãnh đạo Kim Jong-il đến cuối tháng 12.
Kim Jong-un ngồi trong phòng chỉ huy, trực tiếp chỉ đạo vụ phóng tên lửa hôm 12/12. |
Đạt được những thành tựu vượt trội về công nghệ, khắp phục hoàn toàn lỗi kỹ thuật làm thất bại vụ phóng vệ tinh hồi trung tuần tháng 4 mang lại cho Bình Nhưỡng những thành tựu không hề nhỏ. Đặc biệt hơn, sự sững sờ gần như bất lực của hệ thống gián điệp Mỹ và đồng minh trong vụ phóng vệ tinh làm nên lịch sử của Triều Tiên ngày 12/12 còn là chiến thắng về mặt sách lược của chính quyền Kim Jong-un.
Không lâu sau khi vụ phóng tên lửa thành công, độc giả tạp chí Time danh tiếng của Mỹ đã bầu chọn Kim Jong-un trở thành nhân vật của năm. Ngoài ra, truyền thông thế giới mấy ngày qua cũng rầm rộ đưa tin về sự kiện nhà lãnh đạo Kim Jong-un sắp sửa làm bố. Dựa vào “dáng vẻ nặng nề” của Đệ nhất phu nhân Ri Sol Ju, người ta dự đoán bà đang mang thai nhưng phía Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bất kể thông tin nào về vấn đề này.
Trịnh Duy
Theo Infonet