Sinh ra ở Bình Nhưỡng năm 1995, Kim Han Sol chuyển đến Macau từ nhỏ, sau khi ông Kim Jong Nam bị thất sủng vì vướng vào bê bối đầu những năm 2000.
Ước mơ hai miền Triều Tiên thống nhất
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với đài truyền hình Phần Lan YLE năm 2012, Han Sol đã chia sẻ ước muốn của mình về việc thống nhất hai miền Triều Tiên.
“Tôi luôn mơ ước một ngày nào đó, tôi sẽ trở về và khiến mọi chuyện tốt hơn, giúp cuộc sống của tất cả mọi người được cải thiện hơn”, Han Sol trả lời người phỏng vấn, cựu phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Elisabeth Rehn.
“Tôi cũng mong chờ sự thống nhất vì tôi cảm thấy rất buồn khi không thể sang phía bên kia (tức Hàn Quốc - PV) và gặp bạn bè ở đây”, Han Sol chia sẻ.
Kim Han Sol xuất hiện trong cuộc phỏng vấn với cựu phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Elisabeth Rehn năm 2012. Cậu là con trai của ông Kim Jong Nam, người anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. YouTube. |
Theo YLE, Kim Han Sol chưa bao giờ gặp ông nội Kim Jong Il, nhà lãnh đạo Triều Tiên qua đời tháng 12/2011. Sau đó, chú của Han Sol là Kim Jong Un lên nắm quyền điều hành đất nước cho đến nay. Trong khi đó, Han Sol nói rằng cha cậu “hoàn toàn không quan tâm đến chính trị”.
Ông Kim Jong Nam, 45 tuổi, chết tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, hôm 13/2. Cơ quan điều tra đã bắt giữ 2 nữ nghi can sau khi phân tích hình ảnh trích xuất từ camera an ninh.
Mối đe dọa huyết thống
Bình luận về vụ việc, tiến sĩ Jae H. Ku, giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ - Hàn thuộc Trường Cao học Quan hệ quốc tế, Đại học Johns Hopskin (Mỹ) cho rằng có thể ông Kim Jong Nam chuẩn bị làm điều gì đó liều lĩnh.
"Ở Triều Tiên, việc ông ấy có huyết thống như vậy (họ Kim) đã thường được xem là mối đe dọa”, ông Jae nói với New York Times.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2012, Kim Han Sol cho biết cậu không ý thức được vị trí gia đình ở Triều Tiên cho đến khi trưởng thành hơn.
“Mãi sau này tôi mới biết ông nội mình là nhà lãnh đạo ở Triều Tiên… Dần dần, qua các cuộc nói chuyện giữa bố mẹ, tôi bắt đầu lắp ghép lại các dữ kiện rời rạc và nhận ra ông nội mình là ai”, Han Sol nói.
Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, các thành viên gia đình ông Kim Jong Nam nhận được sự bảo vệ của Bắc Kinh. Kim Han Sol là con trai của ông Kim Jong Nam với người vợ hai, bà Lee Hye Kyong.
Han Sol và cha mẹ đã nhiều năm sống lưu vong ở đặc khu Macau (Trung Quốc), trong khi người vợ đầu của ông Kim Jong Nam và con trai của hai người lại sống ở Bắc Kinh.
Theo nghị sĩ Lee Cheol Woo, một thành viên Ủy ban tình báo thuộc Quốc hội Hàn Quốc, Han Sol đang ở Macau với gia đình. “Họ đang có sự bảo vệ của chính quyền Trung Quốc”, ông Lee nói với AFP.
Tình bạn không phân biệt chính trị
Kim Han Sol cho biết cậu có một tuổi thơ cô đơn khi gia đình luôn hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh.
Năm 2011, trường United World College (UWC) ở Mostar (thuộc Bosnia & Herzegovina) trao học bổng cho Kim Han Sol, sau khi Hong Kong từ chối cấp visa cho cậu đến đây học. Ngôi trường tại Mostar là một trong 17 trường UWC trên toàn thế giới, thu hút học sinh đến từ các vùng xung đột và nhằm mục tiêu hàn gắn chia rẽ sắc tộc sau cuộc chiến Bosnia những năm 1990.
Kim Han Sol (trái) cùng bạn học tại trường United World College ở Bosnia & Herzegovina. Ảnh: Rex Features. |
Kim Han Sol nói rằng cậu thường chơi với những người bạn Mỹ và Hàn Quốc ở trường, bất chấp căng thẳng giữa Triều Tiên với các nước này. Cậu cảm thấy khó xử trong lần đầu tiếp xúc nhưng dần dần cậu và những người bạn mới trở nên thân thiết.
"Thỉnh thoảng chúng tôi chia sẻ những câu chuyện ở quê nhà và nhận ra chúng tôi có nhiều tương đồng: ngôn ngữ chung, văn hóa chung", Han Sol chia sẻ trong một bài báo trên Guardian.
Kim Han Sol được cho là đang học tại trường Sciences Po danh tiếng ở Pháp. Đây là ngôi trường thuộc hệ thống các trường lớn của Pháp, vốn tập trung vào nghiên cứu. Hệ thống trường lớn nổi tiếng với ngành chính trị học và là nơi sản sinh ra nhiều chính trị gia và nhà ngoại giao Pháp, như đương kim Tổng thống Francois Hollande.
Một viên chức ở trường Sciences Po nói với báo Hankyoreh (Hàn Quốc) rằng Han Sol “có mối quan tâm sâu sắc đến quan hệ quốc tế và các hoạt động nhân đạo”.