Bình luận
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Thể loại: Tâm lý, cổ trang, giả tưởng
Đạo diễn: Mai Thu Huyền
Diễn viên: Trình Mỹ Duyên, Cao Thái Hà, Lê Anh Huy, Mai Thu Huyền
Đánh giá: 4/10
Sau thảm họa “mượn xác” Kiều @, thêm một phim điện ảnh khác lấy cảm hứng từ câu chuyện của Nguyễn Du ra rạp. Lần này, tác phẩm của đạo diễn và nhà sản xuất Mai Thu Huyền có quy mô đầu tư lớn hơn.
Kiều lấy bối cảnh thời xưa, khi Thúy Kiều (Trình Mỹ Duyên) phải bán mình để cứu cha. Cô bị Mã Giám Sinh (Long Đẹp Trai) đưa vào lầu xanh của Tú Bà (Phương Thanh).
Với nhan sắc kiều diễm, Kiều nhanh chóng rơi vào mắt xanh của những tên khách làng chơi giàu có. Động lòng trước thân phận của cô, chàng thương gia Thúc Sinh (Lê Anh Huy) bèn giải cứu Kiều.
Tạo hình Kiều và Thúc Sinh trong phim. |
Nhưng chuyện tình say đắm của họ khiến vợ anh - Hoạn Thư (Cao Thái Hà) - ghen tức. Ngỡ đã tìm thấy hạnh phúc, Kiều tiếp tục trải qua một tấn bi kịch khác.
Nội dung Truyện Kiều vốn trải dài qua nhiều giai đoạn trong cuộc đời nhân vật chính, phù hợp với định dạng series hơn phim điện ảnh. Ở bộ phim chiếu rạp, biên kịch Phi Tiến Sơn chọn lát cắt về mối quan hệ giữa Kiều và Thúc Sinh để tập trung khai thác.
Đây là quyết định hợp lý khi giúp tác giả kịch bản dễ khai triển câu chuyện hơn. Tuy nhiên, nhiều điểm yếu về tình tiết, kỹ xảo, diễn xuất khiến thành phẩm trở nên ngớ ngẩn và khó chạm vào cảm xúc.
Những biến tấu “thảm họa”
Một biến tấu khó hiểu của Kiều là nhân vật Đạm Tiên (Mai Thu Huyền), vốn được giữ kín trong quá trình truyền thông trước đó. Trong truyện thơ, đây là một hồng nhan bạc mệnh, lúc nằm xuống chỉ có nắm đất hương khói vắng tanh. Khi tảo mộ, Kiều thương xót cho thân phận Đạm Tiên khi đi qua nấm mồ của cô.
Phim điện ảnh bổ sung yếu tố kỳ ảo, biến Đạm Tiên thành hồn ma nhiều thù hận. Nàng bảo vệ Kiều, nhưng luôn giữ quan điểm cực đoan về nhân thế. Việc Đạm Tiên chiếm sóng quá nhiều khiến hành trình của Kiều mất đi sự kịch tính và căng thẳng cần có.
Ở nhiều thế hung hiểm, Kiều vượt qua dễ dàng nhờ sự giúp sức siêu nhiên của hồn ma. Nhân vật chính bỗng trở nên mờ nhạt trong câu chuyện của chính mình, còn khán giả cảm thấy cô chẳng mấy gặp nguy hiểm bởi lúc nào cũng được cứu. Trong những phân đoạn về sau, lối diễn của Mai Thu Huyền nặng tính cường điệu, gồng mình khi răn đe Kiều về tình yêu.
Nhiều người nhận định tạo hình Đạm Tiên quá giống Mai Siêu Phong. |
Phiên bản Thúc Sinh trên màn ảnh rộng được kết hợp thêm yếu tố giỏi võ, khỏe mạnh của Từ Hải. Nhân vật phải lòng Kiều rồi vượt mọi gian khó cứu cô khỏi thanh lâu. Tính cách vai diễn không ổn định, lúc đầu can đảm, lúc sau nhu nhược đến khó tin.
Tình tiết hai người bỏ đến nơi hoang vắng, ngày đêm ân ái tỏ ra phi lý khi dường như Thúc Sinh chẳng hề bận tâm chuyện có thể bị người nhà phát hiện. Còn Kiều đang cố giữ gìn phẩm giá, lại bỗng dễ dàng trao thân cho người khác mà không quan tâm thân phận anh. Những thay đổi này đã phá hỏng cách xây dựng nhân vật trong nguyên tác.
Chuyện tình tay ba sống sượng
Nửa sau tác phẩm cố truyền đạt lớp ý về chuyện tình tay ba mang đến đau khổ cho mọi người trong cuộc. Đáng tiếc thay, lối thể hiện quá cũ kỹ.
Cảnh nóng giữa Thúc Sinh và Kiều giữa thiên nhiên quá dài và khêu gợi, sượng thô chứ không mang tính nghệ thuật. Đan xen cảnh này là vẻ mặt đau khổ của Hoạn Thư khi chứng kiến chồng ngoại tình, tạo ra kiểu tình huống quá kịch và sến.
Hoạn Thư được đẩy lên làm nhân vật quan trọng trong phim. |
Tổng thể trường đoạn Kiều và Thúc Sinh đi trốn rồi bị phát hiện quá lê thê, chiếm nhiều thời lượng và khiến nhịp phim chùng xuống. Nó chỉ diễn đạt tình cảm ở mức bề mặt mà thiếu đi sự trầm lắng, phân vân trong tình thế này. Nhân vật sẽ có chiều sâu hơn nếu Thúc Sinh suy tư, dằn vặt khi phản bội vợ, còn Kiều hạnh phúc trong tình yêu, nhưng cũng hoang mang về con đường sắp tới.
Phần cuối phim tập trung vào hoàn cảnh của Kiều ở nhà Hoạn Thư, nhưng cách diễn đạt quá cũ, lạm dụng tiếng khóc và những cảnh đau khổ. Trường đoạn Hoạn Thư cố ân ái với chồng để trả thù Kiều chỉ mang lại cảm giác thô vụng, nặng nề do nhịp dựng, cách thể hiện kém chất điện ảnh. Đoạn kết phim gây hụt hẫng với lối xử lý quá đỗi nhẹ nhàng cho các mâu thuẫn trước đó.
Điểm yếu diễn xuất
Vai chính của Trình Mỹ Duyên chưa thể chinh phục người xem. Người đẹp khá duyên dáng và tỏ ra nỗ lực với vai diễn. Nhưng ở một số đoạn, nhất là khi Kiều lần đầu gặp Thúc Sinh, khuôn mặt, thần thái của Mỹ Duyên chưa xứng lời mô tả của đại thi hào Nguyễn Du. Khả năng diễn xuất của cô còn quá non cho kiểu nhân vật đầy tâm trạng như Kiều.
Một điểm sáng hiếm hoi của Kiều là nhân vật Hoạn Thư. Nhân vật này có những lý lẽ đằng sau chuyện ghen tuông của mình. Cô xinh đẹp, yêu chiều chồng hết mực, giúp đỡ chàng cả về tình cảm lẫn kinh tế, nhưng chỉ nhận lại sự phụ bạc.
Ở một số tình huống, người xem thậm chí có thể quay sang ủng hộ Hoạn Thư, chứ không ghét cô. Với sắc vóc và lối diễn của mình, Cao Thái Hà tỏ ra hợp với nhân vật này hơn là vai “Thúy Vân” cưa sừng làm nghé trong Kiều @. Nhưng kết cục phim cũng khiến cách phát triển nhân vật trong tác phẩm mới còn nửa vời, mông lung,
Trình Mỹ Duyên có nhiều khoảnh khắc chưa xứng là mỹ nhân “nghiêng nước nghiêng thành” như lời Tú Bà. |
Được ghi hình ở nhiều tỉnh, Kiều có phần hình ảnh thiên nhiên bắt mắt, nhất là chỗ trốn của nhân vật chính và Thúc Sinh. Nhưng phim vẫn gặp nhiều hạn chế về bối cảnh, trang phục ở các cảnh tái hiện cuộc sống thời xưa.
Bộ trang phục màu vàng của Kiều không hợp với hoàn cảnh phong kiến, khi màu này thường dành cho vua chúa. Một số cảnh kỹ xảo của bộ phim thiếu mượt mà, như lúc Thúc Sinh bị đánh văng lên trời, hay khi Đạm Tiên biến đổi hình dạng. Còn trích đoạn Kiều tranh cãi với Đạm Tiên có phần âm thanh khó nghe.
Kiều là dự án lớn, nhiều tâm huyết, được giới thiệu là để tưởng nhớ đại thi hào Nguyễn Du và truyện thơ. Tuy nhiên, sản phẩm cuối cùng lại mắc không ít khuyết điểm. Người hâm mộ trung thành có lẽ khó chấp nhận câu chuyện nhiều khác biệt nguyên tác. Còn với khán giả đại chúng, nội dung về tình tay ba đã cũ lại gượng gạo cũng khó có thể thuyết phục số đông.