Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiều bào là cầu nối của Việt Nam và thế giới

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định kiều bào luôn mang trong mình lòng yêu nước, quê hương, hướng về cội nguồn, là cầu nối tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Sáng 12/11, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới khai mạc tại TP.HCM. Hội nghị tiếp đón hơn 500 đại biểu người Việt Nam đang định cư ở khắp các châu lục. Đây là sự kiện lớn về kiều bào đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “TP.HCM không chỉ từng là Hòn ngọc Viễn Đông trước đây mà còn luôn là đầu tàu phát triển và luôn đi đầu cả nước trong tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay”. Do đó, phát triển thành phố là mong muốn của đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài.

hoi nghi nguoi Viet Nam o nuoc ngoai anh 1
Kiều bào tặng quà lưu niệm cho Phó thủ tướng Phạm Bình Minh. Ảnh: Hải An.

Theo Phó thủ tướng, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển biến nhanh và phức tạp. Những biến động chính trị, kinh tế, xã hội của các nước, đặc biệt là các nước lớn và láng giềng đều tác động đến Việt Nam, đưa đến nhiều cơ hội mới nhưng cũng nhiều thách thức gay gắt.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng thừa nhận Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn. Mô hình tăng trưởng cũ theo chiều rộng, dựa vào lợi thế tài nguyên và nhân công rẻ từng mang lại thành công cho Việt Nam nay đã có dấu hiệu tới hạn. Năng suất, trình độ công nghệ còn thấp, chưa tham gia sâu được vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó là các vấn đề như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường. Cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đe doạ kéo lùi những thành quả kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến tương lai phát triển bền vững của đất nước.

Trước hơn 500 kiều bào, Phó thủ tướng cũng thông tin Chính phủ đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực.

Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ chú trọng tái cơ cấu các thị trường nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ. Chính phủ muốn đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

hoi nghi nguoi Viet Nam o nuoc ngoai anh 2
Đông đảo kiều bào tham gia hiến kế cho đất nước. Ảnh: Hải An.

Đối với đầu tư nước ngoài, Chính phủ khuyến khích các dự án đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên là kết cấu hạ tầng, phát triển nhân lực chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp. Chính phủ cũng khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực phục vụ thiết thực các nhu cầu cấp bách của người dân hiện nay như nông nghiệp hữu cơ, chế biến thực thực phẩm sạch và an toàn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam, nhất là những quy định liên quan đến môi trường, lao động.

Phó thủ tướng cũng cho biết Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa đổi mới toàn diện, xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ phát triển, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp trong và ngoài nước”.

“Đảng và Nhà nước luôn xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Kiều bào ta dù xa Tổ quốc nhưng luôn mang trong mình lòng yêu nước, quê hương, hướng về cội nguồn. Kiều bào là cầu nối tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước”, ông Phạm Bình Minh khẳng định.

Chia sẻ với kiều bào tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông tin thêm về tình hình tăng trưởng của thành phố: “Riêng trong giai đoạn 2011-2015, GDP của thành phố tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần so với cả nước”.

Ông Phong cũng cho biết TP.HCM cũng là địa phương có nhiều chính sách ưu đãi đối với kiều bào, thể hiện sinh động qua việc thu hút số lượng kiều hối rất lớn, chiếm 50% tổng số kiều hối cả nước. Đồng thời, TP.HCM cũng là nơi quy tụ, thu hút số lượng đông đảo kiều bào về sinh cơ, lập nghiệp.

Người đứng đầu thành phố cũng bày tỏ trăn trở về việc TP.HCM vẫn chưa huy động hiệu quả tiềm năng tri thức và nguồn tài chính quan trọng của kiều bào trên thế giới.

“Những chủ trương, chính sách đối với kiều bào trên các lĩnh vực đã được cụ thể hoá trong thực tiễn phát triển của thành phố hay chưa? Làm thế nào để kiều bào đóng góp tích cực hơn, hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng và phát triển TP.HCM để thực sự là đầu tàu kinh tế của cả nước, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực?”, ông Phong gợi mở kiều bào hiến kế. 

Thu hút nguồn lực từ kiều bào về xây dựng đất nước

Tiến sĩ Sinh Sott Nguyen, nguyên giảng viên Đại học Y Harvard, cho rằng Việt Nam đang tiếp tục đổi mới và là cơ hội để nhiều Việt kiều về đóng góp cho quê hương.

 




Hà Hương

Bạn có thể quan tâm