Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiệt tác ngoại hạng của Michelangelo

Sau bốn năm làm việc vất vả để vẽ vòm trần Sistine có diện tích 540 mét vuông, Michelangelo đã tạo nên một kiệt tác ngoại hạng.

Cảnh Adam và Eva bị con rắn dụ dỗ trong bích họa vòm trần Sistine. Nguồn: worldhistory.

Năm 1508, Giáo hoàng Julius II đặt Michelangelo thiết kế và vẽ trần nhà rộng lớn của Nhà nguyện Sistine. Đó là một đơn đặt hàng mà nhà điêu khắc không muốn thực hiện, nhưng ông không còn lựa chọn nào khác. […]

Bramante, là người giám sát các công trình của Vatican, đã được giao việc làm giàn giáo. Vasari cho chúng ta biết Michelangelo đã tức giận vì những lỗ hổng lớn trên trần do công nhân của Bramante khoét để treo giàn giáo, bởi khi công việc hoàn thành sẽ phải lấp lại những lỗ này. Thay vào đó, Michelangelo tạo ra một giàn giáo đứng độc lập kiểu mới, có thể di chuyển được lúc làm việc. […]

Sách của Vasari kể rằng Michelangelo viết cho một vài người bạn ở Florence nhờ họ đến Rome giúp đỡ vẽ trần nhà nguyện, nhất là để cho ông lời khuyên về kỹ thuật và màu sắc. Ông kể tên sáu họa sĩ, trong đó có cả người bạn thời thơ ấu của Michelangelo, Granacci. Vasari cũng kể rằng sau đó Michelangelo đã để họ đi vì công việc họ làm ra không đáp ứng những kỳ vọng cao của ông.

Nghiên cứu hiện tại xác nhận rằng Michelangelo có dùng các phụ tá cho những bức bích họa Sistine, điều này nằm trong dự tính vì có một lượng lớn màu và tường cần được chuẩn bị cho dự án.

Những cảnh Michelangelo mô tả từ Cựu Ước cho thấy sự phối hợp giữa cách kể chuyện truyền thống với một phong cách tả thực mới. Người ta có thể thấy các hình ảnh được truyền cảm hứng bởi những tác phẩm của Jacopo della Quercia ở Bologna, đặc biệt trong cảnh mô tả Thiên Chúa sáng tạo ra Eve và Adam và Eve bị trục xuất khỏi Thiên Đường, rất giống hình vẽ của Masaccio trong nhà nguyện Brancacci, Florence, với nỗi đau của sự ra đi được khắc ghi trên khuôn mặt họ.

Michelangelo anh 1

Bích họa trên trần Nhà nguyện Sistine, Vatican, Rome.

Phần quan trọng trong bố cục của Michelangelo cho vòm trần Sistine là chín cảnh trong Sáng Thế Ký: ba bộ ba (các phần) tiếp tục được tách làm ba. Trình tự của các hình ảnh sắp đặt Thiên Chúa sáng tạo ra Adam và Eva và sự trục xuất họ khỏi Thiên Đường trong bộ ba thứ hai, giữa các sự kiện trước và sau đó.

Bộ ba đầu tiên kể về câu chuyện của Noah, bộ thứ hai về Thiên Chúa sáng tạo ra Adam, bộ thứ ba về Thiên Chúa sáng tạo ra Vũ trụ: đất và biển, Mặt Trời và Mặt Trăng và các hành tinh, ngày và đêm. Hai bên của các tấm trung tâm là ngai tòa của các nhà tiên tri với bảy nhà tiên tri (Prophet) và năm nữ tiên tri (Sibyl).

Tám tường lửng tam giác (hốc tường tam giác giữa đường cong bên ngoài của vòm và đường gờ hình chữ nhật bao quanh), cùng các phần tường bán nguyệt, ở vị trí cao hơn, vẽ hình ảnh của tổ tiên Chúa Jesus, lấy từ danh sách 40 thế hệ có tên trong sách Phúc Âm của Thánh Matthew. Có tổng cộng hơn 300 nhân vật.

Vasari kể rằng Michelangelo, sau khi từ chối sự giúp đỡ ban đầu từ bạn bè, đã làm việc một mình. Ông là một người đơn độc, cống hiến cho công việc của mình, kể cả với hội họa, thể loại mà ông chưa bao giờ thích bằng điêu khắc. Ông không cho phép người ngoài, ngay cả Giáo hoàng, vào nhà nguyện để xem công việc đang được tiến hành.

Việc này không có gì lạ; ông không thích nghe phê bình trước khi hoàn thành bất kỳ tác phẩm nào. Bản thân nhiệm vụ này đã có nhiều vấn đề. Sự kiệt quệ về thể chất khi phải đứng với đầu ngửa ra, nhìn lên trần, làm việc ở khoảng cách gần trong nhiều tháng kéo dài đã ảnh hưởng đến tư thế, và cơ thể, cổ và đầu của ông đau nhức.

Một vấn đề khác Michelangelo gặp phải là không khí mùa đông giá lạnh, làm chậm quá trình khô màu và ảnh hưởng đến hàm lượng muối trong các màu sơn gốc vôi.

Vasari kể rằng Michelangelo nói với ông khi đã vẽ được 1/3 vòm trần thì có một “chỗ mốc” nào đó xuất hiện. Nhà viết tiểu sử giải thích rằng điều này là do vôi La Mã có màu trắng và làm bằng travertine (đá hoa vôi). Nó sẽ để lại cặn trắng nở hoa nếu bị ướt quá lâu. Michelangelo muốn từ bỏ dự án nhưng Giáo hoàng Julius cử một chuyên gia đến, người bạn chung của họ Giuliano da Sangallo, người đã chỉ cho Michelangelo cách tránh vấn đề này.

Sau khi đưa ra sự giúp đỡ này, Giáo hoàng đã được phép lên giàn giáo cùng Michelangelo để xem công việc đang được tiến hành. Tuy nhiên, sự thiếu kiên nhẫn của Giáo hoàng khiến công việc phải dừng lại khi mới thực hiện được một nửa. Giàn giáo bị dỡ và nhà nguyện được mở cho khách được mời đến xem.

Theo Vasari, sự vĩ đại của công trình của Michelangelo, dù mới hoàn thành một nửa, đã truyền cảm hứng cho tất cả những ai nhìn thấy nó, đặc biệt là Raphael. Tại thời điểm này, một lá thư từ Michelangelo gửi cho cha mình (tháng 9 năm 1510) nhắc đến một chuyến thăm nhà ngắn vì em trai Buonarroto bị ốm, nhưng ông lo rằng: “… ngài [Giáo hoàng] đã rời đi mà không để lại cho con hướng dẫn nào… nếu con rời đi mà không xin phép, con sợ Giáo hoàng có thể sẽ nổi giận”.

Ông yêu cầu cha thường xuyên báo tin cho mình: “Nếu Buonarroto vẫn còn ốm, hãy cho con biết ngay lập tức, vì con người có giá trị hơn tiền bạc”. Câu này ám chỉ số tiền ông chưa được trả cho vòm trần. Buonarroto đã hồi phục. Bức thư này tiết lộ việc Michelangelo bị ràng buộc với Giáo hoàng như thế nào, không dám rời Rome.

Trong khi đó, Bramante, không vui khi Michelangelo nhận được nhiều sự hoan nghênh hơn, đề nghị Giáo hoàng để Raphael làm tiếp nửa còn lại của vòm trần. Tới lúc này, Michelangelo lên cơn giận dữ, nhắc đến các khuyết điểm của Bramante, đặc biệt là việc phá hủy một phần của Vương cung Thánh đường Thánh Peter cũ. Giáo hoàng đã nghe lời ông. Ngài bỏ qua lời khuyên của Bramante và mời Michelangelo, người mà ngài rất kính trọng, làm tiếp.

Vasari nhận xét rằng Giáo hoàng đã bị thuyết phục bởi tài năng của Michelangelo. Khi vòm trần gần được hoàn thành, Giáo hoàng trở nên nôn nóng muốn công việc hoàn thành. Vasari kể lại một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Michelangelo và Giáo hoàng, Michelangelo nói rằng nó sẽ được hoàn thành “khi tôi tự thấy bản thân hài lòng về mặt nghệ thuật”. Giáo hoàng đã tức giận và đe dọa sẽ tống ông ra ngoài.

Thay vì phản ứng dữ dội, Michelangelo hoàn thành công việc, do đó cho phép giàn giáo được gỡ bỏ và nhà nguyện sẵn sàng mở cửa. Vòm trần được hoàn thiện. Vasari kể rằng Giáo hoàng đánh bạo hỏi tại sao các nhân vật trên vòm trần không được dát vàng.

Michelangelo trả lời: “Thưa Đức Giáo hoàng, thời đó con người ta không trang hoàng bản thân bằng vàng và những người được vẽ không bao giờ giàu có mà là những người mộ đạo coi thường của cải”.

Nhận xét của ông có lẽ là nhằm vào Julius II thực dụng. Giáo hoàng đã khánh thành nhà nguyện vào ngày Lễ các Thánh, ngày 1 tháng 11 năm 1512.

Rosalind Ormiston / Omega Plus - NXB Dân trí

SÁCH HAY