Sự tập trung hoàn toàn vào năng suất làm việc từ xa, cùng với thời gian xa cách gia đình và bạn bè kéo dài do đại dịch Covid-19, đã khiến nhiều người lao động nhập cư bị kiệt sức và cô lập.
Theo khảo sát của công ty bảo hiểm Mỹ Cigna’s 360 Well-Being Survey - thực hiện với gần 12.000 người nhập cư trên khắp thế giới, bao gồm khu vực châu Á - Thái Bình Dương - khoảng 90% người được hỏi chia sẻ họ phải chịu nhiều áp lực.
Do đó, họ đang cân nhắc lại các ưu tiên, với trọng tâm là tính linh hoạt và cơ hội sống gần gũi với gia đình, bạn bè, theo South China Morning Post.
“Có lẽ điều đáng lo ngại là 98% những người mà chúng tôi đã nói chuyện từng trải qua các triệu chứng kiệt sức ở người nhập cư. 89% cũng nói rằng họ luôn phải làm việc và không thể tách rời khỏi công việc”, theo báo cáo của cuộc khảo sát, được thực hiện ở 15 điểm đến chính cho người nhập cư, trải dài từ châu Á - Thái Bình Dương, đến châu Phi, châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ.
"Giấc mơ của người nhập cư đã thay đổi"
Các quốc gia trên toàn cầu đã áp đặt những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở mức độ khác nhau kể từ đầu năm 2020. Cho đến nay, hơn 537 triệu người từng nhiễm SARS-CoV-2, với 6,3 triệu ca tử vong trên toàn cầu, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhiều quốc gia áp đặt hạn chế nghiêm ngặt đối với du lịch quốc tế trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: Reuters. |
Những hạn chế đối với việc di chuyển của người dân và doanh nghiệp đã khiến các công ty chuyển sang cơ cấu làm việc từ xa, hoặc kết hợp giữa làm việc trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch quốc tế cũng bị tạm ngưng do lệnh kiểm soát biên giới chặt chẽ.
Những hạn chế đối với du lịch quốc tế và cả du lịch nội địa ở một số quốc gia đã gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần của lao động nhập cư. Theo đó, 87% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy bất lực, bị mắc kẹt hoặc kiệt quệ, và 86% cảm thấy cô đơn và tách biệt với thế giới.
Trải nghiệm sống ở nước ngoài trong thời kỳ đại dịch đã thúc đẩy sự thay đổi lối sống của gần 3/4 số người được khảo sát.
Điều đó có nghĩa giờ đây, các công ty đa quốc gia cần xem xét lại những gì họ đang cung cấp cho các nhân viên tiềm năng của mình, nếu muốn lấp đầy các vị trí dành cho người nước ngoài trong tương lai, ông Jason Sadler, chủ tịch của Cigna International Markets, cho biết.
“Phong cách sống ‘di động’ thú vị và bổ ích, từng được gọi là ‘giấc mơ của người nhập cư’ đã thay đổi. Nhiều người đang ưu tiên lối sống gắn bó với gia đình và bạn bè hơn khi lên kế hoạch di chuyển”, ông Sadler nói.
Một mối quan tâm khác liên quan đến tài chính cá nhân, chỉ khoảng 1/3 số người khảo sát cho biết họ tự tin về tình hình tài chính hiện tại của mình hoặc có đủ tiền tiết kiệm để nghỉ hưu.
Singapore đầy áp lực
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gần một nửa số người khảo sát nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao cho biết họ có khả năng sẽ chuyển nơi ở trong 2 năm tới, do “cân nhắc về lối sống”. Các điểm đến ưa thích của họ sẽ là Australia, Anh và Canada.
Ở Singapore, tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng. 95% người nhập cư là quản lý cấp cao tại Singapore tham gia cuộc sát cho biết họ có triệu chứng kiệt sức. 29% chia sẻ họ phải làm việc quá nhiều.
Một bãi biển công cộng ở Singapore đóng cửa vào tháng 4/2020, trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Khu vực này cũng có số người nhập cư làm việc ngắn hạn hơn tất cả thị trường khác trong cuộc khảo sát. Chẳng hạn, số người nhập cư làm việc dưới một năm chiếm 57% tổng số người nhập cư ở Trung Quốc, con số này ở Ấn Độ là 47% và Singapore 40%.
Bất chấp tình hình đại dịch, Hong Kong dường như vẫn là điểm đến phổ biến với một số người. Hơn 40% số người khảo sát đã làm việc tại trung tâm tài chính 1-5 năm - tỷ lệ cao nhất trong số tất cả quốc gia tham gia khảo sát (không chỉ ở châu Á).
Tuy nhiên, Hong Kong có thể chứng kiến sự sụt giảm lớn trong số dân nhập cư, với 47% người được hỏi dự định quay trở lại quê hương do lo ngại về lối sống và muốn gần gũi hơn với gia đình.
Cũng theo cuộc khảo sát, hơn 2/3 số người được hỏi ở Australia cho biết họ “rất khó có khả năng di dời trong 24 tháng tới”, và 48% thừa nhận đang đối mặt với áp lực đáng kể về chi phí sinh hoạt.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy những người trẻ tuổi dường như thích làm việc ở nước ngoài hơn những người lớn tuổi hơn, với 37% người được hỏi trong độ tuổi 18-34 quan tâm đến các vị trí ở nước ngoài, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 13% ở độ tuổi 50. Xu hướng đó đặc biệt mạnh mẽ ở các nước đang phát triển như Kenya, Saudi Arabia và Ấn Độ.
Những người nhập cư đã dành hơn 5 năm làm việc ở nước ngoài cũng ít có khả năng bỏ việc hơn. Theo đó, chỉ 9% nói rằng họ có thể trở về quê hương, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 25% của những người đã ở nước ngoài ít hơn một năm.
"Thời kỳ đại dịch là một thách thức đặc biệt đối với những người nhập cư, kể cả trong thời điểm hiện tại và về lâu dài”, tiến sĩ Stella George, giám đốc y tế của Cigna International Markets, cho biết.
“Vì vậy, trong khi một số người sẽ chuyển về gần quê hương hơn, nhiều người trẻ tuổi đầy tham vọng cũng sẽ bắt đầu tận dụng cơ hội ứng tuyển vị trí làm việc ở nước ngoài với nhiều lợi ích, chẳng hạn thăng tiến nhanh, làm việc linh hoạt và các ưu đãi khác. Những lợi ích này đặc biệt hấp dẫn đối với những người mới bắt đầu sự nghiệp”, ông nhận định.