Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiếp 'người ngựa' trên đỉnh núi Chứa Chan

Không việc làm ổn định, hàng chục người gắn mình với nghề thồ hàng ở núi Chứa Chan (Đồng Nai). Gùi nặng trĩu trên lưng, leo hàng nghìn bậc, họ cũng chỉ nhận được tiền công ít ỏi.

Núi Chứa Chan thuộc xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc là di tích lịch sử danh thắng của tỉnh Đồng Nai. Núi cao 800 m so với mặt nước biển, trên đỉnh có nhiều đền thờ, miếu mạo... hút du khách.

Để lên đỉnh núi, khách phải leo hàng nghìn bậc thang. Con đường có dốc quanh co dài gần 4 km là thử thách đối với những người tham quan. "Du khách mang theo nhiều hành lý, lễ vật dâng hương nhưng dốc cao nên họ không thể tự đưa lên núi. Mỗi lần như vậy, chúng tôi nhận gùi hàng cho họ để kiếm tiền", một phụ nữ cho biết.   

Khu vực danh thắng hiện có khoảng 20 người làm nghề nặng nhọc này nhưng chỉ một số ít thanh niên còn lại là những người 50 đến 60 tuổi. 

Ông Nguyễn Văn Út (60 tuổi, ngụ xã Xuân Trường) cho biết, mỗi ngày, ông bắt đầu công việc từ 6h sáng và về nhà khi xóm đã lên đèn. "Nhiều lần tôi muốn nghỉ ngơi nhưng nếu nghỉ thì chẳng biết lấy gì sống. Đôi lúc nghĩ mình là kiếp 'ngựa người' lọ mọ thồ hàng", ông Út nói.  

Bà Nguyễn Thị Sương (58 tuổi) đã có 4 năm làm nghề thồ hàng thuê. Bà kể, 6 năm trước, chồng đau tim rồi qua đời, cuộc sống gia đình một mình bà phải chăm lo.

"Không tìm được việc phù hợp, tôi đến núi làm nghề gánh thuê cho đến bây giờ. Tuổi già, sức khỏe suy giảm nên gồng gánh không được như xưa, thu nhập cũng chỉ 50.000 đồng mỗi ngày". 

Anh Nguyễn Văn Tâm (28 tuổi, quê Bình Thuận) thì không có bằng cấp, không xin được việc ổn định nên đến núi Chứa Chan thồ hàng thuê từ gần 10 năm trước. Mỗi ngày, thanh niên này đi gần chục chuyến.  

Những người thồ hàng phải leo hàng nghìn bậc thang với gùi nặng trĩu sau lưng. Thù lao được chủ hàng trả theo trọng lượng lô hàng và quãng đường di chuyển. Lên nửa dốc, người thồ hàng được trả 1.000 đồng/kg và lên đến đỉnh thì được 2.500 đồng/kg.

Những người tuổi cao, không mang được nhiều và leo núi hạn chế nên chỉ nhận được mức thù lao ít. Mỗi ngày, thu nhập của họ khoảng 50.000 đến 100.000 đồng. 

Do leo trèo liên tục nên dép, giày nhanh hỏng. Để tiết kiệm chi phí, họ thường dùng dây nylon, dây thép khâu lại những chỗ bị rách để tiếp tục sử dụng. 

Với 50 kg hàng sau lưng, ông Út thường xuyên phải nghỉ giữa đường. "Cứ 20 - 30 bậc thang là tôi phải nghỉ. Nhiều đêm về đến nhà là nằm vật xuống giường, toàn thân mỏi rã rời. Khớp chân, lưng, cổ đau nhức", ông cho biết. 

Khác với những người thồ hàng thuê, bà Phan Thị Kiều mưu sinh bằng cách gánh hàng rong lên đỉnh núi bán cho du khách và các hàng quán hai bên dốc. Người phụ nữ trên 50 tuổi gắn với ghề ở dốc núi gần 20 năm. 

Một phụ nữ ngồi nghỉ bên ghế đá của hàng quán gần đỉnh dốc. 

Công việc nặng nhọc, thu nhập thất thường nhưng hàng ngày những người lao động nghèo vẫn bám núi mưu sinh. Bà Sương chia sẻ: "Tôi mong mình luôn mạnh khỏe để làm việc. Tuy vất vả nhưng nhờ việc này mà tôi nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình".


Ngọc An

Bạn có thể quan tâm