"Tôi nghĩ tổng thống giỏi đã hiếm, một tổng thống quan tâm tới tâm tư nguyện vọng người dân ở khắp nơi như Barack Obama còn hiếm hơn rất nhiều", Nhật Huy chia sẻ với Zing.vn.
Nguyễn Nhật Huy, 27 tuổi, là kiến trúc sư đang làm việc tại Indiana, Mỹ. Hôm 12/11/2016, Nhật Huy gửi một lá thư tới Tổng thống Obama và thật bất ngờ, anh nhận được hồi âm chỉ vài ngày trước khi ông Obama rời nhiệm sở, kết thúc 8 năm bận rộn ở Nhà Trắng.
Nhật Huy kể rằng lá thư đến tay anh sau một ngày làm việc dài với nhiều sự cố không may xảy đến cùng lúc, đã khiến anh vô cùng vui và phấn khích. "Nó giống như khi bạn nhận được một món quà đúng lúc bạn cần nhất vậy", anh nói.
Bức thư Nguyễn Nhật Huy nhận được từ Tổng thống Barack Obama được anh trân trọng lưu giữ. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Bức thư đến từ cú sốc ngày bầu cử
Cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ kết thúc theo cách ít ai ngờ đến. Tỷ phú Donald Trump đắc cử. Nước Mỹ và cả thế giới sốc. Và đó cũng là tâm trạng của chàng kiến trúc sư trẻ Việt Nam.
Nhật Huy cho biết anh "thất vọng và có phần hoang mang" khi người Mỹ chọn Donald Trump, người anh cho là đã thắng bằng một "chiến dịch tranh cử gây chia rẽ", làm tổn thương các nhóm sắc tộc ở Mỹ.
Suy nghĩ đó thôi thúc chàng trai 27 tuổi viết thư cho Tổng thống Obama vài ngày sau khi bầu cử kết thúc. Nhật Huy đã chia sẻ những điều anh cảm nhận và trăn trở về nước Mỹ với tư cách một người Việt.
"Nhiều người ở cả Việt Nam và Mỹ hỏi tôi về việc tôi quan tâm quá nhiều đến cuộc bầu cử. Tôi chỉ là một kẻ ngoại quốc không có quyền bỏ phiếu. Đó đâu phải việc của tôi? Tại sao tôi lại phải bi đát như vậy?", Nhật Huy tâm sự với Tổng thống Obama qua thư.
"Nhưng có một sự thật đơn giản: Tôi chẳng cần phải là một công dân Mỹ để cảm nhận nỗi đau của những người phải chịu đựng sự phân biệt đối xử và sự cuồng tín. Tôi không cần là một công dân Mỹ để phân biệt đúng sai".
Trong thư, Nhật Huy nói anh "không thể hiểu tại sao người ta lựa chọn sự thù hằn thay cho tình yêu, sỉ nhục thay cho động viên, thụt lùi thay cho tiến bộ". Anh bày tỏ nỗi buồn khi chứng kiến những giá trị Mỹ đang bị phá vỡ.
Lời nhắc về niềm hy vọng và lạc quan
Chàng kiến trúc sư chia sẻ sau 4 năm học tập, làm việc tại Mỹ, anh dành nhiều tình cảm cho đất nước này cũng như cựu Tổng thống Obama. Anh từng có ý định gửi thư cho Obama khi quan sát chuyến công du của ông tới Việt Nam tháng 5/2016.
"Chuyến thăm của ngài có ý nghĩa rất lớn. Những người dân bình thường có thể không biết rõ về cấm vận quân sự, về TPP hay những vấn đề đối ngoại khác. Nhưng họ hiểu sự tôn trọng và thiện chí của ngài", Nhật Huy viết trong thư. Anh nói sự kiện đã truyền cảm hứng cho nhiều người Việt Nam trong đó có anh.
Nguyễn Nhật Huy, 27 tuổi, kiến trúc sư người Việt, tại Indiana, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Theo Nguyễn Nhật Huy, Tổng thống Obama luôn chia sẻ với người dân nước Mỹ cũng như thế giới thông điệp về sự lạc quan và niềm hy vọng để vượt qua khó khăn.
"Tôi sẽ giữ bức thư này như là một biểu tượng cụ thể cho bài học đó. Sau này, mỗi khi tôi nhìn vào, nó sẽ là một lời nhắc nhở để tôi giữ vững hy vọng, sự lạc quan và ý thức cần phải làm những việc tốt cho những người xung quanh mình", Nhật Huy nói.
Dù làm việc ở nước ngoài, anh vẫn luôn quan tâm đến tình hình trong nước và hiện là trưởng ban điều hành dự án Diễn đàn mô phỏng Nghị viện trẻ (VNYP) ở Việt Nam.
Nhật Huy cùng những thành viên sáng lập đã triển khai dự án với mong muốn mang đến thay đổi tích cực cho các bạn sinh viên, khuyến khích giới trẻ Việt Nam tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách của đất nước.
Anh cũng đánh giá "Barack Obama là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất tới giới trẻ trên toàn thế giới và cả ở Việt Nam".
Obama: 'Bác sĩ tâm lý của người dân
Nhật Huy cho biết ở Mỹ, việc người dân viết thư cho tổng thống và được trả lời là điều rất bình thường và có truyền thống lâu đời, bắt đầu từ thời George Washington.
Cuối thế kỷ 19, do số lượng thư gửi về quá tải (khoảng 100 bức/ngày), Tổng thống William McKiney trở thành người đầu tiên thiết lập bộ phận tiếp nhận và xử lý thư do người dân gửi tới.
Obama nhậm chức khi nước Mỹ đang vật lộn với khủng hoảng, người dân có nhiều tâm tư, nguyện vọng muốn bày tỏ. Do đó, ông mở rộng và tổ chức bộ phận xử lý thư một cách quy củ hơn.
Obama đặt mục tiêu cho mình mỗi ngày phải đọc 10 lá thư tiêu biểu nhất để hiểu hơn cuộc sống của người dân. 10 lá thư này được lựa chọn từ khoảng 10.000 lá thư mỗi ngày.
Những bức thư kể về nỗi khó khăn tìm việc hay sinh viên không đủ tiền trang trải học phí. Những em nhỏ gửi thư nhờ tổng thống giúp đỡ các bạn ở các nước có chiến tranh.
Trong phòng xử lý thư từ của Obama, mỗi nhân viên đọc và phân loại trung bình 300 bức thư mỗi ngày. Ảnh: New York Times. |
Nhật Huy nói với Zing.vn rằng thông qua tìm hiểu về việc tiếp nhận thư của Obama, anh thấy ông là "người rất gần gũi và hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân".
"Như nhà báo Jeanne Marie Laskas của New York Times đánh giá, Obama giống như 'bác sĩ tâm lý' của người dân Mỹ vậy", kiến trúc sư trẻ nói.
Nhật Huy bày tỏ anh luôn ngưỡng mộ Barack Obama "không chỉ với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ mà còn với tư cách một người Mỹ tốt. Vậy nên, việc nhận được chia sẻ từ ông tại bất kỳ thời điểm nào, với bất kỳ chức danh nào cũng là một vinh dự lớn".
Huy thân mến,
Cảm ơn bạn vì đã chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi hiểu cảm giác bất an mà nhiều người Mỹ trải qua những ngày gần đây. Có một điều tôi chắn chắn, Mỹ sẽ vẫn là quốc gia tuyệt vời nhất trên thế giới.
Thứ khiến chúng ta nổi trội không đơn giản chỉ là kinh tế hay sức mạnh quân sự, mà còn là những nguyên tắc thành lập nên Hợp chủng quốc này: Cởi mở, thượng tôn pháp luật, tự do, cùng một sự thật hiển nhiên được nối tiếp qua mỗi thế hệ - Tất cả chúng ta được sinh ra bình đẳng.
Một cuộc bầu cử không thể thay đổi con người chúng ta. Nước Mỹ mà tôi biết luôn mang trong mình đôi mắt sáng rõ và một trái tim vĩ đại - tràn đầy dũng cảm và sự thật thà. Chính trị có thể ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi người, nhưng thành công của chúng ta luôn xuất phát từ cách người Mỹ sẵn sàng quan tâm và giúp đỡ nhau trong những thời khắc đen tối.
Vượt lên trên nhiệm kỳ của tôi, hay bất cứ nhiệm kỳ của tổng thống nào, là tinh thần lạc quan và chăm chỉ của những người như bạn, đó là thứ khiến cho đất nước này trở nên tốt đẹp hơn và sẽ tiếp tục mang lại cho chúng ta sức mạnh mà chúng ta cần gìn giữ.
Sự tiến bộ không tới dễ dàng và không phải lúc nào cũng đi theo đường thẳng. Nhưng tôi vững tin rằng lịch sử sẽ vẫn tiếp bước nhờ sự dẫn lối của công lý, phồn vinh, tự do. Đó không phải lẽ dĩ nhiên, mà là nhờ những người như bạn lên tiếng và luôn có trách nhiệm với đất nước này bằng những lý tưởng tuyệt vời nhất.
Vì vậy, tôi hy vọng bạn sẽ tiếp tục làm điều này. Tôi muốn bạn biết rằng Michelle và tôi sẽ luôn sát cánh cùng các bạn.
Trân trọng,
Barack Obama.