“Điều làm mình vui nhất là có thể mang Huế đến khắp nơi trên thế giới” – Lê Ngọc Tuấn Anh (đường Nguyễn Huệ, TP.Huế) chia sẻ.
“Gấp gọn” những công trình bằng đam mê
Nghệ thuật Kirigami đến với Tuấn Anh tình cờ vào giữa năm 2015. Khi đó, một người bạn thân của anh phải xa Huế nhưng luôn lưu nhớ hình ảnh của nhà thờ, nơi đã gắn bó nhiều kỉ niệm. Tuấn Anh nảy ra ý tưởng “gấp gọn lại nhà thờ” để bạn có thể giữ nó bên cạnh dù đi đến nơi đâu.
Nghệ thuật Kirigami (Kiri: cắt, Gami: giấy) là một biến thể của Origami (Ori: gấp, Gami: giấy) du nhập vào Việt Nam vào những năm 2004, 2005 và được các bạn trẻ ở khắp đất nước say mê đón nhận.
Thời gian học kiến trúc đã trang bị cho Tuấn Anh những kiến thức về tạo hình và tiếp xúc với nhiều công cụ hỗ trợ thiết kế. Tuy nhiên, nghệ thuật cắt giấy Kiragami vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên anh phải đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu học hỏi. Với sản phẩm đầu tiên anh đã mất gần 3 tháng mới hoàn thành.
“Nản vô cùng. Cảm giác ban đầu cứ muốn bỏ cuộc. Một chi tiết sai lệch có thể làm sản phẩm không hoàn chỉnh, vậy là phải bỏ làm tại từ đầu. Tốn bao nhiêu lần giấy tôi cũng không nhớ được” - Tuấn Anh chia sẻ.
Lê Ngọc Tuấn Anh và công trình giấy đầu tiên. Ảnh: NVCC |
Sản phẩm đầu tiên ra đời cũng là lúc Tuấn Anh cảm nhận được niềm đam mê của mình. Với tình cảm đặc biệt dành cho Huế và mong muốn quảng bá hình ảnh cố đô đi khắp mọi nơi, anh tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm khác.
Tuấn Anh cho biết, hiện nay dù đã thành thạo các quy trình tạo hình nhưng một sản phẩm kiến trúc bằng giấy cũng "ngốn" của anh ít nhất 1 tháng. Quan trọng nhất là giai đoạn thiết kế. Anh đã tìm ra cách thiết kế lại công trình dựa trên những hình ảnh và tọa độ định vị trên bản đồ. Từ đó xách định tỷ lệ của công trình kiến trúc cũng như các mặt giáp xung quanh nhằm tạo hình một cách chính xác.
Sau khi thiết kế các chi tiết cụ thể và chính xác, anh sẽ lựa chọn loại giấy Canson vân gỗ có tính đàn hồi tốt để gia công. Các chi tiết sẽ được cắt rời gọn và đẹp nhờ máy cắt lazer. Bước cuối cùng là lắp ráp các chi tiết, đính vào bìa cứng để gấp gọn. Quá trình đính vào bìa cứng cũng tốn rất nhiều công sức, làm sao gấp gọn lại mà không làm hỏng các chi tiết.
Các sản phẩm của Tuấn Anh ngoài chăm chút về thiết kế còn chú trọng đến việc đưa thông tin. Thông tin các công trình được viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và các ngoại ngữ khác, để khách hàng có thể hiểu hơn về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc.
Thử thách khi khởi nghiệp bằng sản phẩm văn hóa
“Với những bạn thiếu kiên nhẫn, không tỉ mỉ thì không nên theo công việc này, vì rất dễ nản chí”- Tuấn Anh bộc bạch.
Hiện Tuấn Anh vừa thành lập một nhóm bạn trẻ gồm 8 thành viên cùng đam mê, để thực hiện dự định đưa giá trị văn hóa của các vùng miền Việt Nam đi khắp thế giới bằng mô hình xếp giấy 3D. Mỗi tháng, nhóm cùng nhau lên ý tưởng để làm các sản phẩm, tuy nhiên với những địa danh cụ thể thì chỉ có duy nhất một bạn đảm nhiệm phần thiết kế bản vẽ.
Tác phẩm thành Nội Huế, một công trình Tuấn Anh tâm đắc. Ảnh: NVCC |
Sau khi bản thiết kế hoàn thành, các thành viên khác sẽ đảm nhiệm những công đoạn như cắt các chi tiết, lắp ráp, thiết kế bìa để đính... Mặc dù mỗi thành viên trong nhóm đều có công việc riêng, nhưng tất cả mọi người luôn sắp xếp thời gian để cùng nhau thực hiện dự định đã đặt ra.
Nhóm đã làm hơn 800 sản phẩm với các địa danh nổi tiếng của Huế, như Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, cổng trường Quốc Học, cầu ngói Thanh Toàn... Hiện sản phẩm của nhóm được trưng bày ở một quán cà phê nhỏ trên đường Nguyễn Công Trứ (TP. Huế) để du khách có thể thưởng lãm và đặt mua.
Hiện nay, các sản phẩm Kirigami về kiến trúc Huế đã được mang ra nước ngoài rất nhiều thông qua khách du lịch. Anh Hiếu Hùng (Canada) cho biết rất khâm phục nhóm bạn trẻ này với ý tưởng và sự kỳ công khi tạo ra những công trình độc đáo bằng giấy.
Tại Mỹ và Italy, nhóm đã nhận được lời ngỏ ý hợp tác của một số người quen đang thực hiện dự án làm các sản phẩm về những địa danh nổi tiếng của các nước.
Dù sản phẩm được đánh giá tốt, nhưng đối với các thành viên, việc khởi nghiệp với hướng đi này vẫn gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Sản phẩm làm ra tốn rất nhiều công sức nhưng giá bán chỉ từ 185.000 đồng (với mô hình đơn giản) và 750.000 đồng (với mô hình phức tạp).
Những thành viên trong nhóm của Tuấn Anh trong giờ thiết kế sản phẩm. Ảnh: NVCC |
Trường, một thành viên nhóm, cho biết: “2/3 thời gian tạo ra sản phẩm là thiết kế. Ngoài Trường và Tuấn Anh, nhóm hiện rất thiếu thành viên có thể đảm nhận được khâu này. Thu nhập từ tiền bán sản phẩm cũng không lớn nên đôi khi các bạn phải bỏ tiền túi để hỗ trợ thêm cho các thành viên, mua sắm nguyên liệu...
Dù khởi nghiệp còn gian nan, nhưng nhóm cho biết không nản chí mà đang ấp ủ rất nhiều ý định để thay đổi và làm mới sản phẩm. Việc nghiên cứu các chất liệu khác để tạo ra sản phẩm có giá trị cao như bạc hoặc vàng dát mỏng cho mô hình công trình kiến trúc thu nhỏ là một trong những dự định sắp tới.
Ngoài ra, nhóm cũng xúc tiến đưa sản phẩm đến Hội An (Quảng Nam) để trưng bày, quảng bá đến du khách khắp nơi.