Giám đốc Công ty TNHH Con Tôm, kiến trúc sư Phạm Xuân Thành sinh năm 1991, tại huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Anh giới thiệu đầy tự hào rằng vùng đất Cà Mau được ưu ái về thổ nhưỡng nên com tôm có vị ngọt đậm, thịt dai và thơm đặc trưng. Gia đình Thành có 9 ha rừng đước nuôi tôm ở huyện Ngọc Hiển, ngoài tôm thẻ, tôm đất vốn có trong tự nhiên anh thả thêm tôm sú để tăng thêm thu nhập.
“Cũng chỉ là thả thêm giống thôi, còn thì cứ để nó sinh trưởng, phát triển tự nhiên. Tôm ở vùng rừng ngập mặn ăn các sinh vật phù du chứ không sử dụng thức ăn công nghiệp nên sức đề kháng cao, ít bệnh dịch, không cần sử dụng thuốc kháng sinh.
Cả khâu thu hoạch tôm cũng theo tự nhiên. Vào hai thời điểm nước thấp nhất trong tháng, người nuôi tôm xả nước từ trong đầm ra, những con tôm khỏe đi theo dòng nước vào lưới chắn có túi đựng đã được người dân lắp sẵn ở bên ngoài”, Thành tả quy trình nuôi và thu hoạch tôm.
Ông chủ 9X bên sản phẩm tôm chính thức được vào chuỗi phân phối của siêu thị. Anh: T.P.
|
Công ty Con Tôm hiện có hai mặt hàng tôm tươi đông lạnh và tôm khô. Tôm được cấp đông từ khi còn sống để giữ độ ngon, ngọt. Còn tôm khô thì chế biến hoàn toàn thủ công.
Thành khá "bảo thủ" khi nhất định phải luộc tôm bằng củi và phơi nắng mà không sấy. Gia vị duy nhất trong quá trình chế biến tôm khô là muối, theo tỉ lệ 10 kg tôm tươi- 100 g muối.
Anh cho rằng củi tận dụng từ cành cây khô vừa tiết kiệm vừa ngon hơn luộc bằng gas. Con tôm phơi nắng bảo quản được lâu, lại có hương vị khác tôm sấy nhờ khô đều cả trong lẫn ngoài, khi ăn vẫn mềm, trong khi tôm sấy chỉ khô bên ngoài và khá cứng.
Bỏ ổn định tìm sự bấp bênh
Kể chuyện khởi nghiệp, Thành nói ban đầu anh giới thiệu tôm với bạn bè, người quen, rao trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn… Nhưng chỉ vài người quen mua và mỗi người cũng chỉ mua vài lạng, trong khi mỗi lần nhà đóng thùng gửi lên phải vài kg. Để có khách, anh chấp nhận giao hàng thật xa, không lấy phí giao hàng. Cứ ai đặt là mừng, bất kể nhiều ít ra sao.
"2 năm tổng kết lại, mỗi năm tôi bán được có 4 triệu tiền tôm, lỗ chi phí vận chuyển, công cán thì khỏi tính! Tôi tự hỏi tại sao người ta cứ sợ thực phẩm bẩn nhưng tôm nhà mình ngon vậy, sạch vậy mà không ai mua? Buồn, nản, tôi rời các diễn đàn, thông báo trên Facebook là không bán bất cứ thứ gì nữa. Vạn sự khởi đầu nan, mình cũng không nằm ngoài quy luật”, Thành nói.
Nhưng rồi một số khách hàng đã bắt đầu quen và tin chất lượng tôm, họ tỏ tiếc và khuyên Thành bán tôm trở lại. Dần dà, chàng sinh viên kiến trúc siêu lòng, mở lại các kênh bán tôm online.
Việc chế biến tận dụng tự nhiên được Thành lý giải vừa tiết kiệm lại vừa an toàn. Ảnh: N.Di. |
Lượng đơn đặt hàng tăng thêm không nhiều nhưng Thành đã có các mối quen và ổn định. Vì vậy, khi tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định tại một công ty kiến trúc, Thành vẫn duy trì bán tôm.
Một lần, khi tôm tươi đã chuyển lên thành phố thì có nhiều khách cùng hoãn đơn hàng, do có việc đi vắng đột xuất. Tôm tươi không để được lâu, Thành đem ra chợ bán.
Giá rẻ hơn trong siêu thị nhưng vẫn cao hơn ở chợ nên người nào đến mua anh cũng giải thích con tôm của mình khác như thế nào, bảo quản ra sao để tươi ngon… Bán một hộp tôm 4 lạng, anh phải giải thích có khi đến 10- 15 phút.
"Buôn bán ở chợ cũng dạy tôi nhiều điều lắm. Tôi học được rằng giá cả rất quan trọng. Có thể đa dạng các loại sản phẩm với nhiều mức giá để ai cũng có thể tiếp cận được sản phẩm sạch. Và muốn đưa con tôm đi xa tôi phải làm rất nhiều việc, dành nhiều thời gian cho nó. Từ đó bắt buộc tôi phải lựa chọn giữa bán tôm hay làm kiến trúc sư", Thành kể.
Làm du lịch để quảng bá tôm
Vừa bán ở chợ, vừa đem tôm đến các siêu thị mini, cửa hàng thủy sản… chào mời nhưng nơi nào cũng đòi hỏi phải có pháp nhân và giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Thành hiểu rằng buôn bán lâu dài cần xây dựng uy tín thông qua một thương hiệu chứ không chỉ là sự ủng hộ bằng tình thương của người quen. Công ty TNHH Con Tôm ra đời vào tháng 10/2016 từ thực tế đó.
Thành không ngại mang tôm đi giới thiệu tại các phiên chợ hàng Việt. Ảnh: T.P. |
Thành lại tiếp tục đưa mẫu tôm đông lạnh và tôm khô đi kiểm tra các chỉ tiêu bắt buộc tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lương 3. Khi có kết quả, Thành xin bán tại Phiên chợ Xanh tử tế (do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM tổ chức) và được chấp nhận.
Bán hàng ở đây, anh lại học thêm được cách thuyết phục khách. Chẳng hạn, nhiều khách thấy tôm khô đỏ tươi tỏ ý nghi ngờ tôm nhuộm phẩm màu. Để chứng minh cho sự “trong sạch” của con tôm, một mặt anh giải thích với khách hàng rằng có màu đỏ tươi vì đặc điểm tôm sông và gạch tôm thấm vào, một mặt Thành để con tôm đã luộc và phơi còn vỏ cho khách tự bóc, để thấy bên trong tôm đỏ tươi.
Cũng nhờ vậy anh bán thêm được mặt hàng tôm luộc chưa bóc vỏ.
Giữa tháng 3, sản phẩm Con Tôm đã được "cho phép" vào siêu thị. Điều này vừa là thành quả cũng là động lực cho ông chủ 9X tiếp tục thực hiện ước mơ phát triển nghiệp của gia đình và đưa con tôm Cà Mau đi xa hơn.
Cùng với việc bán tôm, Thành cũng đang thử nghiệm tour du lịch sinh thái. Bên cạnh việc đưa khách đi thăm các thắng cảnh của Cà Mau, Thành kết hợp cho khách tham quan vuông tôm của gia đình, để họ trải nghiệm công việc nuôi tôm, bắt tôm cua, để khách yên tâm vào chất lượng tôm.