Nhìn từ trên cao, các tòa chung cư dựng đứng như vách tường dọc hai bên trục đường Lê Văn Lương. Ảnh: Ngọc Tân. |
Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên ở tuyến đường Lê Văn Lương do khu vực này tồn tại nhiều khu đô thị, chung cư một lần nữa được cử tri đặt câu hỏi với UBND Hà Nội sau kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố (tháng 7/2022).
Theo đó, cử tri quận Cầu Giấy đề nghị thành phố xem xét kiểm tra lại chủ trương quy hoạch, xử lý trách nhiệm của cán bộ nếu có sai phạm liên quan tuyến đường này.
Trả lời, UBND Hà Nội dẫn lại nhiều quan điểm đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc nêu trước đó vào hồi tháng 7, sau khi Thanh tra Bộ Xây dựng có kết luận về sai phạm quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương.
Trong đó, thành phố khẳng định quá trình nghiên cứu, đề xuất phương án chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường Lê Văn Lương và Phạm Hùng năm 2008, UBND Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Xây dựng và được thống nhất về nguyên tắc, chủ trương quy hoạch.
Toàn tuyến Lê Văn Lương chỉ dài 2 km nhưng có tới 40 tòa chung cư, nhà cao tầng. Ảnh: Ngọc Tân. |
Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình nằm trong khu vực nội đô mở rộng và chuỗi đô thị phía đông đường vành đai 4.
Tuyến này đi qua các khu vực quận Cầu Giấy - Từ Liêm, quận Thanh Xuân và khu đô thị Hà Đông.
Các khu vực này chủ yếu có chức năng sử dụng đất gồm: đất đô thị hiện trạng, làng xóm đô thị hóa, đất cây xanh công viên, hồ điều hòa, đất đơn vị ở mới, đất công cộng, hỗn hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng, nhà ở…
Đối với chức năng hỗn hợp, tầng cao được xác định là 30, 35 và cao nhất 45 tầng.
“Như vậy, chủ trương quy hoạch tuyến Lê Văn Lương đảm bảo thống nhất xuyên suốt các thời kỳ quy hoạch từ trước tới nay”, UBND Hà Nội khẳng định.
Một số dự án chung cư sai phạm trên tuyến đường Lê Văn Lương trong kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành hồi tháng 5/2022. Đồ họa: Mỹ Hà. |
Theo đó, thành phố lý giải việc ùn tắc tại tuyến đường này thường xảy ra vào giờ tan tầm do lưu lượng giao thông vào nội đô lớn, hệ thống giao thông khu vực chưa được đầu tư đầy đủ.
Về giải pháp, Hà Nội cho biết sẽ quy hoạch hệ thống giao thông vận tải tại khu vực và xác định đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị, BRT, hệ thống vận tải hành khách công cộng, đường trên cao…
Bên cạnh đó là việc hoàn thành nút giao Lê Văn Lương, đường Lê Quang Đạo kéo dài, mở rộng đường Lương Thế Vinh, đường Trung Văn, đường nối cầu Mỗ Lao đến đường 70… Các tuyến đường này được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực, cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông.
Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp thu các giải pháp phân luồng, hướng dẫn; tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức của người tham gia giao thông.
Trước đó ngày 17/5, Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành kết luận về các sai phạm liên quan nhiều dự án chung cư, nhà cao tầng ở hai bên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình. Sau đó 3 ngày, đơn vị tổ chức công bố kết luận này.
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND Hà Nội cùng một số quận, huyện liên quan khi nhiều lần phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sai quy định tại các dự án. Việc này dẫn đến nhiều công trình xây vượt tầng, tăng mật độ xây dựng, làm gia tăng dân số và tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng.
Hai tháng sau khi có kết luận trên, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thừa nhận kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra một số nội dung thiếu sót trong quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và quản lý quy hoạch tại tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình và khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.
Song, với những thiếu sót này, Sở Quy hoạch Kiến trúc chỉ cho biết sẽ "nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm".
Ngoài ra, đơn vị làm rõ thêm nhiều nội dung được nêu trong kết luận thanh tra, đặc biệt về trách nhiệm của chính quyền Hà Nội.
Cụ thể, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận việc thực hiện quy hoạch tuyến đường chưa nêu định hướng và quy hoạch chi tiết trục đường tại các đồ án được cấp thẩm quyền phê duyệt. Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng kết luận trên chưa đầy đủ và toàn diện, chưa phù hợp quy định về pháp luật cũng như yêu cầu phát triển kinh tế của thủ đô qua các thời kỳ.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.