Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Kiến nghị chuyển bằng chứng phạt nguội về địa phương

Trước việc nhiều tài xế phải di chuyển hàng trăm km để hoàn tất thủ tục phạt nguội, Cục CSGT kiến nghị chuyển chứng cứ vi phạm cho cơ quan chức năng địa phương lập biên bản.

Chuyen chung cu phat nguoi ve dia phuong anh 1

Trong văn bản lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 100, Cục CSGT (Bộ Công an) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung: Chuyển chứng cứ vi phạm được ghi nhận thông qua thiết bị nghiệp vụ về cơ quan chức năng địa phương để lập biên bản, tạo thuận lợi cho người dân.

Việc này được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng nhiều người vi phạm giao thông phải đi lại hàng trăm km để hoàn thành các thủ tục nộp phạt.

Đi gần 200 km để lập biên bản vi phạm

Khi Hà Nội bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách, hàng chục người dân xếp hàng chờ đến lượt làm việc tại trụ sở Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Cục CSGT) ở huyện Sóc Sơn. Họ là những tài xế vi phạm bị hệ thống camera giám sát trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai ghi nhận.

Theo khoản 8 Điều 80 của Nghị định 100, các vi phạm hành chính được phát hiện thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý thì cá nhân, tổ chức liên quan phải đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm.

Tài xế V.T.H (trú tại phường Khánh Hà, TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết vào tháng 5, chị lái ôtô vi phạm tốc độ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. CSGT sau đó gửi thông báo yêu cầu chị H. tới trụ sở để lập biên bản. Với lỗi vi phạm này, chị H. bị xử phạt 4 triệu đồng, tước GPLX trong 2 tháng.

Sau khi tài xế tới trụ sở, cảnh sát đã lập biên bản. Người vi phạm căn cứ vào đó để nộp phạt tại kho bạc hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

“Sau 2 tháng nữa khi hết hạn tạm giữ bằng lái, tôi phải tiếp tục đến đây để lấy lại bằng lái. Mỗi lần đi như vậy gần 400 km cả đi cả về, chưa kể chi phí cầu đường, xăng xe và các vấn đề liên quan đến xét nghiệm, khai báo y tế”, chị H. nói với Zing.

Chuyen chung cu phat nguoi ve dia phuong anh 2

Chị V.T.H. đi 200 km để hoàn thiện thủ tục lập biên bản vi phạm. Ảnh: H.Q.

Tài xế V.D.H. (ở Lục Ngạn, Bắc Giang) cũng nhận được thông báo của CSGT gửi qua bưu điện về việc ôtô của anh chạy quá tốc độ. Chuyến đi diễn ra 6 tháng trước nhưng đến nay, anh H. mới đến để nộp phạt vì Bắc Giang vừa trải qua đợt dịch Covid-19.

Tài xế cho rằng mọi vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm, tuy nhiên cơ quan chức năng cần tính tới các giải pháp thuận tiện hơn cho người dân, tránh phải đi lại nhiều, đặc biệt trong lúc dịch bệnh phức tạp.

“Chuẩn bị đến thời hạn đăng kiểm nên tôi phải đi hơn 100 km tới đây giải quyết vi phạm, riêng chi phí xét nghiệm PCR đã hết hơn 700.000 đồng”, anh H. nói.

Chuyen chung cu phat nguoi ve dia phuong anh 3

Khoảng 110 camera được lắp đặt trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ giữa năm 2020. Ảnh: H.Q.

Trao đổi với Zing, thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Tuần tra kiểm soát cao tốc số 1, cho biết cao tốc Nội Bài - Lào Cai kéo dài 262 km, đi qua 5 tỉnh, thành phố với 16 huyện, thị xã nên lượng phương tiện vi phạm được phát hiện lớn.

Đặc biệt, tuyến cao tốc này còn là con đường kết nối hàng hóa từ cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) đi cả nước nên tài xế liên quan các vụ vi phạm có thể ở các tỉnh xa Hà Nội, thậm chí từ miền Nam.

Với quy định hiện hành, tài xế bắt buộc phải đến trụ sở CSGT để lập biên bản. Chia sẻ với người dân khi phải đi xa, thượng tá Thắng cho biết đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, đẩy nhanh thời gian để người vi phạm không phải chờ đợi lâu.

"Sau khi hết thời hạn tạm giữ bằng lái, người dân nếu không có điều kiện đến tận nơi lấy thì đơn vị sẽ chuyển phát về tận nhà”, thượng tá Thắng nói.

Người dân không phải đi xa nếu thay đổi cơ quan lập biên bản vi phạm

Thông tin với Zing, đại diện Cục CSGT cho biết qua quá trình tăng cường xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera, cơ quan này nhận thấy có tình trạng người vi phạm ở xa nơi bị phát hiện vi phạm. Để tạo thuận lợi cho người dân, Cục CSGT đã đề nghị cơ quan soạn thảo Nghị định 100 sửa đổi một số nội dung tại Khoản 8, Điều 80.

Cơ quan này đề xuất trường hợp bị phát hiện vi phạm hành chính ở tỉnh này nhưng tài xế cư trú ở tỉnh khác; hoặc bị phát hiện vi phạm hành chính ở huyện này nhưng cư trú ở huyện khác và việc đi lại gặp khó khăn thì cơ quan phát hiện vi phạm được chuyển kết quả thu thập đến cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan cùng cấp nơi người vi phạm cư trú. Các trường hợp vi phạm sẽ đến trụ sở cơ quan chức năng ở địa phương để giải quyết.

Người lập biên bản sau đó cần chuyển biên bản, tài liệu liên quan về cơ quan phát hiện vi phạm để ra quyết định xử phạt. Sau đó, người vi phạm căn cứ vào biên bản hoặc quyết định xử phạt để nộp phạt qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, tránh phải đi lại nhiều lần.

Chuyen chung cu phat nguoi ve dia phuong anh 4

Luật sư đánh giá việc chuyển bằng chứng phạt nguội về địa phương sẽ tạo thuận lợi cho người dân. Ảnh: H.Q.

Về việc người vi phạm hành chính phải đến trụ sở công an để giải quyết, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV, cho biết điều này xuất phát từ quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, căn cứ xác định vi phạm và xử lý vi phạm.

“Để có căn cứ xử lý vi phạm, đòi hỏi phải có biên bản vi phạm hành chính. Khi lập biên bản, chủ thể vi phạm bắt buộc phải có mặt để bảo đảm tính xác thực và có căn cứ đúng người, đúng sự việc”, luật sư Chiến nói và cho biết quy trình thủ tục này giúp việc xác định và xử lý vi phạm chính xác, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Trước đề xuất chuyển căn cứ vi phạm về cơ quan chức năng địa phương, luật sư Chiến đánh giá việc này sẽ giúp người dân thuận tiện hơn và phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1/1/2022.

“Ở đây, bản chất sự việc và quy trình thủ tục không thay đổi mà chỉ thay đổi cơ quan lập biên bản vi phạm. Do vậy, nếu điều này được chấp nhận trong các quy định của pháp luật thì sẽ giúp người dân được thuận tiện hơn, tránh phát sinh chi phí và thời gian trong quá trình xử lý vi phạm hành chính”, ông Chiến nói thêm.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, hệ thống hơn 100 camera trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã ghi nhận hơn 4.300 trường hợp vi phạm. CSGT đã phạt tiền khoảng 20 tỷ đồng.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng theo thống kê từ đầu năm 2021, trung bình một ngày có 21.000 lượt xe qua lại trên tuyến này, ngày cao điểm nhất là trên 54.000 lượt (hôm 30/4).

Vì sao một số vi phạm giao thông được đề xuất tăng mức phạt 5-10 lần?

Theo Vụ ATGT, đề xuất tăng nặng một số mức phạt nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng và tăng mức răn đe đối với các hành vi nguy hiểm.

Chuyên gia kiến nghị tăng mức phạt đối với hành vi sử dụng biển số giả

Tăng mức xử lý đối với hành vi dùng biển số giả, quy trình xử phạt cần tạo thuận lợi cho người dân... là những kiến nghị của chuyên gia về sửa đổi, bổ sung Nghị định 100.

Một số vi phạm giao thông được kiến nghị tăng mức phạt 5-10 lần

Trong dự thảo Nghị định 100 sửa đổi, một số vi phạm được Bộ GTVT kiến nghị tăng mức phạt 2-5 lần. Đặc biệt, hành vi bán, sản xuất biển số xe giả có mức phạt tăng tới 10 lần.

Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm