Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiến nghị cho nông dân mãi không được nên đưa ra Đại hội

Làm nông dân khổ quá, yếu thế quá nên không ai muốn làm nông dân. Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ngậm ngùi khi nói về nỗi khổ của người nông dân.

Đại biểu Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Minh Quang

- Trong bài phát biểu của mình, ông có đề cập vấn đề không ít bộ ngành coi nông nghiệp là sân sau, điều này cụ thể thế nào?

- Rõ ràng vị trí của nông nghiệp rất quan trọng, cung cấp rất nhiều sản phẩm hàng hoá nhưng chúng ta quan tâm đến nông nghiệp chưa đúng mức, chưa đầy đủ với nông dân. Vừa rồi chúng ta đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn mới trong khi chủ thể của những nội dung này là nông dân thì chưa được quan tâm ngang tầm, chưa tương xứng.

Người ta còn lợi dụng nông nghiệp để làm ăn. Trong những biện pháp trợ giúp cho nông dân. Cụ thể là trợ giá hoặc mua tạm trữ, nông dân không được gì cả, doanh nghiệp được hết. Những khâu ở giữa đã ăn chặn hết, Nhà nước thì có chính sách, mục đích giúp nông dân, để cho nông dân lãi 30%. Được mùa rớt giá thì mua tạm trữ nhưng tất cả lợi nhuận đều vào túi doanh nghiệp hết. Cái đó đã được chứng minh rất rõ rồi, không đến được với nông dân.

Nông dân không lưu trữ được buộc phải bán, nên bị ép giá

- Theo ông tại sao điều này cứ kéo dài từ năm này sang năm khác?

- Cái đó thì phải hỏi Nhà nước, hỏi người ra chính sách đó chứ nông dân chúng tôi kiến nghị nhiều năm nay rồi. Chúng tôi đi ra thế giới học tập kinh nghiệm về giải quyết chuyện được mùa rớt giá thì có một biện pháp cổ điển nhưng rất hiệu quả là phát triển mạnh các thiết bị lưu trữ.

Ở đây là đắt mới mang bán, rẻ để lại nhưng nông dân chúng ta không làm được dự trữ, không thực hiện được điều này. Thế nên phải có thiết bị, kho giữ, kho lưu trữ để cho người ta giữ lại, không để tư thương hay doanh nghiệp ép giá. Vì người nông dân không lưu trữ được buộc phải bán, không bán thì hỏng nên bị ép giá. Nông nghiệp là như vậy, chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng việc này rất chậm chạp.

- Tại sao Hội không kiến nghị lên Chính phủ mà đưa nội dung này ra Đại hội XII?

- Hội Nông dân chỉ là tổ chức đoàn thể, không phải cơ quan lãnh đạo, không phải cơ quan quản lý Nhà nước, không có sức mạnh kinh tế bởi không phải các tập đoàn nọ tập đoàn kia. Chỉ là đoàn thể nên không có sức mạnh, chúng tôi kiến nghị đến nơi cao nhất là Đại hội Đảng toàn quốc, vì đã kiến nghị rất nhiều lần với Chính phủ, Trung ương, Quốc hội rồi.

- Trong tham luận của ông có đề cập việc nông dân ngày càng chán làm ruộng, thích ly hương, căn nguyên của việc này bắt nguồn từ đâu?

- Vì sao chúng ta đều không muốn làm nông dân, ngay cả cha mẹ làm nông dân cũng không muốn con làm nông dân? Vì sao có những bà mẹ nghèo rớt mồng tơi, mò của bắt ốc nhưng luôn suy nghĩ làm sao mò cua để mong con đi học, đừng có làm nông dân như mình? Chúng ta phải trả lời những câu hỏi đó. Đó là vì nông dân khổ quá, nông dân yếu thế quá chứ sao nữa. Nhưng vai trò của nông dân cực kỳ to lớn.

Trách nhiệm của Đảng, Nhà nước phải lo cho nông dân nên tôi đặt vấn đề để Đảng thấy một tiếng chuông báo động.

- Ông có thể nói cụ thể khổ và yếu như thế nào?

- Nông dân Việt Nam có 5 cái nhất, đó là đông nhất, không ai địch được với nông dân; hy sinh đóng góp nhiều nhất, có bao nhiêu liệt sĩ, thương binh là con em nông dân; nghèo nhất, có ai so được với nông dân; được hưởng lợi từ đổi mới ít nhất, có ai bằng không dân không; bức xúc nhiều nhất, có ai bằng nông dân không. Năm cái nhất đó để nói không ai muốn làm nông dân. Chúng ta phải giải quyết những vấn đề của nông dân.

Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, trình bày tham luận tại Đại hội Đảng XII sáng 23/1. Ảnh: TTXVN.

Kiến nghị về người nông dân mới

- Như vậy, phải xây dựng mô hình nông dân kiểu mới để giải quyết những vấn đề này?

- Làm gì có chuyện nông thôn mới được duy trì bởi những người nông dân cũ. Người nông dân cũ có trình độ thấp, tư hữu, văn hóa lạc hậu, làm sao làm được nông thôn mới. Hiện chúng ta chỉ tập trung cho nông thôn mới, cứ phát triển bảo nông nghiệp tiên tiến nhưng cái người làm nó, giữ nó là cũ thì làm sao thực hiện được.

Thế nên chúng tôi phải kiến nghị về người nông dân mới, phải có 5 cái mới. Đầu tiên phải có nhận thức mới, nhận thức vị trí vai trò của mình. Thứ hai phải có kiến thức mới, trình độ khoa học công nghệ, trình độ kinh tế thị trường... 

Tiếp đó là các vấn đề ý thức, văn hoá, quyết tâm mới để vươn lên. Có những cái đó mới có thu nhập cao, đời sống cao, mới có sức để giữ và phát triển nông thôn mới và để tiếp cận với nông nghiệp tiên tiến hiện đại. Chỉ khi xây dựng được lớp người nông thôn mới theo tiêu chí trên mới đủ sức để giữ nông thôn mới và phát triển.

 

'Nếu anh ấy không làm tổng bí thư, đổi mới sẽ khó khăn'

Bước sang ngày làm việc thứ ba (17/12/1986), Đại hội VI bắt đầu thực hiện một nội dung hết sức quan trọng: công tác nhân sự.

Minh Quang ghi

Bạn có thể quan tâm