“Quận sẽ kiểm tra về cơ sở vật chất, điều kiện y tế, nơi ở, nơi nuôi dưỡng và cả vấn đề khai báo tạm trú, nhân khẩu ra vào chùa” - ông Hải nói. Về thời gian kiểm tra, theo ông Hải, thực hiện ngay trong tháng 8/2014.
Về ý kiến đưa số trẻ đang nuôi dưỡng trong chùa Bồ Đề vào các trung tâm bảo trợ xã hội của TP, ông Hải nói: “Năm 2013, chúng tôi đưa chín trẻ nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề vào trung tâm bảo trợ xã hội của TP, năm 2014 cũng đưa thêm 11 trẻ vào nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ. Hiện quận đang yêu cầu và sẽ không cho tiếp nhận mới trẻ mồ côi về nuôi dưỡng tại chùa”.
Liên quan đến vụ án “mua bán trẻ em” xảy ra tại chùa Bồ Đề, sau khi cơ quan điều tra bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về hành vi trên, nhiều cá nhân đã có đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra đề nghị làm rõ việc “biến mất” của một số trẻ em từng được đón nhận trong giai đoạn từ năm 2007-2012.
Theo đơn đề nghị điều tra của các ông bà Nguyễn Việt Linh, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Lý Thúy Quỳnh (đều trú tại Hà Nội), là những người có thời gian làm từ thiện tại chùa Bồ Đề thì trong giai đoạn 2007-2012, ít nhất 11 cháu bé (có kèm hình ảnh) được nuôi dưỡng tại đây biến mất một cách bí ẩn.
Vấn đề thứ hai được nhóm bà Ngọc đặt vấn đề khi số lượng các cháu cũ “biến mất” thì lại có các cháu mới vào chùa với tên gọi y như các cháu trước. Cụ thể, các cháu này đều được đặt tên trùng là Anh, chỉ khác nhau tên đệm, ví dụ như Tùng Anh, Việt Anh, Hồng Anh, Minh Anh...
Theo đơn tố cáo của nhóm này, những cháu bé được đặt tên như vậy vào thời điểm 2007-2008 hiện không còn có mặt tại chùa, thay vào đó là một loạt cháu khác ít tuổi hơn và có tên đệm trùng như vậy.