Trên đây là phản ánh của nhiều doanh nghiệp tại hội thảo Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, diễn ra sáng 14/8. Hội thảo do Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID GIG) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.
Một khảo sát nhanh do dự án này thực hiện trước đó cho thấy, có 40%-44% lượng hàng xuất nhập khẩu bị dính thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại Hải Phòng và khoảng 35% ở hải quan sân bay Tân Sơn Nhất. Điều này lý giải vì sao rất nhiều doanh nghiệp than phiền về thủ tục này.
Nhập hàng về phải bỏ thùng rác
Ông Đặng Văn Hiếu, đại diện Công ty ALC, chuyên sản xuất tủ bếp, cho biết, công ty thường xuyên nhập ván dăm và phải đăng ký hợp quy cho loại ván này.
“Kiểm nghiệm 10-15 ngày mới có kết quả. Mỗi lần công ty nhập hàng chục container đều phải lưu kho toàn bộ để chờ kết quả, trong khi tiền lưu kho quá lớn. Cơ quan quản lý phải nói rõ nhóm hàng nào được đưa về kho của doanh nghiệp tự bảo quản, hàng nào phải lưu tại kho hải quan. Thông tư thì quy định rằng, doanh nghiệp chỉ cần nộp mẫu rồi đưa về kho doanh nghiệp bảo quản, nhưng thực tế khi doanh nghiệp nộp hồ sơ xin đưa về kho doanh nghiệp thì bị cán bộ trả lời là 'quyền quyết định thuộc chi cục trưởng'. Cuối cùng phải lưu tại hải quan!”, ông Hiếu phản ánh.
Chưa hết, theo ông Hiếu có những quy định kiểm tra hàng hóa rất khó đỡ. Công ty từng nhập một lô bàn ghế, đồ nội thất cho một dự án khách sạn lớn, trong đó có một cái ghế sofa bọc vải bố trị giá mấy chục triệu đồng. Vậy mà hải quan yêu cầu phải kiểm tra bằng cách lột vải bố đó lên, cắt miếng ra để kiểm coi mẫu vải có đạt chuẩn quy định hay không.
Hải quan khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) đang kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. |
Một công ty chuyển phát nhanh cũng bức xúc phản ánh quy định kiểm tra chuyên ngành đã khiến biết bao nhiêu hàng nhập khẩu về phải bỏ thùng rác.
“Tiền kiểm tra mẫu là 2,1 triệu đồng mỗi mẫu, bất kể mẫu lớn hay nhỏ. Cộng thêm 500.000 đồng nếu lấy mẫu tại doanh nghiệp (vì doanh nghiệp thường không biết cách cắt mẫu, lấy mẫu đúng chuẩn theo yêu cầu của bên xét nghiệm). Chi phí quá cao khiến không ít doanh nghiệp hàng nhập về nhưng đành 'bỏ của chạy lấy người', vì chịu không nổi phí. Một mẫu son kiểm tra tốn hơn 2 triệu đồng”.
Đại diện Công ty Giày Chingluh (Long An) cho hay, công ty gia công giày cho hãng Nike. Mỗi tháng tốn 40-50 triệu đồng cho việc đưa mẫu vải đi kiểm nghiệm xem có đạt chuẩn về hàm lượng formaldehyde hay không.
“Đáng nói là việc kiểm này cứ lặp đi lặp lại không có gì khác nhau hết. Một mẫu nộp 25 m, 10 màu vải thì nộp đủ 10 mẫu là 250 m, 10 lần chi phí, sao không đơn giản bớt đi cho doanh nghiệp bớt khổ. Đáng lẽ một mẫu có nhiều màu chỉ cần kiểm một màu thôi chứ!”.
“Phải chạy thôi”
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc, kiến nghị Bộ Công Thương phải sớm sửa đổi quy định kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu.
“Nhiều trường hợp thép nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, có tiêu dùng ở Việt Nam đâu mà phải quy định kiểm tra chất lượng. Doanh nghiệp bỏ một đống tiền nhập thép về, chẳng lẽ vì kết quả kiểm tra mẫu không đạt chuẩn mà bỏ cả lô hàng sao? Do vậy phải chạy thôi! Lần này kiểm không đạt thì lần sau kiểm lại đạt! Không ai không chạy. Vậy là quy định tạo ra tiêu cực rồi!", ông Nghĩa nói.
Khẳng định có tình trạng tiêu cực khi kiểm tra thép nhập khẩu, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thép Khương Mai, cho biết, trung bình một tấn thép phải “cõng” 20.000 đồng cho việc kiểm hàng, cắt mẫu, thử mẫu và cả... tiêu cực phí.
“Nếu tính trên lượng thép nhập của cả nước thì năm qua (2014) doanh nghiệp ngành thép tốn 120 tỷ đồng cho việc kiểm tra. Lô nào khó thì tiêu cực phí cao, còn lô thường thường thì phí này nhè nhẹ”, ông Khương thẳng thắn.
Tốn tiền kiểm 100, phát hiện sai 1
Việc kiểm tra hàng kéo dài còn khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí vô hình khác. Ông Khương dẫn chứng, thép của công ty từng bị dính hai lô hàng, bốn tháng kiểm mà vẫn không xong. Doanh nghiệp bán không được sản phẩm, đành phải lưu kho, sau đó thì giá thép giảm, coi như doanh nghiệp mất vài tỷ đồng cho lô hàng đó.
“Đáng nói là việc kiểm thì nhiều, doanh nghiệp rất thiệt hại nhưng kiểm tra ra thì hầu như chẳng có mẫu thép nào sai, không đạt. Vậy Bộ Công Thương cần nghiên cứu xem có thể cắt giảm việc kiểm tra được không”, ông Khương kiến nghị.
Đồng thuận với kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện dự án USAID GIG cho biết, qua khảo sát các đơn vị như Cơ quan Thú y vùng 6, Cơ quan Kiểm dịch thực vật vùng 2, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3) và hải quan Hải Phòng, TP HCM, Bình Dương, cho thấy việc kiểm tra là rất nhiều nhưng tỉ lệ hàng không đạt các tiêu chuẩn, các quy định là rất ít, luôn dưới 1% trên tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu. “Điều này cho thấy việc kiểm tra như hiện nay là quá mức cần thiết”, vị này khẳng định.
Các cơ quan chức năng tham dự hội thảo cho biết, ghi nhận các phản ánh của doanh nghiệp để có hướng sửa đổi phù hợp.