KIẾM TIỀN TỪ NHỮNG CĂN NHÀ TẬP THỂ CŨ Ở HÀ NỘI
Tồn tại hàng chục năm, những căn tập thể cũ vẫn được nhiều người chọn làm nơi ở, nơi kinh doanh bởi giá thành rẻ và cảm giác yên bình khó tìm giữa lòng Hà Nội.
I see trees of green
Red roses too
I see them bloom
For me and you
And I think to myself
What a wonderful world
…
Thức giấc, Quang Sáng (24 tuổi) với lấy chiếc điện thoại, bật một bài nhạc. Giai điệu du dương ngập tràn trong căn hộ tập thể cậu mới thuê chừng 3 tháng. Khẽ mở cửa sổ để gió có thể lùa vào nhà, Sáng lại nghe thêm được cả âm thanh xe cộ phía dưới đường, của chợ cóc gần đó hoặc tiếng mấy đứa trẻ con trong khu nhà gọi nhau đi học.
Sáng gọi âm thanh của những khu nhà cũ kỹ là điều quyến rũ mà anh không thể nào khước từ.
Chàng trai 'phải lòng' vẻ đẹp những ngôi nhà cũ
Nằm trên tầng 5, Sáng thuê căn tập thể này với giá 5 triệu đồng. Anh tự tay dọn dẹp, trang trí để tạo không gian sống theo đúng ý thích của mình.
Để tiết kiệm chi phí, Sáng nhặt nhạnh những món đồ cũ ở bất cứ đâu anh có thể tìm thấy từ chiếc sofa, tranh ảnh hay những bức tượng … “Mình khá thích việc sửa chữa, trang trí lại nhà cửa. Chắc vì thế mà ngày nào mình cũng nghĩ ra thứ để mà làm”, Sáng cười nói.
Không chỉ sống trong tập thể, Sáng còn thuê thêm hai căn hộ khác để kinh doanh đồ uống tại Hà Nội.
9h30, Sáng có mặt tại quán cà phê nhỏ của mình cùng Châu. Ba năm trước, với 1 triệu đồng trong tay, hai người quyết định vay thêm tiền để mở một quán cà phê của riêng mình. Khi đó anh mới 21 tuổi.
Nằm ở tầng 3 của một khu tập thể, quán của Sáng thậm chí không có biển quảng cáo. “Những ngày đầu nộp tiền nhà xong, mình nhẵn túi. Bàn ghế, đồ trang trí… đều là đi xin lại. Thỉnh thoảng, mình và Châu lại lọ mọ ở ngoài đường, thậm chí là bãi rác, kiếm được món đồ hay ho thì mang về quán”, Sáng nhớ lại quãng thời gian khó khăn trước đây rồi kể lại.
Với những căn nhà cũ như vậy, việc sửa chữa trước khi bước vào kinh doanh thường ngốn nhiều thời gian và tiền bạc. Nhưng với Sáng, để giữ lại hơi thở cho những căn nhà, anh chọn cách không can thiệp quá nhiều vào không gian ấy. Việc Sáng làm khi đặt chân tới chỉ là sửa lại đường điện nước hoặc mở rộng một vài chiếc cửa sổ để không gian được thoáng hơn.
Với Sáng, điều khó nhất là làm sao để giữ được không gian yên tĩnh cho cả khu. Hiểu được tinh thần ấy, khách đến quán lúc nào cũng “đi nhẹ, nói khẽ”. Không gian quán trở thành nơi thư giãn và tận hưởng sự yên bình.
Vậy là đều đặn mỗi ngày, Sáng sẽ tới một trong hai quán đồ uống để làm việc rồi cuối ngày lại trở về với căn phòng nhỏ. “Mình đang có những thứ riêng giữa thành phố ồn ào, lòng mình thì yên như những căn nhà cũ, vậy là đủ với mình rồi”, Sáng nói.
Kinh doanh trong những căn hộ tập thể
Chuyện kinh doanh trong khu tập thể đến nay đã không còn xa lạ. Người ta đã dần quen với những cửa hàng như của Sáng: không biển hiệu, nằm ẩn mình trong những căn phòng cũ kỹ.
Năm 2012, chị Lê Thúy Hạnh (1992) có cho mình cửa hàng đầu tiên về thời trang. Toàn bộ là đồ chị tự thiết kế và may, thêu.
Chị Hạnh thuê căn nhà cũ rồi sang sửa để tạo không gian kinh doanh. Phần tường bao được đập gần hết để đổi thành cửa kính, hút nhiều ánh sáng vào phòng. Để tránh ẩm mốc vì căn nhà đã cũ, chị Hạnh sửa lại cả trần nhà và sàn.
"Khó nhất khi kinh doanh trong những ngôi nhà không biển hiệu như này đó là việc khách hàng rất khó tìm đến. Nhưng thật may mắn, người này truyền tai người kia, cửa hàng của tôi vẫn được đón những vị khách mới mỗi ngày. Đó thực sự là những bất ngờ khiến tôi thích thú", chị Hạnh chia sẻ.
Chủ nhật, cả gia đình chị Kim Liên (31 tuổi) có mặt tại cửa hàng nhỏ. Căn hộ 80 m2 này được chị thuê với giá 7 triệu đồng/tháng. Với giá thuê không quá cao và diện tích mặt sàn rộng, căn tập thể trở thành nơi lý tưởng cho cửa hàng nhỏ của chị Liên.
Tận dụng ánh sáng của dãy hành lang, những ngày rảnh rỗi, chị Liên bày biện đồ đạc, rồi chụp hình cho các sản phẩm của mình.
“Tôi không chịu được tiếng ồn của xe cộ nên việc kinh doanh trong khu tập thể khá phù hợp với tôi”, chị Liên cười nói. Do dịch bệnh, khách lui tới cửa hàng không nhiều, chị Liên bán hàng chủ yếu qua mạng.
Được ngày nghỉ, chị cho hai con gái ra chơi. Những đứa trẻ hào hứng nô nghịch trong khi chị Liên cùng chồng hì hục dọn dẹp lại cửa hàng. Những hôm làm việc cả ngày, chị không quên mang theo chút thực phẩm rồi nấu nướng ngay tại nơi làm việc.
Cách đó không xa là cửa hàng sửa chữa đồ điện của ông Nguyễn Đăng Duyên (83 tuổi). Nằm gọn trong hầm cầu thang của 1 khu tập thể cũ, chỗ làm việc của ông Nguyễn Đăng Duyên ngổn ngang với quạt máy, ấm nước, tivi,...
Sau những năm dài chiến đấu trong chiến trường Quảng Trị, cựu binh Nguyễn Đăng Duyên quay trở về với cuộc sống thường nhật như bao con người bình lặng khác.
Lối vào chỉ rộng hơn 1 m, cũng chẳng có biển quảng cáo nhưng người này bảo người kia, tiệm sửa đồ điện của ông Duyên cứ vậy mà ngày nào cũng đông khách.
Ông được nhà nước cấp cho một căn hộ chừng 20 m2 trên tầng 4. Vậy là ngày ngày, ông Duyên xuống tầng một làm việc rồi lại lên nhà cùng vợ cơm nước, chăm sóc mấy khóm cây.
“Công việc, cuộc sống của tôi gắn với khu nhà này. Nó đã già cũ hệt như tôi. Chúng tôi cứ vậy mà bình lặng trong thành phố”, ông Duyên vui vẻ nói.
Không chỉ kinh doanh bên trong căn hộ, những khoảng sân cũng được tận dụng làm điểm gửi xe. Trông giữ xe trong khu tập thể được coi là hình thức kinh doanh tương đối ổn định. Bởi để giữ không gian sinh hoạt yên tĩnh, hầu hết gia đình đều đăng ký gửi xe với giá dịch vụ 200.000 đồng/tháng.
Cuộc sống trong khu tập thể giữa lòng thành phố
Từ sau năm 1956, mô hình nhà tập thể lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội. Đến nay, rất nhiều người vẫn lựa chọn đây là nơi ở, nơi kinh doanh… bởi giá thành rẻ và bầu không khí yên bình mà những căn nhà cũ mang lại giữa lòng Hà Nội nhộn nhịp.
Những bức tường vàng san sát, những mảng sơn tróc vàng, khung sắt hoen rỉ đến bạc màu như khẳng định nơi ghi dấu thời gian của những khu tập thể. Đây trở thành nơi sinh sống, gắn bó của nhiều thế hệ gia đình.
“Bình an và trầm mặc” là hai từ mà ông Đỗ Quang Đại kể về cuộc sống hơn 30 năm gắn với ngôi nhà trong khu tập thể Thanh tra Chính phủ trên phố Vạn Bảo.
Là cán bộ về hưu, năm 1990, ông Đại được Nhà nước cấp nhà ở. Từ đó đến nay, ông Đại cùng vợ và các con sống ở đó. Sau này con cái ông lập gia đình, tách ra ở riêng, thỉnh thoảng gửi mấy đứa cháu ngoại về để ông bà chăm nom cho đỡ buồn.
Kể về những khu nhà tập thể ở Hà Nội, ông Đại nhớ về hình ảnh những chậu cây, thùng rau xanh mướt được trồng ngay ngắn, tưới tắm mỗi ngày. Và tiếng cười của lũ trẻ con nô đùa, lớn lên trong những khu nhà đã đi qua những năm tháng thăng trầm ấy.
"Nhà tập thể ngày xưa giá trị lắm chứ. Bây giờ lỗi thời rồi, thành thị hiện đại hơn, người ta yêu thích sự tiện nghi và mới mẻ", ông Đại chia sẻ. Nhưng vì đã gắn bó quá lâu với căn nhà, ông cũng chẳng đành lòng để chuyển đi.
Rảnh rỗi, ông Đại ngâm lại bài thơ viết về khu tập thể cũ của nhà thơ Lưu Quang Vũ:
“ Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình
…”