Do mật ong nhiều nên đến ngày họp chợ Phiên Thứ (An Hiệp, Tuy An), ong ruồi cũng là một sản phẩm hút hàng, tươm vàng một góc chợ, túa lên dọc đèo Quán Cau (Quốc lộ 1A). Những ngày chưa đến chợ phiên, người dân chủ yếu bán mật ong ở phía nam đèo Quán Cau.
Theo những người lớn tuổi ở Tuy An, ong ruồi (một loại ong nhỏ, hiền lành) và cả những loại ong khác như ong bọng, ong lỗ (ở trong bọng cây hay hang đá), ong thế (làm tổ trên cây cao) thường có mật vào độ cuối xuân, đầu hạ, bởi thời điểm này nhiều cây rừng ra hoa nên con ong đi hút mật làm tổ.
Cách đây hơn 10 năm, rừng còn nhiều, ong cũng còn nhiều. Nhưng thời gian gần đây người ta đã phá rừng làm rẫy quá nhiều nên ong cũng “bỏ xứ” đi hết… Vậy mà năm 2013 này, ở Tuy An, ong ruồi lại xuất hiện rất nhiều và kéo dài từ tháng 3 cho đến nay.
Nông dân bán sản phẩm ong ruồi vừa lấy từ rừng. |
Nhiều người nhận định, sở dĩ ong ruồi nhiều hơn mọi năm vì năm rồi vùng này không có bão lớn. Vả lại, nhiều vùng rừng đã được người dân nhận đất trồng cây gỗ kinh tế, ong đã trở về bên bóng mát rừng keo, bạch đàn…
Nhiều người đã tạm gác lại công việc nhà để vào rừng lấy mật về bán. Ông Nguyễn Kỷ (ở thôn Mỹ Phú, An Hiệp) là một thợ lấy mật ong chuyên nghiệp, cho biết: “Mấy năm trước, đến mùa mỗi người cũng chỉ lấy được vài tổ, đủ mật để dùng, nếu có dư thì cũng chỉ bán 1 - 2 lít. Không hiểu sao năm nay ong ruồi lại xuất hiện rất nhiều…”.
Nhóm ông Kỷ có 4 người cùng xóm lập “bầu” đi cùng. Mờ sáng, những nhóm thợ ong rời nhà vào những cánh rừng xa tìm ong. Đặc điểm ong ruồi con nhỏ, làm tổ cũng nhỏ và thường ở trong những cánh rừng cạnh các bờ suối nhiều hơn rừng cao. Theo ông Kỷ, khi vào đến rừng, mỗi thành viên trong nhóm chia đều bắt lối cứ thế cắt rừng tiến tới. Ai gặp ong thì tự lấy, nếu khó lắm thì gọi người quen sang tiếp ứng...
Theo “bầu trưởng” Nguyễn Thành (ở An Thọ): “Dù khó cỡ nào, tuyệt đối anh em cũng không dùng lửa đốt ong, vì như thế ong sẽ chết. Mình lấy mật nhưng phải biết bảo tồn giống ong quý hiếm này để chúng tiếp tục cho mật”. Mỗi người một hướng tìm ong, song đến trưa, thường bầu bạn “a lô” hẹn điểm gặp nhau dưới bóng cây bờ suối thoáng mát để ăn cơm nghỉ ngơi rồi chiều tiếp tục.
Theo ông Nguyễn Thành, mấy năm trước một lít mật ong ruồi giá trên 1 triệu đồng nhưng không có mật bán. Năm nay, đầu mùa giá vẫn thế. Đến khi ong xuất hiện nhiều nên giá cũng giảm chỉ còn từ 700.000 - 900.000 đồng/lít. Bình quân mỗi ngày một người đi tìm được 5 tổ ong, ngày công cũng tương tự giá 1 lít mật, gấp mấy lần đi làm thợ hồ hoặc đi làm cỏ, nhổ rau thuê. “Làm có tiền như vậy nên ai cũng ham, bỏ cả ông việc nhà để lên rừng lấy mật”- vợ ông Thành cho biết.
Thôn Mỹ Phú (An Hiệp) nổi tiếng là nơi có nhiều mật ong ruồi nhất. Vì vậy thợ ong chỉ cần mang tổ về nhà, đầu nậu và khách sành ong sẽ đến tận nơi mua, nếu không đi được thì họ gửi người tin tưởng đi mua.
Nếu như sáng sớm đi thì thường cuối giờ chiều, thợ ong trở về nhà mang theo nhiều tổ ong. Với các loại ong khác thì vắt lấy mật, bỏ sáp tàng ong ngay tại rừng, còn tổ ong ruồi sau khi lấy được, mọi thành viên phải tự giữ làm sao khi đem về nhà vẫn còn nguyên vẹn thì mới dễ bán. Ong ruồi không vắt lấy mật mà để nguyên tổ, mỗi tổ ong tùy theo lớn nhỏ mà giá cũng dao động khác nhau.
Anh Kỷ cho biết: “Chúng tôi lấy được nhiều, về bao nhiêu thì người ta mua hết bấy nhiêu”. Ong ruồi cho mật ít nhưng thơm ngon và có giá trị kinh tế cao. Một điều nhiều người công nhận là mật ong rừng ở đây là sản phẩm nguyên chất được lấy từ rừng chứ không có sự pha tạp.