Thu Huyền, sinh viên năm 2 ĐH tại Hà Nội, đang tất bật lên kế hoạch tìm... thuê người học hộ để có thời gian chạy gần chục show PG đã nhận trong tháng 12. Rao thanh toán 60.000 đồng/buổi học hộ trên diễn đàn sinh viên trường, Huyền chia sẻ: "Mình cũng biết việc này là không nên, nhưng cả năm mới có 1 mùa cải thiện thu nhập nên đành. Hơn nữa, việc học của mình thời gian này đang nhàn nên cũng không quá lo. Nhiều bạn trong trường làm PG, PB tầm này đều như mình cả".
Theo Thu Huyền, do mới làm PG được vài tháng, chưa có nhiều kinh nghiệm nên trước cô chỉ nhận được các show lẻ như cầm bảng quảng cáo, bán hàng, phát hàng dùng thử, tờ rơi..., thù lao không cao, dao động 50.000 - 80.000 đồng/ca 2 - 2,5 tiếng.
Tuy nhiên, thời điểm tháng 12, lượng việc tăng mạnh, lại được làm dài hạn với lương cao gấp rưỡi đến gấp đôi nên Huyền và một số bạn trong nhóm PG tranh thủ cơ hội tăng nguồn thu. Huyền tiết lộ, trong nửa đầu tháng 12, nhờ chịu khó chạy show, cô đã kiếm được tới 5 triệu đồng, hơn cả tháng lương đi làm thêm trong năm.
Giai đoạn cuối năm, các nhãn hàng tổ chức nhiều sự kiện kích cầu, quảng bá thương hiệu, đem tới nhiều cơ hội việc làm tốt cho PG, PB. Ảnh minh họa: Diệp Sa |
“Nếu làm PG rượu, bar, bán hàng thì ngoài lương cứng còn được thưởng thêm doanh thu. Nhiều bạn mình quen có thu nhập lên tới mười mấy, hai mươi triệu/tháng, nhưng mình non, thì chỉ chọn những việc phù hợp với sinh viên thôi”, Huyền cởi mở.
Chị Minh Thư, trưởng phòng PR - Marketing của một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối hóa mỹ phẩm tại Hà Nội cho biết, tới tháng 12, số lượng PG, PB bên chị cần tuyển cho các hoạt động truyền thông và quảng cáo, bán hàng thường tăng gấp nhiều lần trong năm.
"Tháng 12 là tháng chạy chỉ tiêu, nên hoạt động tổ chức sự kiện, marketing diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, nguồn PG, PB thời điểm này khá khan do nhu cầu thị trường đều cao, nên để hút được người đẹp và có kinh nghiệm, chúng tôi phải chủ động tăng lương khoảng 50 - 70%. Với các model (người mẫu), cát-xê cuối năm thường tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba thông thường", chị Thư cho biết.
Chia sẻ về nghề PG, PB, chuyên gia marketing này cũng khẳng định, đây không phải là nghề chỉ yêu cầu mặt sáng, dáng xinh, mà đòi hỏi phải hội tụ thêm nhiều yếu tố: thái độ nghiêm túc, kiến thức về lĩnh vực nhận làm và sức khỏe. Như cách nói vui của một nữ PG xinh đẹp, đắt show, là sinh viên ĐH Luật Hà Nội: "PG chuẩn là phải chân dài, dai sức, có kiến thức".
Không chỉ nhờ nguồn cung tăng dẫn tới cơ hội việc làm và thu nhập tăng mạnh, thời tiết mát mẻ tháng 11, 12, 1, 2 cũng tạo điều kiện giúp nhiều bạn PG, PB làm nghề đỡ vất vả hơn. PG có cơ hội trang điểm, ăn mặc đẹp hơn mà không lo mồ hôi làm trôi phấn son hay mất sức giữa tiết trời nóng nực. Các PB tham gia chạy quảng cáo, tổ chức sự kiện cũng thấy nhẹ nhàng hơn nhiều, nhất là đối với PG, PB chuyên mặc mascot (hình nộm).
Một PB trong hội PG – PB Hà Nội chia sẻ, trong nghề này, công việc mặc mascot từ lâu được biết đến là việc vất vả “như tra tấn”, ít người dám nhận. Tuy thù lao trả cho mascot thường cao gấp đôi những việc khác, nhưng do đây là việc yêu cầu sức khỏe, khả năng chịu đựng tốt trong thời gian dài nên không phải ai cũng làm được.
Công việc mặc mascot (hình nộm) là nỗi ám ảnh của nhiều PG, PB vào mùa hè lại trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu vào mùa đông. Ảnh: UNET |
“Đáng sợ nhất là vào mùa hè, phải chui vào hình nộm nặng nề, dày và nóng hơn chăn bông giữa tiết trời oi bức. Mình là nam nhi sức dài vai rộng mà có lần mặc hình nộm quảng cáo sản phẩm cho một hãng sữa, mình còn mệt phát ngất. Các bạn gái hoặc ngay cả nam nhưng sức yếu chắc chắn không kham được!”, PB Chí Công (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) cho biết.
Tuy nhiên, Công hồ hởi khoe, vào mùa đông, công việc mặc mascot sung sướng, nhẹ nhõm hơn nhiều. Chỉ cần một bộ quần áo mỏng chui vào giữa “đống chăn”, đứng nhún nhảy tầm 2 tiếng là cậu có thể thu về 150.000 – 200.000 đồng. Nhờ có kinh nghiệm giao lưu với trẻ em và biểu diễn mascot linh động, dễ thương nên trong dịp này, Công được giới thiệu nhiều show nhẹ nhàng, cát-xê cao.
Đặc biệt gần 2 tuần trước Noel, cậu đã nhận tới gần 20 ca mascot quanh thành phố. Ngoài lương cứng, Công còn được trả hoa hồng theo phần trăm doanh thu và thưởng nếu hoàn thành tốt. “Đây là cơ hội kiếm tiền lớn nhất trong năm của mình nên tất cả các công việc cá nhân khác mình gạt hết, để tập trung nhận show, có tiền về nhà góp Tết với gia đình”.
Kiếm tiền gấp đôi, gấp ba bình thường, nhưng theo chia sẻ của nhiều người trong nghề, để có được khoản thu nhập gần chục triệu đồng/tháng, các PG, PB cũng phải bươn chải, vất vả và làm việc với tác phong chuyên nghiệp, nghiêm túc.
Hương Trang (SV năm 2, ĐH Hà Nội) kể lại, có lần do hỏng xe, cô tới muộn đã để ảnh hưởng tới tiến độ công việc chung của cả nhóm. Bị phụ trách mắng nhiếc thậm tệ, dù Trang liên tục xin lỗi nhưng cô vẫn bị phạt số tiền đúng bằng tiền thù lao trả cho người thay thế.
Chị Minh Thư nhấn mạnh, PG, PB không chỉ là một đội ngũ đẹp mà còn là những người đại diện hình ảnh cho mỗi nhãn hàng, nên với bất cứ sơ suất nào cũng sẽ dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Với những PG, PB sự kiện, phía tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên lưu ý chuẩn giờ giấc, tác phong, và đưa ra mức phạt nặng để cảnh báo trước những trường hợp làm nghề không nghiêm túc.