Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiếm thêm ngày Tết, đến cá kho cũng lên mạng

Sau khi thăm dò nhu cầu, anh Phong quyết định hủy hợp đồng thuê hai gian hàng tại hội chợ Xuân 2014 (Hà Nội) để dồn sức bán các loại bánh đặc sản ngày Tết qua Internet.

Nhìn vào sức mua kém năm nay, nhiều người như anh Phong e rằng thêm phí thuê gian hàng thì lời lãi càng giảm sút. Với tâm lý đó, cùng với bánh trái đến cả cá kho cũng rủ nhau lên mạng...

Xoay xở kiếm thêm, từ bánh gai tới yến

Theo tính toán của Phong, giá thuê một gian hàng 4 mét vuông ở một vị trí hạng trung bình tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) hết khoảng 8 triệu đồng, trong vòng 10 ngày; cộng với 6,5 triệu đồng cho gian hàng tại Công viên Thống Nhất, thì sẽ khá rủi ro trong tình hình buôn bán ế ẩm hiện nay. Mặt hàng anh Phong bán là đồ đặc sản của Hải Dương gồm bánh đậu xanh, bánh gai, bánh gấc, miến và bánh cáy Thái Bình. Đây là những sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất vào dịp Tết, dễ dàng dùng để biếu tặng, bày biện, mời khách. Tuy vậy, bánh gai, bánh gấc là những sản phẩm không bảo quản được lâu, chỉ bán chạy vào những ngày cận Tết, mà hội chợ thì diễn ra trước Tết tới hơn chục ngày, nếu thuê gian hàng tại hội chợ e rằng không hiệu quả. Chọn phương án bán hàng qua mạng, sức tiêu thụ có thể thấp hơn nhưng chủ động về nguồn hàng đặt, giảm được chi phí. Anh Phong kể, sau khi tích cực mời chào trên Facebook và một số trang mạng miễn phí, anh đã có số lượng đặt hàng kha khá từ nay cho đến sau Tết. Lợi nhuận có thể đảm bảo mức 20-30%.

“Tôi từng có kinh nghiệm bán nước hoa, quần áo qua mạng, nên cũng dễ thích nghi việc kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết như thế này. Ban đầu tính việc thuê gian hàng ở hội chợ là vì tôi muốn một số anh em bạn bè có dịp gặp gỡ, hợp tác, tập dượt việc kinh doanh chung. Nhưng tính lại thì bán hàng qua mạng an toàn hơn. Cách này không bị bó buộc về thời gian do phải trông coi gian hàng. Tiện lấy hàng từ Hải Dương lên Hà Nội nên tôi lấy thêm hoa của Đà Lạt Hasfarm từ Hà Nội. Số tiền đáng lẽ để thuê gian hàng đủ để mua hoa về bán”, anh Phong kể.

Cách Tết nửa tháng, người đi chợ có thể thấy Phong bày bán giỏ hoa trước Trung tâm Thương mại Hải Dương. “Hiện tại thì lợi nhuận tạm ổn vì không phải chịu tiền thuê mặt bằng nhưng khá vất vả, thỉnh thoảng phải lo chạy do bị công an... đuổi. Mấy hôm nữa người ta sẽ ngăn ô cho thuê trước cửa trung tâm, giá thuê chắc khoảng 2-3 triệu đồng. Tôi chưa biết lúc ấy sẽ bán tiếp nữa hay không...”. Anh Phong nói trong cái lạnh giá rét mướt: “Tình hình chung khó khăn thì đến cả dịch vụ ăn theo mấy ngày Tết cũng cực nhọc lắm”.

Khi các mặt hàng mới, lạ cho ngày Tết đang tìm cách thăm dò, tiếp cận thị trường Hà Nội thì nhiều loại hàng hóa thông dụng khác như áo quần, lịch, giò chả... có lẽ ít khi nào sức mua thấp như mùa Tết năm nay.

Khác với cách bán bánh, bán hoa của anh Phong, chị Thu hy vọng vào dịp Tết thì mặt hàng yến hũ, yến sào sẽ được tiêu thụ nhiều hơn. Theo lời giới thiệu của các bà mẹ trên các diễn đàn mạng, chị trở thành đại lý cho một nhãn hiệu yến mà chủ nhân được giới thiệu là góp tiền lời từ bán hàng để xây giếng cho bà con vùng sâu vùng xa. “Tôi vẫn bán cho chị em trong cơ quan và bạn bè là chính, nay Tết đến thì giới thiệu mạnh hơn vì mặt hàng này rất phù hợp để làm quà biếu”, chị nói. Chị Thu cho biết với mặt hàng yến, do khó phân biệt được chất lượng, khách hàng chỉ an tâm khi được bạn bè, người thân giới thiệu. Bởi vậy trước mắt, chị chỉ cần giới thiệu lên Facebook và qua truyền miệng là đủ. Tôi cũng vừa làm việc văn phòng vừa bán cho vui, kiếm thêm đồng ra đồng vào trong thời gian khó khăn thôi”, chị Thu tâm sự.

Cá kho giao toàn quốc

Trong lúc hàng hóa tiêu thụ chậm, ngoài việc tìm kiếm những cách bán hàng mới, người bán còn phải đánh trúng được nhu cầu tiêu thụ hàng chất lượng tốt, giá rẻ. Điều này cũng phù hợp với xu hướng mua sắm trực tuyến và đánh giá sản phẩm trực tiếp trên mạng, vào bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ đâu. Mấy năm trước, mấy ai nghĩ những mặt hàng như bánh gai, xôi chè, cá kho, mắm ruốc... cũng có trang web, trang fanpage riêng để giao dịch.

Tết này, chỉ cần gọi điện là không chỉ có hoa hay yến sào mà có cả... cá kho “sản xuất” ở Hà Nam! Trang web chuyên bán món này giới thiệu đầy tự hào: Bên cạnh những đặc sản vật thể và phi vật thể như chuối Đại Hoàng, tác phẩm văn học Chí Phèo - Thị Nở, truyện ngắn Lão Hạc..., thì nay, làng Vũ Đại còn nổi danh với món cá kho.

Chưa có điều kiện lập trang web riêng như với món cá kho làng Vũ Đại, một nhóm bạn trẻ quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương đã nhanh nhạy rao hàng Tết trên Facebook với món đặc sản mắm rươi. Sản phẩm này được làm nhiều khi bắt đầu vãn mùa rươi, trước Tết Nguyên đán hơn một tháng. Đến cận Tết, giá bán vẫn là 270.000 đồng/0,5 lít. Bạn Yến, đang là sinh viên, kể: “Chúng em vẫn giữ giá và chất lượng dù giá nhập vào có tăng. Để kiếm được công việc làm thêm tốt bây giờ không hề dễ. Với việc này, nếu tạo được uy tín tốt, biết đâu sẽ giúp chúng em có thu nhập ổn định”. Ngoài mắm rươi thì các bạn trẻ này còn chịu khó cung cấp cả chả rươi, rươi nấu, rươi kho...

Khi các mặt hàng mới, lạ cho ngày Tết đang tìm cách thăm dò, tiếp cận thị trường Hà Nội thì nhiều loại hàng hóa thông dụng khác như áo quần, lịch, giò chả... có lẽ ít khi nào sức mua thấp như mùa Tết năm nay. Hỏi chuyện các chị các cô có quầy hàng ở chợ Đồng Xuân, ai cũng lắc đầu buồn bã vì hàng ế ẩm. Chị Liên, chủ một sạp vải, than thở: “Đến thời điểm này thì người buôn vải vóc như chị chẳng còn hy vọng nhờ Tết mà sức tiêu thụ sẽ chuyển biến. Năm nay vẫn được dự báo là còn rét nhiều, nhưng giờ rét thế rồi mà áo quần, vải vóc vẫn ế thì còn mong gì được...”. Lời than ấy không phải không có căn cứ, vì chẳng cần chờ đến năm nay, không ít tiểu thương đã “thấm đòn” từ mùa Tết trước. Hàng hóa tiêu thụ chậm, dân tình phải tiết kiệm hơn, bớt nhu cầu sắm sửa, vậy nên không khí Tết có phần phai nhạt. Chẳng khó để gặp ở đây đó lời buột miệng, rằng Tết đang về mà chưa có vẻ gì là xuân sang...

http://www.thesaigontimes.vn/home/doanhnghiep/chuyenlaman/109039/

Theo TBKTSG

Bạn có thể quan tâm