Từ hai năm nay, người dân sống ở khu vực Cầu Giấy-Láng- Nguyễn Trãi (Hà Nội) đã quá quen thuộc với hình ảnh chiếc xe đạp lỉnh kỉnh đồ đạc của chị Nguyễn Thị Hoa. Hàng được treo lên xe có đủ các loại xô chậu, rổ rá, chổi, bàn chải đánh răng… Chị Hoa cho biết, ban đầu cũng hay ngồi ở các chợ, nhưng không bán được nhiều, nên chuyển sang mô hình “chợ chạy”, mang hàng đến tận tay người mua.
“Chợ chạy” được ưa chuộng vì đánh vào tâm lý cần là có của ngay khách hàng. Ảnh: Phương Nhung |
“Những cửa hàng sang trọng, bề thế ở phố lớn còn phải tung đủ chiêu khuyến mại để giữ khách. Hàng ít, vốn nhỏ như chúng tôi không có gì khuyến mại thì phải chọn cách chiều người mua, mang hàng đến tận tay họ”, chị Hoa giải thích về việc kinh doanh chợ di động của mình.
Theo chị, người mua hàng chủ yếu là những bà nội trợ, người bận rộn, ngoài ra còn có khách mua ngẫu hứng. Càng đi sâu vào những ngõ ngách nhỏ đông dân cư càng có đông người mua. “Hàng bán dạo tôi lấy tận gốc, bán tận ngọn lại không mất tiền thuê mặt bằng nên dễ bán và dễ thu lời. Trung bình mỗi ngày rong ruổi các phố cũng kiếm được 300.000-500.000 đồng”, chị nói thêm.
Chị Phùng Thị Trang cũng một thời buôn hoa ở chợ Nhổn nhưng ế ẩm và chuyển sang kinh doanh di động, bằng cách chở hàng đến tận tay khách. Hàng hóa được xếp lên xe đạp, dắt bộ để bán ở khu phố cổ hoặc gần khu vực bờ hồ Gươm. Khách hàng chủ yếu là người có nhu cầu nhưng lại không có thời gian đi mua. “Hơn nữa với hàng hoa, những loại hoa lạ, đẹp thường chỉ bán ở chợ sáng chứ không có ở chợ chiều, nên nhiều khi muốn mua cũng khó. Hay cũng có khi, xe hoa đi qua thấy đẹp khách hàng lại có ngẫu hứng muốn mua”, chị Trang nói về lý do nhiều người thích mua hoa bán rong.
Mang hàng đến tận tay khách là cách những người bán rong cạnh tranh với các cửa hàng lớn. |
Theo chị Kiều, bán hàng di động là cách kinh doanh khôn ngoan trong thời buổi khó khăn. Cách kinh doanh truyền thống này ngày càng được ưa chuộng bởi nó đánh trúng vào tâm lý “người dùng cần thì sẽ có”.