Các cây "khủng" được bọc kỹ trước khi vận chuyển. Ảnh: Điền Quang. |
L
iên quan đến ba cây đa khổng lồ đang bị lực lượng chức năng tạm giữ ở Thừa Thiên - Huế, nhiều chuyên gia cây cảnh cho rằng nếu không được chăm sóc kỹ, dễ dẫn đến suy cây rồi chết dần.
Tưới nước giữ ẩm khi để dưới nắng
Theo ông Hồ Minh Đạt, một người chuyên buôn bán cây cảnh tại Đắk Lắk cho rằng việc chăm sóc cây cổ thụ không quá phức tạp nhưng phải làm đúng yêu cầu.
“Đối với cây đa sộp, khi đào lên vận chuyển đi xa cần bao kỹ phần rễ, thân và nhánh rồi tưới nước để giữ độ ẩm. Ba cây "khủng" bị tạm giữ tại Huế đã được bao bọc đầy đủ; tuy nhiên, để giữ cây sống trong thời gian dài thì cần thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho vỏ cây tươi”, ông Đạt nói.
Ông Đạt nhận định ba cây đa sộp đã được khai thác lâu và việc để cây dưới nắng mà không tưới nước thường xuyên dễ dẫn đến khô vỏ và chết dần.
"Để bảo quản cây chủ nhân hoặc cơ quan chức năng nơi tạm giữ cần thường xuyên tưới nước và che nắng", ông Đạt chia sẻ.
Cây đa cổ thụ đang được di chuyển trên quốc lộ. Ảnh: Công an cung cấp. |
Liên quan đến giá trị của cây đa sộp “khủng”, vị chuyên gia cây cảnh nói: "Những cây thế đẹp hoặc điểm nhấn có giá hàng chục triệu thậm chí hàng trăm triệu đồng. Hiện các loại cây đa sộp, si, sung vừa chục năm tuổi đang được giới cây cảnh phía bắc tìm kiếm và mua nhiều".
Phải bồi thường nếu cây chết
Trao đổi với phóng viên, luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định tạm giữ để điều tra nguồn gốc 3 cây "khủng" thì nơi đây phải có trách nhiệm chăm sóc. Nếu quá trình chăm sóc để xảy ra hư hỏng, chết hay mất cây thì Chi cục kiểm lâm phải bồi thường.
"Để được bồi thường, chủ ba cây này khiếu nại quyết định hành chính của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chủ nhân ba cây này còn có thể khởi kiện quyết định hành chính, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có", luật sư Vũ nói.
Xác định nguồn gốc ba cây 'khủng'
Cùng ngày, ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết theo hồ sơ mà chủ ba cây “khủng” bị tạm giữ tại Thừa Thiên - Huế cung cấp thì nhóm có nguồn gốc tại Đắk Lắk. Đây là những cây đa sộp, được khai tác tại huyện Krông Năng và huyện M’đrắk, Đắk Lắk.
Khu vực khai thác một cây "khủng" ở Đắk Lắk. Ảnh: Minh Quý. |
"Sáng nay đơn vị đã cử cán bộ mang hồ sơ vào phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra. Bước đầu đơn vị xác nhận ba cây trên thuộc loại đa sộp cổ thụ", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, trong hồ sơ không thể hiện các cây này vận chuyển để tặng cho ai hay làm gì. Theo bản kê, các cây trên có đường kính hơn 2 m và thuộc dạng cổ thụ. Giá trị các cây trên không được tiết lộ.
Ông Tùng còn cho biết Cục đã có văn bản gửi các địa phương tăng cường kiểm tra và khuyến khích người dân không nên buôn bán những loại cây này.
Tối 30/3, CSGT phát hiện 3 xe trên mang biển kiểm soát tỉnh Quảng Bình chở 3 cây cổ thụ lưu thông trên quốc lộ 1 qua địa phận xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc). CSGT Thừa Thiên - Huế cho biết 3 xe chở cây đều vượt quá chiều dài, quá tải cầu đường từ 20-50%, vượt quá chiều cao hàng hóa.
Các tài xế khai chở cây cho một công ty, từ Đắk Lắk ra Quảng Bình. Doanh nghiệp này báo chí mới phản ánh dùng xe đầu kéo chở cây "khủng" cho tướng công an đi qua nhiều trạm CSGT trên quốc lộ 1 gây xôn xao dư luận.
Tối 2/4, một người xưng là chủ 3 cây cổ thụ "khủng" xin được làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trưa 3/4, người này đến làm việc với cơ quan kiểm lâm và trình ra 2 bộ hồ sơ liên quan đến các cây nói trên. Tuy nhiên, những bộ hồ sơ này được cho là bản photocopy, không có giá trị pháp lý. Phòng Thanh tra - Pháp chế từ chối tiếp nhận và yêu cầu người này phải cung cấp bản chính trong thời gian sớm nhất.