Craig Dickmann ngày 10/11 quyết định đi câu cá ở một vùng hẻo lánh tại khu vực phía bắc Australia. Nơi này còn được mệnh danh là "vương quốc cá sấu". Khi ông đang rời khỏi bờ biển, một con cá sấu dài gần 2,8 m bất ngờ ập đến từ sau lưng, vồ cắn bắp chân ông.
"Tôi vừa quay mặt bước đi thì thoáng nhìn thấy đầu con cá sấu đang lao về phía mình. Âm thanh đó sẽ ám ảnh tôi suốt đời", Dickmann trả lời các phóng viên đến thăm ông ở bệnh viện ngày 15/11.
"Con cá sấu đó đặc biệt ranh ma và gian ác", ông mô tả.
Cá sấu nước lợ ở phía bắc Australia khi trưởng thành có thể dài đến 7 m và nặng hơn 1 tấn. Ảnh: Reuters. |
Người nhân viên kiểm lâm 54 tuổi may mắn thoát chết và được đưa đến bệnh viện thị trấn Cairns, bang Queensland, theo AFP.
Dickmann nói ông đã vật lộn với con vật trên bờ biển, không để cho nó lôi mình xuống nước. Người đàn ông nhanh trí lấy ngón tay cái chọc vào mắt cá sấu. Ông nói đó là "điểm yếu" duy nhất ông có thể nhận thấy trên lớp da "chống đạn" của con vật.
Sau vài phút, Dickmann cũng xoay chuyển được tình thế, ngồi đè lên mình cá sấu và ghìm bộ hàm của nó xuống bờ biển. Giằng co được một lúc, ông đẩy con thú ra xa, rồi nó nhanh chóng bỏ chạy xuống biển.
Người nhân viên kiểm lâm tróc nhiều mảng da trên bàn tay và hai chân sau cuộc chạm trán kinh hoàng. Ông vẫn đủ sức để lái ôtô gần 45 phút khỏi khu vực hẻo lánh, trở về nhà và gọi điện cầu cứu. Dickmann tiếp tục chạy xe thêm 1 tiếng đến điểm hẹn nhân viên cứu hộ, sau đó được trực thăng đưa đến bệnh viện Cairns.
Nhân viên cơ quan môi trường Queensland tuần này đã phát hiện con cá sấu hung dữ và tiến hành trợ tử. Thông báo của cơ quan nhấn mạnh khu vực Dickmann bị tấn công vốn có rất nhiều cá sấu. Giới chức Queensland kêu gọi người dân khi đến đây cần hết sức cảnh giác.
Số lượng cá sấu tăng vọt kể từ khi chính quyền vào thập niên 1970 tuyên bố đây là loài động vật cần được bảo vệ. Số vụ cá sấu tấn công người cũng rất thấp.