Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiếm chác từ vật phóng sinh là 'tàn nhẫn'

Lợi dụng nhu cầu phóng sinh ngày càng cao, nhiều người đã trục lợi để kiếm tiền, tạo hình ảnh rất xấu cho tập tục này cũng như đe doạ nghiêm trọng tới môi trường.

Từ một tập tục có mục đích ban đầu tốt đẹp, phóng sinh đang bị biến tướng và thương mại hoá nghiêm trọng. Lợi dụng nhu cầu phóng sinh ngày càng cao, nhiều người đã trục lợi để kiếm tiền, tạo hình ảnh rất xấu cho tập tục này cũng như đe doạ nghiêm trọng tới môi trường.

Vấn nạn này diễn ra không chỉ ở những nước Á Đông vốn có hoàn cảnh lịch sử, văn hoá lâu đời với tập tục này như Nhật Bản, Trung Quốc, hay Việt Nam mà ngay cả tại các quốc gia phương Tây như Mỹ, Pháp.

Các chuyên gia quốc tế có cùng chung nhận định: Chính những người bắt lại vật phóng sinh rồi đem đi bán kiếm lời phải chịu trách nhiệm lớn nhất về việc làm biến tướng tập tục này.

Vòng luẩn quẩn thả - bắt tàn nhẫn

Bà Victoria Finlay, Giám đốc truyền thông Liên minh Tôn giáo và Bảo tồn (Alliance of Religions and Conservation), nói với Zing.vn: "Nhiều người săn bắt, đánh vợt động vật hay được dùng để phóng sinh như chim, cá hay rùa rồi đem đi bán nhằm thu lợi. Sau đó họ tiếp tục rình bắt lại những con vật vừa được phóng sinh để rồi lại bán lại, kiếm chác lần hai”.

Theo bà Finlay, cái vòng luẩn quẩn bắt để phóng sinh, phóng sinh rồi bắt lại này đáng lẽ ra không nên tồn tại. "Kỳ lạ là khi con vật càng bị tổn thương vì bị bắt lại quá nhiều, nhu cầu 'phóng sinh' chúng lại càng cao. Chính những người bắt lại vật phóng sinh đang tạo nên một ngành công nghiệp tàn nhẫn", bà nói.

Ngày 23 tháng Chạp vừa rồi, giữa dòng sông Sài Gòn, ghe thuyền tấp nập trực sẵn, chỉ cần cá, rùa, được thả xuống nước lập tức chủ ghe nhanh tay vợt hoặc chích điện động vật phóng sinh đó, rồi bán lại, kiếm chác.

Nhiều người vừa thả cá xuống sông đã bị bắt mất. Phần lớn, họ chỉ biết nhìn con cá của mình lạc nhầm vào cái vợt của “vợt thủ” đứng canh ngay đó, một số nhỏ lại quyết định chi tiền ra để “chuộc” cá về.

Rùa vừa phóng sinh ở sông Sài Gòn bị bắt ngay trước mặt người thả Nhiều người bất bình bị những kẻ lợi dụng việc phóng sinh để bắt lấy rùa, cá... vừa được thả. Việc này diễn ra ngay trước mắt họ.

Chuyện phóng sinh người thả, bên vớt không chỉ xảy ra ở Việt Nam.

Tháng 7/2018, hơn 10.000 con cá được thả xuống dòng sông ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) nhưng gần như ngay lập tức, nhiều con cá đã chui vào vợt và lưới của một nhóm người đứng chờ sẵn.

Mặc cho lời van xin của người thả cá hết lòng van nài là cá phóng sinh, nhóm người vớt cá vẫn thản nhiên trút từng mẻ vào trong bao mang về.

Trả lời Zing.vn, bà Iris Ho, chuyên gia Tổ chức nhân đạo động vật hoang dã (Wildlife Humane Society International), chỉ ra những hậu quả đối với động vật phóng sinh: Một số động vật sẽ chết trong quá trình vận chuyển. Số còn lại ngay khi được thả ra, một phần do chưa kịp thích nghi được với môi trường mới, phần nữa đã trở nên rất yếu sau một hành trình quá dài, sẽ dễ dàng bị bắt lại, phục vụ cho lần phóng sinh mới.

chich dien ca phong sinh, anh 1
Một số người chi tiền cho "vợt thủ", xin tha cho những con cá mình vừa thả. Ảnh: Lê Quân

Phóng sinh đang bị hiểu sai

Có thể thấy tục phóng sinh hiện nay đang được thực hiện có phần sai lệch, bà Finlay nhận định.

Ở góc độ môi trường, mặt tốt của phóng sinh là góp phần vào công cuộc tái tạo tự nhiên. Đây được hiểu như một nghi thức giúp con vật trở về với môi trường sống và tiếp tục gia tăng, nảy nở. Thế nhưng, vòng quay thả bắt, trục lợi từ động vật phóng sinh không chỉ làm tổn hại đến ý nghĩa hướng thiện tốt đẹp của đạo Phật mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

“Phóng sinh là việc làm xuất phát từ lòng hướng thiện của con người. Ví dụ khi thấy động vật hoang dã bị nhốt hoặc đem làm thú nuôi trong nhà, chúng ta động lòng trắc ẩn, tìm cách đưa chúng trở về đúng với nơi mà chúng thuộc về chứ không phải vô tình tước đi quyền được sống của chúng", bà Finlay nói.

chich dien ca phong sinh, anh 2
Một nhóm 7 người cùng mua hàng trăm kg cá lớn nhỏ, hàng chục lồng chim bày cúng trước bến sông và thuê thuyền ra giữa dòng để phóng sinh. Ảnh: Lê Quân

Văn hóa luôn sáng tạo theo xu thế thời đại. Trong xã hội hiện nay, để gìn giữ những giá trị thực của tín ngưỡng văn hóa, các chuyên gia cho rằng cần phải hướng dẫn và giáo dục người dân cách thực hiện các nghi thức tín ngưỡng một cách chuẩn mực.

Ở Trung Quốc, trong vài năm qua, các nhà lãnh đạo Phật giáo đã đưa ra hình ảnh động rất trực quan và những tài liệu về câu chuyện phóng sinh, tạo nghiệp.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh: Con người có thể làm những hành động cụ thể để giảm sự đau đớn cho động vật trong cuộc sống thường ngày thay vì chỉ chăm chăm phóng sinh và tiếp tay cho kẻ xấu trục lợi.

Không có cầu thì cung sẽ mất, các chuyên gia nhận định. Do vậy, trước tiên mỗi người cần phải ý thức được mục đích tốt đẹp ban đầu của phóng sinh để từ đó tránh làm biến tướng tập tục này.

Ông Martin Palmer, một chuyên gia khác của Liên minh Tôn giáo và Bảo tồn, nói với tạp chí National Geographic vào năm 2017: "Nếu vì lừa dối vợ mình hoặc thụt két công ty, một người có thể nghĩ rằng họ sẽ gột rửa hết những tội lỗi đó bằng cách phóng sinh hàng ngàn con vật. Thế nhưng, phóng sinh không thể che giấu tội lỗi".

Hà Phương - Tuấn Lã

Bạn có thể quan tâm