Nhiều hãng công nghệ đang lợi dụng nỗi sợ máy móc để trục lợi. |
Tuy nhiên, Stephen Hawking cũng có cái nhìn lạc quan về trí tuệ nhân tạo (AI). Ông cho rằng nếu khai thác tốt, AI sẽ là một trong những khai phá tốt nhất mà loài người có được.
Nhiều người cũng tin rằng AI sẽ giúp xã hội phát triển rực rỡ hơn, nâng cao dịch vụ chăm sóc y tế, cải thiện năng suất lao động, đồng thời giải phóng con người khỏi những công việc nặng nhọc.
Tuy viễn cảnh diệt vong đó không thể xảy ra trong nay mai nhưng đã có nhiều tiếng nói sợ sệt về điều này, hay ít nhất cũng cố thuyết phục nguy cơ đó là có thật.
Điển hình trong số này là nhà tỉ phú Elon Musk, sáng lập Tesla Motors và SpaceX. Ông này đã lập một công ty phi lợi nhuận với sự tham gia của nhiều hãng công nghệ lớn, trong đó có Amazon, nhằm ngăn chặn nguy cơ diệt vong đến từ trí tuệ nhân tạo.
Ngoài Elon Musk, các trường đại học lớn trong đó có Berkeley, Oxford và Cambridge cũng lập ra những viện nghiên cứu có chức năng tương tự. Nhiều nhân vật nổi tiếng như Bill Joy, Bill Gates và Ray Kurzweil cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ trí tuệ nhân tạo.
Thổi phồng nguy cơ
Bao giờ cũng vậy, đã có diệt vong thì sẽ có cứu rỗi. Nguy cơ trí tuệ nhân tạo là có thật nhưng con người vốn thông minh và hơn hết chính họ tạo ra AI nên sẽ có cách kiểm soát từ đầu.
Biến thách thức thành cơ hội để từ đó đưa ra các giải pháp sáng tạo. Rất nhiều hãng công nghệ đang kiếm bộn tiền từ nỗi sợ này. Cũng khó có thể nói đó là tác phẩm của khoa học viễn tưởng hay đơn thuần chỉ là thổi phồng của giới công nghệ.
Máy móc liệu có nổi dậy? |
Chẳng hạn Ray Kurzweil, nhà sáng chế, phát minh và khoa học gia nổi tiếng của Mỹ, tin rằng loài người sẽ bất tử nhờ các loại robot tí hon có khả năng số hóa trí óc con người.
Còn Elon Musk thì cho rằng con người sắp đạt tới "cảnh giới" giống như bộ phim viễn tưởng Ma Trận trong tương lai gần. Khi đó, hiện thực có thể được lập trình được để lưu giữ trong nhiều thế kỷ.
Một số hãng công nghệ lớn luôn tự coi họ là "đấng cứu thế" với sức mạnh có thể tiêu diệt con người hoặc khiến con người bất tử. Suy nghĩ này luôn thường trực trong thế giới công nghệ bởi nó nuôi dưỡng cái tôi và sự ngạo mạn tin rằng sức mạnh của họ lớn hơn bất cứ sáng tạo của một cá nhân nào.
Với các nhà nghiên cứu về Ngày Phán xét như Elon Musk hay Ray Kurzweil, thừa nhận nguy cơ là có thật không chỉ là lời kêu gọi hành động mà còn thu hút những khoản đầu tư khổng lồ và cơ hội rộng mở khác.
Thế nhưng, liệu những cỗ máy thông minh có tiêu diệt, cứu rỗi hay đơn giản là giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn? Để trả lời câu hỏi này, hãy xem những gì đang thực sự xảy ra với trí tuệ nhân tạo dưới đây.
Sự thật trần trụi
Các công nghệ cơ bản, giống những thứ mà trí tuệ nhân tạo DeepMind của Google sử dụng để đánh bại vua cờ vây Lee Sedol trong trận chiến gần đây, thực ra không mới. Chúng từng được phát triển từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Sở dĩ giờ đây công nghệ này mạnh lên là nhờ có dữ liệu lớn và năng lực xử lý điện toán cao hơn. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của các hệ thống này không đổi – chúng được phát triển cho mục đích nhất định. Trong trò chơi, mục đích là thắng đối thủ, cụ thể là bắt được tướng hoặc vua.
Robot làm thay công việc của con người. |
Tuy nhiên, trong các trường hợp khác, rất khó xác định được mục đích chính và đây chính là lúc trí tuệ nhân tạo có thể phát sinh vấn đề. Tất nhiên, mọi thứ đều có nguyên nhân của nó. Trong trường hợp này, nguyên nhân có thể do sơ hở của hệ thống hơn là ý định nham hiểm của trí tuệ nhân tạo.
Hãy thử tưởng tượng trong chiến tranh lạnh, Mỹ đặt tất cả sức mạnh hạt nhân của mình dưới sự quản lý của trí tuệ nhân tạo để đối phó với cuộc tấn công của phủ đầu của Liên Xô.
Do Liên Xô không có hoạt động đối kháng nào, theo thời gian các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ tự tan chảy khiến hệ thống điện lưới bị mất tạm thời. Ngay lập tức, cảm biến của trí tuệ nhân tạo phát hiện sự bất thường và quyết định đáp lại bằng cách khởi động hệ thống đáp trả.
Tổng thống Mỹ ngay lập tức ra lệnh cho hệ thống vô hiệu hóa cơ chế phản ứng như trí tuệ nhân tạo lại nhận dạng sai lời nói của tổng thống như bị ai đó ép buộc. Tên lửa hạt nhân lập tức được phóng đi, và thế là nhân loại bị diệt vong.
Thực tế, trí tuệ nhân tạo chỉ tuân theo những chỉ thị được lập trình sẵn nên hoàn toàn có thể xảy ra lỗi. Điều này hoàn có thể dẫn tới những sai lầm chết người mà con người từng mắc phải trong chiến tranh lạnh.
Thực chất những sai lầm đó là do con người chứ không phải máy móc. Tất nhiên, con người có thể thiết kế ra trí tuệ nhân tạo để giết chóc, nhưng là giết hại lẫn nhau, chứ không phải máy móc có ý thức giết người.
Có nhiều tiếng nói lo ngại về nguy cơ trí tuệ nhân tạo. |
Các chính phủ phương tây, đứng đầu là Mỹ, từng thả virus máy tính Stunext để phá hủy cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran. Trong tương lai, virus máy tính sẽ thông minh hơn và có khả năng phá hủy lớn hơn. Tuy nhiên, một lần nữa, chính con người sử dụng công nghệ để giết hại lẫn nhau.
Cũng có những nguy cơ thực sự từ trí tuệ nhân tạo nhưng chủ yếu về mặt kinh tế hoặc xã hội. Trí tuệ nhân tạo thông minh hơn sẽ giúp tạo nên xã hội phồn thịnh hơn nhưng cũng khiến không ít người mất việc làm.
Nguy cơ tiếp theo là con người "lạnh nhạt" với nhau nhiều hơn khi các loại robot chăm sóc sức khỏe thay thế con người làm công việc này.
Vậy nên, thay vì lo lắng về tương lai loài người, chúng ta nên tập trung vào các thách thức có thật như thay đổi khí hậu, vũ khí hủy diệt hàng loạt hơn là các con robot AI sát thủ.